Nguồn: Tamnhin.net
Đối với nước Mỹ, 2 năm sau khủng khoảng, kinh tế vẫn chưa có lực đẩy, vẫn "u ám". Trong bối cảnh đó, về đối nội, Tổng thống B.Obama đã thông báo Chương trình kinh tế mới trị giá 350 tỷ USD nhằm thúc đẩy kinh tế. Về đối ngoại, nhờ có sự hậu thuẫn của Quốc hội, chính quyền Mỹ đã có những bước đi quyết liệt trong "cuộc chiến" tỷ giá với Trung Quốc.
Đối với Trung Quốc, vị trí thứ 2 trong kinh tế thế giới đã được xác lập. Hiện nay Trung Quốc đang thực hiện chiến lược điều chỉnh tỷ giá theo hướng "từng bước, từng bước" nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết một số vấn đề lớn như đầu tư, tăng trưởng và tiêu dùng.
Đối với Châu Âu, sau những hành động quyết liệt ngăn chặn nguy cơ nợ công bùng phát, khu vực Châu Âu không chỉ đi đầu trong cắt giảm thâm hụt ngân sách mà còn "noi gương" Mỹ khi thông qua Luật Giám sát tài chính, phê chuẩn việc thành lập cơ quan giám sát hệ thống ngân hàng châu Âu.
Đối với Nhật Bản, đồng Yên lên giá là vấn đề kinh tế lớn nhất và Nhật Bản đơn phương can thiệp để hạ giá đồng Yên là sự kiện quan trọng nhất trong thời điểm hiện nay. Nếu nói rằng trong trường hợp này, Nhật Bản không có nhiều sự lựa chọn và như vậy, sự rủi ro trong điều hành chính sách tiền tệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Mỹ: Kinh tế thế giới năm 2010 tăng trưởng không cao có nguyên nhân từ nước Mỹ, từ kinh tế Mỹ.
Tháng 9 là tháng cuối cùng của năm 2010 (tài khóa bắt đầu từ 1/10 năm trước đến 30/9 năm sau), nhưng nhiều yếu tố không thuận lợi vẫn "song hành". Thâm hụt ngân sách, thâm hụt ngoại thương, tỷ lệ thất nghiệp...ở mức cao.
Sự "bất thường" của kinh tế Mỹ được phản ánh rõ nét nhất trên thị trường chứng khoán. Còn nhớ trong phiên giao dịch lịch sử ngày 06/05/2010 một nhà đầu tư lớn đã sử dụng phần mềm giao dịch tự động để bán các hợp đồng tương lai.
Hậu quả là chỉ số Dow Jones lao dốc gần 1,000 điểm trong chưa đầy 20 phút và nhanh chóng quét sạch 1 ngàn tỷ USD khỏi thị trường trước khi hồi phục. Đây là mức rớt giá trong ngày mạnh nhất từ trước đến nay của Dow Jones.
Nếu nói kinh tế Mỹ hiện nay "mong manh" cũng là không qúa lời. Lãi suất thấp, Chương trình kinh tế mới trị giá 350 tỷ USD, đồng Nhân dân tệ (NDT) đã tăng so với đồng USD...nhưng tăng trưởng GDP vẫn loay hoay từ 1,4-1,7%.
Phản ứng của thị trường có vẻ không như kỳ vọng đối với các giải pháp kinh tế do chính quyền của Tổng thống B.Obama đưa ra.
Trung Quốc: Trái với kinh tế Mỹ, kinh tế Trung Quốc vẫn phát triển khả quan trong bối cảnh đồng NDT lên giá tương đối so với đồng USD.
Về đối ngoại, Trung Quốc tăng cường mua đồng Yên, tăng cường đầu tư vào Trung Á, vào Châu Phi và cả Châu Âu (Hy Lạp). Trong "cuộc chiến" tiền tệ với Mỹ, Trung Quốc vẫn chủ động tăng giá đồng NDT ở một biên độ nhất định và không gây "sốc" cho nền kinh tế.
