Trong tuần kinh tế thế giới có nhiều chuyển động đáng chú ý, nhiều chương trình kinh tế lớn, nhiều chính sách kinh tế lớn được thông qua và có tác động đến quan hệ kinh tế quốc tế.
Kinh tế thế giới tuần qua. Ảnh minh họa
Kể từ tuần này, Tamnhin.net sẽ có tổng thuật kinh tế thế giới hàng tuần, đăng vào thứ 6 để giúp độc giả nhìn lại diễn biến chính của kinh tế thế giới tuần qua. Bài đăng trên chuyên mục con Phân tích của chuyên mục lớn Quốc tế. Bài do một chuyên gia kinh tế, chuyên gia về Nga, Lưu Văn Vinh, chịu trách nhiệm.
Lần đầu tiên, sau nhiều năm cố định tỷ giá giữa đồng NDT với USD, ngày 19/6/ vừa qua, ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã tuyên bố linh hoạt tỷ giá mà thực chất điều chỉnh đồng NDT mạnh hơn so với đồng USD. Động thái này của Trung Quốc đã gặp phản ứng rất nhanh từ các trung tâm kinh tế lớn. Ngay lập tức Mỹ đã hoan nghênh quyết định điều chỉnh tỷ giá mà theo phía Mỹ, điều này cần phải làm từ lâu.
Giải thích việc nới lỏng tỷ giá của Trung Quốc, có quan điểm cho rằng đây là động thái "thiện chí" của Trung Quốc trước thềm Hội nghị G-20 tại Canada cuối tuần này (vấn đề tỷ giá có thể làm nguyên nhân gây tranh cãi giữa TQ và một số nước). Có quan điểm khác cho rằng nguy cơ lạm phát mới là lý do để Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá, cần phải nói thêm đây là vấn đề thường xuyên gây tranh cãi giữa Trung Quốc và Mỹ. Sau khi nới lỏng, tỷ giá ngay lập tức có sự thay đổi, Tỷ giá giao dịch trong ngày 22/6 được ấn định ở mức 6,7980 Nhân dân tệ đổi 1 USD, tăng 0,43% so với mức 6,8275 Nhân dân tệ của ngày 21/6.
Trước sự phản ứng mau lẹ của thị trường, tại Trung Quốc đã có quan điểm khác nhau, phản ánh cách đánh giá và nhìn nhận khác nhau liên quan đến việc thay đổi tỷ giá, cụ thể:
Việc điều chỉnh tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế hướng về xuất khẩu của Trung Quốc, sẽ khó có thể duy trì xuất siêu mậu dịch với hạn ngạch lớn như những năm qua.
Trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế cao vừa qua, đại đa số các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc sử dụng đồng USD để thanh toán và ký kết các đơn hàng, hợp đồng sản xuất, nên đồng NDT tăng giá đồng nghĩa với sức cạnh trạnh thị trường quốc tế của các sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ giảm.
Chính sách kinh tế của Mỹ và Trung Quốc có khác nhau, Trong khi Trung Quốc coi trọng tích lũy trong quá trình phát triển kinh tế, thì Mỹ chỉ coi trọng tiêu dùng, không coi trọng tích lũy, điều đó khiến lỗ hổng kinh tế ngày càng trầm trọng và bong bóng kinh tế ngày càng nghiêm trọng. Do vậy đồng NDT tăng giá không thể mang lại ý nghĩa thực chất giúp cải thiện tình trạng mất cân bằng của nền kinh tế thế giới.
EU công bố chương trình kinh tế mới, Trong phiên họp thượng đỉnh tại Brussels (Bỉ), lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu đã nhất trí đưa ra chiến lược phát triển kinh tế chung cho giai đoạn 2011-2020. Đây là sự kiện lớn mà Châu Âu đã thống nhất được trong thời gian qua. Một Châu Âu "già cỗi" thường phản ứng chậm với các vấn đề kinh tế phát sinh.
