Các nhà kinh tế học phố Wall cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ trụ vững ngay cả khi kinh tế Mỹ trì trệ lại.
Goldman Sachs, Credit Suisse và BofA Merrill Lynch đều đưa ra nhận định như trên. Goldman Sachs dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ mất đi 0,2 điểm phần trăm xuống còn 4,6% trong năm 2011, ngay cả khi tăng trưởng tại Mỹ sụt xuống chỉ là 1,8% từ mức 2,6%.
Merrill Lynch đưa ra con số tăng trưởng kinh tế 1,8% cho Mỹ vào năm tới, so với mức 3,9% của thế giới.
Khối BRIC gồm các nước Braxin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc có ngành xuất khẩu chiếm gần 20% GDP, tuy nhiên lượng xuất khẩu tới Mỹ chỉ chiếm ít hơn 5% GDP của các nước này. Điều này có nghĩa là ngay cả khi tăng trưởng Mỹ chậm đi 2%, cũng chỉ khiến bốn nền kinh tế này mất đi 0,1 điểm phần trăm. Các nước phát triển như Anh, Đức, Nhật cũng ít bị ảnh hưởng bởi kinh tế Mỹ.
Chuyên gia của Merrill Lynch thì nhấn mạnh rằng tỷ trọng kinh tế Mỹ trên GDP toàn cầu đã giảm xuống còn khoảng 24% kể từ mức 31% trong năm 2000. Không như Mỹ, nhiều nước đã tránh được tình trạng bong bóng tài sản, giữ cho hệ thống ngân hàng vững chắc, cải thiện thương mại và tình hình ngân sách.
Các nhà đầu tư cũng đồng ý với nhận định này. Theo điều tra của Bloomberg, Mỹ đã rơi xuống dưới Braxin, Trung Quốc và Ấn Độ trong danh sách những nước đáng được đầu tư nhất. Các thị trường mới nổi cũng thu hút được nhiều vốn hơn từ các đợt phát hành cổ phiếu so với các nước công nghiệp phát triển trong quý vừa qua, theo số liệu của Bloomberg.
Nguồn: Bloomberg