Về đối nội, tăng trưởng cao cũng được mổ xẻ ở nhiều góc độ khác nhau, thành tựu có nhiều nhưng nguy cơ cũng không ít. Không phải các chỉ số vĩ mô nào cũng thuận lợi cho Trung Quốc. Mất cân đối là vấn đề quan tâm nhất hiện nay.
Nếu Trung Quốc không điều chỉnh mối tương quan giữa tăng trưởng, đầu tư, lạm phát và tiêu dùng ở mức hợp lý, thì nguy cơ mất cân đối của nền kinh tế ngày càng tăng.
Không loại trừ nguy cơ mất cân đối mà hiện nay tạm gọi là "sóng ngầm" sẽ trở thành "sóng thần" đối với kinh tế Trung Quốc trong tương lai.
Châu Âu: Tháng 9 cũng không phải là tháng tốt lành đối với kinh tế khu vực Eurozone nói riêng và Châu Âu nói chung. Theo các dự báo được công bố, GDP khu vực Eurozone có thể giảm đến mức cực thấp, 0,5%.
Sự suy giảm của khu vực Eurozone cũng không quá khó hiểu, trong khối đó là chủ trương cắt giảm bội chi ngân sách, đó là thông qua Luật Giám sát tài chính, phê chuẩn việc thành lập cơ quan giám sát hệ thống ngân hàng châu Âu.
Ngoài khối tình hình cũng không mấy khả quan, kinh tế Mỹ và Nhật Bản gặp nhiều khó khăn dẫn đến đồng Euro giảm giá cũng không mang lại lợi thế cho tất cả các nước thành viên.
Nước Đức đã tạo ra sự khác biệt duy nhất đối với các thành viên trong khối khi xuất khẩu và GDP đều tăng. Chính sự tăng trưởng của kinh tế Đức trong thời gian vừa qua đã tạo ra sự tranh luận thú vị về mô hình phát triển giữa Đức và Mỹ, về cách thức tăng trưởng kinh tế sau khủng khoảng, về qui mô các gói kích thích...
Trong ngắn hạn, kinh tế khu vực Eurozone chưa thể có đột biến về tăng trưởng, cần phải kiên nhẫn nếu nói về tăng trưởng của khu vực Eurozone.
Nhật Bản: Là đất nước luôn có sự khác biệt so với nhiều nước khác, điều này lại càng đúng trong lĩnh vực kinh tế.
Trong khi nhiều nước đồng tiền bị giảm giá, lãi suất cao, nguồn tín dụng khó khăn...thì ở Nhật Bản lại có những điều ngược lại. lãi suất ở mức siêu thấp (0,1%), tín dụng dồi dào và đồng Yên "bỗng dưng" tăng giá và tăng mạnh.
Đồng tiền mất giá phản ánh sự mất cân đối của nền kinh tế, đồng tiền lên giá trong bối cảnh phụ thuộc vào xuất khẩu của Nhật Bản cũng tạo ra nhiều cản trở cho sự phục hồi kinh tế.
Trong bối cảnh hiện nay, Nhật Bản không có nhiều sự lựa chọn và sự can thiệp của Nhật Bản nhằm ngăn đồng Yên tiếp tục lên giá được hiểu là giải pháp tình thế. "Đồng Yên đã tiến tới ngưỡng mà Nhật Bản không thể không can thiệp", Thủ tướng Kan khẳng định:
Sự khác biệt cho lần can thiệp này đó là hành động đơn phương của Nhật Bản, không có sự phối hợp với các tổ chức tài chính hoặc các nền kinh tế lớn. Điều này cũng tạo cho dư luận đặt câu hỏi về hiệu quả của sự can thiệp, câu trả lời hiện còn ở phía trước.
Thế giới đang thay đổi và thay đổi mạnh mẽ, kinh tế thế giới cũng phải thay đổi, tuy nhiên mô hình nào, con đường nào phù hợp, hiện chưa có câu trả lời.