Vì nền kinh tế của các nước thành viên rất khác nhau, tiềm lực kinh tế cũng khác nhau, do vậy trong nội bộ EU có rất nhiều quan điểm khác nhau trong việc giải quyết các vấn đề "bức xúc" của liên minh. Tuy nhiên, tại cuộc họp lần này, những người đứng đầu chính phủ các nước thành viên đã nhất trí giảm số lượng người nghèo khổ trong liên minh xuống còn 20 triệu.
Một trong những nội dung quan trọng khác cũng được thống nhất, đó là các nhà lãnh đạo đạt đến được một sự đồng thuận về hợp tác chặt chẽ phát triển kinh tế tiếp theo, thắt chặt kỉ luật tài chính.
Liên quan đến những vấn đề tồn tại của hệ thống ngân hàng sau khủng khoảng, các thành viên đều thống nhất với quan điểm, thuế nhà băng là điều cần phải tính đến và được hiểu như là sự chia sẻ của giới nhà băng trong giai đoạn hiện nay.
Trong khi đó, nhằm tăng cường quản lý các định chế tài chính, Quốc hội Mỹ nhất trí lập cơ quan giám sát FED, Cục Dự trữ Liên Bang (FED) sẽ phải chịu sự giám sát nghiêm ngặt hơn của Quốc hội Mỹ sau một loạt chỉ trích về việc cơ quan này đã không bảo vệ người tiêu dùng Mỹ trong cuộc khủng hoảng tín dụng.
Ngoài ra, nhằm ngăn chặn những nguy cơ tái diễn khủng khoảng, Quốc hội Mỹ sẽ có một cuộc kiểm tra kỹ lưỡng quy chế tài chính lớn nhất kể từ năm 1930. Việc ban hành luật sẽ mang lại cho Tổng thống Mỹ Barack Obama và đảng Dân chủ chiến thắng lớn về chính sách, bổ sung vào cải cách y tế - sẽ được đưa vào cuộc tổng tuyển cử tháng 11 tới.
Theo dự kiến, cơ quan giám sát tiêu dùng sẽ được thành lập, cơ quan này sẽ độc lập trên nhiều khía cạnh, với quyền hạn cả về mặt pháp lý và thực thi. Cơ quan giám sát này sẽ củng cố các nhiệm vụ liên quan tới người tiêu dùng Mỹ, giám sát thế chấp, thẻ tín dụng và các sản phẩm tiêu dùng khác mà các nhà phê bình cho rằng kém được giám sát trong những năm gần đây.
Về điều hành kinh tế vĩ mô, đúng như dự đoán, ngày 23/06 Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo giữ nguyên lãi suất ở mức 0.25% và cam kết duy trì mức lãi suất siêu thấp này trong một thời gian dài. FED nhận định đà phục hồi kinh tế đang tiếp diễn và thị trường lao động "đang dần cải thiện". Về mối quan hệ kinh tế quốc tế, FED còn cho rằng sự yếu kém của thị trường nhà ở là do “những khó khăn từ bên ngoài”, tức khủng hoảng nợ châu Âu.
"Chiến tranh" khí đốt một lần nữa lại xảy ra, khi Nga tuyên bố cắt giảm từ 30% đến 85% lượng khí trung chuyển qua Belarus nếu nước láng giềng không thanh toán tiện nợ mua khí đốt. Tranh chấp hoặc va chạm trong quan hệ kinh tế quốc tế là điều bình thuờng và không tránh khỏi, tuy nhiên thỉnh thoảng lại xảy ra "chiến tranh" liên quan đến đường ống dẫn khí ở khu vực Liên Xô cũ cho thấy các đối tác có thể chưa nhận thức hết "luật chơi" và trách nhiệm của mình đối với bên thứ ba (liên minh Châu Âu). Hy vọng cuộc "chiến tranh" khí đốt lần này không căng thẳng và quyết liệt như những lần trước kia, bởi vì giữa Nga và Belarus có mối quan hệ khăng khít hơn và không có mâu thuẫn đối kháng.
tamnhin