Trận động đất và tiếp sau đó là trận sóng thần đã phá hủy thành phố Sen-dai ở phía Bắc Nhật Bản (cách Tô-ki-ô khoảng 250 km về phía Đông Bắc) và các khu vực xung quanh. Đến nay, đã có 5.178 người chết và xấp xỉ 1 vạn người mất tích...
Các hoạt động cứu trợ khẩn cấp tiếp tục diễn ra. Các quan chức Chính phủ và các đội cứu trợ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm nạn nhân. Các chuyên gia kĩ thuật nỗ lực ngăn chặn ảnh hưởng của phóng xạ từ các lò phản ứng hạt nhân. Điều gì sẽ xảy ra sắp tới? Liệu cuộc khủng hoảng ở Nhật Bản có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng toàn cầu?
Theo Cục Tình báo Trung ương Mỹ thu nhập toàn cầu năm 2010 đạt 62,2 nghìn tỉ USD, tăng 4,6% so với năm trước. Nhưng sự phục hồi này chủ yếu nhờ các chương trình kích cầu của 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới: Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Hiện có nhiều dấu hiệu cảnh báo các khoản chi tiêu của các nước này quá lớn, lạm phát của Trung Quốc lên đến mức hai con số, đe dọa sự tăng trưởng trong tương lai. Trong khi đó, gánh nặng nợ nần đang ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ. Thảm họa ở Nhật Bản diễn ra đúng thời điểm cực kì khó khăn của các nền kinh tế lớn. Trận sóng thần, động đất ngày 11-3 ở Nhật Bản không thể đẩy thế giới vào cuộc suy thoái thứ hai, song sự việc này có thể mở đường cho một sự suy giảm kinh tế trong tương lai. Những khó khăn của Nhật Bản không diễn ra trong bối cảnh bình thường. Phần lớn các nguồn cung cấp năng lượng của thế giới đang bị đe dọa bởi tình trạng rối loạn ở Bắc Phi và Trung Đông - nơi chiếm hơn 1/3 sản lượng dầu mỏ của thế giới. Cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản lại làm tăng nhu cầu xăng dầu của nước này trong bối cảnh giới kinh doanh năng lượng Nhật Bản đang gặp khó khăn rất lớn về nguồn cung. Đến nay, 11 trong số 25 lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản, chiếm 47% công suất điện hạt nhân của nước này, phải ngừng hoạt động do động đất.
|
Nhà cửa, xe cộ và đống đổ nát do sóng thần ở Ka-sê-nu-ma. |
Ban đầu, trận động đất đã làm giá dầu giảm và khiến các thị trường chứng khoán có xu hướng tăng. Tuy nhiên, những tác động có lợi đó chỉ là tạm thời. Chẳng bao lâu, việc tái thiết Nhật Bản sẽ làm tăng nhu cầu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên ở nước này. Giá than đá cũng sẽ tăng vì đây là loại nhiên liệu được sử dụng để sản xuất 1/4 lượng điện của Nhật Bản. Việc mua năng lượng tăng mạnh của Nhật Bản sẽ diễn ra đúng thời điểm nhu cầu xăng dầu trên toàn cầu có xu hướng tăng. Trong khi đó, "Nhật báo Phố Uôn" của Mỹ ngày 14-3 cho rằng, tình trạng khó khăn của nền kinh tế Nhật Bản sau thảm họa động đất và sóng thần cuối tuần qua sẽ lan tỏa ra khắp Châu Á trong những tuần tới, làm xáo trộn thêm bức tranh kinh tế của khu vực trong bối cảnh các nước đang phải vật lộn với việc giá dầu và lương thực tăng cao.
Theo tờ báo này, mặc dù kinh tế Châu Á dự kiến vẫn tăng trưởng 7,5-8% trong năm 2011, nhưng đã chậm lại so với mức 9% của năm 2010 vì ngân hàng trung ương các nước sẽ nâng lãi suất và người tiêu dùng sẽ kiềm chế chi tiêu để chống lạm phát. Thảm họa của Nhật Bản là một yếu tố tạo thêm khó khăn, ít nhất là trong ngắn hạn. Trận động đất đã phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng của Nhật Bản và có thể dẫn đến việc nhiều nhà máy không có điện ổn định trong những tuần tới, gây nguy hại dây chuyền cho các nước xuất khẩu lớn nhất Châu Á.
Fu Wing Hoong, Chủ tịch Hiệp hội Điện và Điện tử Ma-lai-xi-a, nói: "Các cảng bị đóng cửa và việc phân phối bị ảnh hưởng, đặc biệt trong ngành công nghiệp điện tử. Bất kì sự đổ vỡ nào trong ngành điện tử của Nhật Bản đều có ảnh hưởng rõ ràng". Các nhà kinh tế cho rằng, thông tin tốt là việc chi tiêu mạnh tay cho các dự án tái thiết có thể giúp phục hồi nền kinh tế Nhật Bản và điều này có thể dẫn đến nhu cầu đối với một số sản phẩm của Châu Á như gỗ và các nguyên liệu khác tăng lên. Tuy nhiên, sự phục hồi không thể diễn ra sớm mà phải đợi đến nửa cuối năm nay và trong quý tới, nền kinh tế Châu Á sẽ suy giảm mạnh.
Nhật Bản vẫn là một phần quan trọng của nền kinh tế khu vực, dù gần đây nó đã mất vị trí là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhật Bản là nguồn đầu tư trực tiếp lớn nhất đối với một số khu vực của Châu Á và là nguồn khách du lịch quan trọng, đặc biệt là đối với các nước như Thái Lan, nước đón một triệu khách du lịch Nhật Bản mỗi năm. Nhật Bản cũng là nguồn kiều hối chính đối với các nước như Phi-líp-pin, nước có khoảng 200.000 công dân đang làm việc tại Nhật Bản.
Nhật Bản cũng là đối tác thương mại quan trọng nhất của khu vực, mua nhiều quặng sắt, than đá, khí đốt và các nguyên liệu khác của In-đô-nê-xi-a, Ô-xtrây-li-a và các nước khác, chiếm khoảng 10% tổng xuất khẩu của khu vực. Do đó, Tim Condon, nhà kinh tế của ING tại Xin-ga-po cho rằng thương mại giữa Nhật Bản và các nước Châu Á khác có thể giảm mạnh trong ngắn hạn và cùng với các vấn đề khác như lạm phát cao, tốc độ tăng trưởng trong thời gian sắp tới của Châu Á sẽ chậm lại.
Nguồn: Nguoicaotuoi