Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế thế giới trong mắt lãnh đạo toàn cầu

Trong tuần qua, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã đưa ra những bình luận về kinh tế toàn cầu. Mặc dù mỗi ý kiến đưa ra trong một bối cảnh khác nhau, nhưng đều tựu chung ở một điểm: Kinh tế toàn cầu thực sự rất đáng lo ngại.

Hầu hết các nhà lãnh đạo phát biểu đều tập trung vào nguy cơ bất ổn của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và cho rằng, những nguy cơ của kinh tế toàn cầu đều bắt nguồn từ vũng lầy này.

Xuất phát từ góc nhìn đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc triệt để giải quyết mối họa nợ công châu Âu sẽ làm tan bóng mây đen đe dọa kinh tế toàn cầu. Riêng Trung Quốc, trong nhận định bi quan nhất trước giờ, thì suy thoái chắc chắn sẽ xảy ra.

Trung Quốc: "Suy thoái toàn cầu lâu dài chắc chắn xảy ra"

Đó là cảnh báo của Phó thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn. Theo ông Sơn, một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ cuộc khủnhg hoảng tài chính thế giới chắc chắn sẽ xảy ra và diễn biến trong một thời gian dài.

 


"Trong số tất cả những điều bất ổn hiện nay, chúng ta có thể chắc chắn một điều rằng, một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ khủng hoảng tài chính thế giới sẽ diễn biến lâu dài", Tân Hoa xã dẫn lời ông Sơn cho biết.

Đây là dự đoán bi quan nhất về kinh tế toàn cầu được giới lãnh đạo Trung Quốc đưa ra từ trước tới nay. Giới phân tích cho rằng, việc Bắc Kinh lo ngại như vậy có thể đồng nghĩa với việc nước này sẽ tập trung thúc đẩy tăng trưởng nội địa.

Mỹ: "Thị trường châu Âu tiếp tục bất ổn"

Phát biểu tại Canberra (Australia) hôm 17/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, chừng nào "một kế hoạch và cấu trúc cụ thể cho thấy dấu hiệu rõ ràng rằng châu Âu đứng sau đồng Euro và sẽ làm việc cần làm" chưa được đưa ra thì thị trường sẽ tiếp tục biến động.

 


"Cuối cùng, những gì họ cần là một bức tường lửa bảo vệ mà gửi đi tín hiệu rõ ràng rằng -- chúng tôi đứng sau kế hoạch châu Âu, chúng tôi đứng sau đồng Euro", người đứng đầu Nhà Trắng cho biết.

Theo ông Obama, mặc dù đã có tiến triển trong việc thành lập chính phủ liên minh tại Italy và Hy Lạp, châu Âu vẫn phải đối mặt với vấn đề chính trị. Và như vậy, Mỹ sẽ tiếp tục tư vấn cho châu Âu các lựa chọn mà Mỹ cho rằng sẽ đạt được sự ổn định thị trường.

Đức: "Châu Âu khủng hoảng nhất từ sau thế chiến 2"

Hôm 14/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, những khó khăn tài chính trong Khu vực đồng Euro có thể là cuộc khủng hoảng lớn nhất của châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đồng thời kêu gọi châu lục này hội nhập nhiều hơn để đối phó với thách thức hiện nay.

 


"Châu Âu giờ đây có lẽ đang ở thời điểm khó khăn nhất kể từ cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai", bà Merkel nói. Theo nữ Thủ tướng Đức, đồng Euro là biểu tượng của một châu Âu thống nhất, hòa bình, tự do và thịnh vượng, song đã đến lúc cần một "bước đột phá" cho một châu Âu mới.

Phát biểu tại Leipzig, Thủ tướng Merkel nói rằng, một châu Âu thống nhất có thể không còn nếu khu vực sử dụng đồng Euro tan vỡ vì những vấn đề nợ nần ở Hy Lạp, Italy và các nền kinh tế yếu kém hơn.

Italy: "Châu Âu bị đẩy lùi về những năm 1950"

Hôm 17/11, tân Thủ tướng Italy cho hay, dự án một châu Âu thống nhất sẽ không thể tiếp tục tồn tại với việc Khu vực đồng tiền chung châu Âu đổ vỡ, tương lai của đồng euro phụ thuộc vào những việc mà Italy sẽ làm trong vài tuần tới.
 
 


Ông Monti nhấn mạnh, việc đồng Euro sụp đổ sẽ dẫn đến sự biến mất một thị trường chung, châu Âu sẽ bị đẩy lùi trở lại những năm 1950. Hiện châu Âu đang trải qua những năm tháng khó khăn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và đang đứng trước thử thách nghiêm trọng.
 
Theo tân Thủ tướng Italy, cuộc khủng hoảng ở châu Âu là hậu quả của những sai lầm trong việc điều hành. Ông nhấn mạnh: "Tôi kêu gọi không chia châu Âu thành "họ" và "chúng ta", tất cả chúng ta đều là châu Âu".

Tây Ban Nha: "Đừng mong có phép màu"

Hôm 20/11, Đảng Nhân dân (PP) đối lập theo đường lối trung hữu đã giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử Quốc hội Tây Ban Nha. Đảng Xã hội thất bại nặng nề, chấm dứt bảy năm cầm quyền với một nền kinh phá sản và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 21,5%.

 


Với gần 98% số phiếu đã kiểm, Đảng Nhân dân của nhà lãnh đạo đối lập Mariano Rajoy đã giành được 44,57% phiếu ủng hộ và đảm bảo nắm đa số áp đảo 186 ghế trong quốc hội gồm 350 ghế của nước này, trong khi Đảng Xã hội chỉ giành được 28,67% số phiếu bầu (tương đương 110 ghế).

Ngay sau thắng lợi vang dội trước đảng Xã hội, nhà lãnh đạo đối lập Mariano Rajoy cam kết sẽ làm việc "vì tất cả" người dân Tây Ban Nha, song cảnh báo sẽ "không có phép màu" trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

EC: "Hội nhập để vượt khủng hoảng"

Hôm 16/11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso nhận định, Khu vực đồng Euro đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng có hệ thống và không thể vượt qua được cuộc khủng hoảng này nếu không hội nhập nhiều hơn, siết chặt kỷ luật hơn.

 


Theo ông Barroso, vấn đề nợ công trong Khu vực đồng Euro thực sự là một cuộc khủng hoảng có hệ thống, đòi hỏi các nước thành viên phải đưa ra cam kết mạnh mẽ hơn và phải áp dụng thêm những biện pháp rất thực chất.

Ông nhấn mạnh các nước thành viên Khu vực đồng euro phải đảm bảo liên minh tiền tệ này đồng thời là liên minh kinh tế, bằng không sẽ không thực hiện được mục tiêu duy trì sự tồn tại của đồng tiền chung châu Âu.

WB: "Nguy cơ rối loạn kinh tế các nước đang phát triển"

Hôm 18/11, Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) Robert Zoellick cảnh báo nguy cơ Khu vực đồng Euro sụp đổ có thể tạo ra những biến động gây rối loạn nền kinh tế Mỹ và các nền kinh tế đang phát triển. Mỹ và các nước đang phát triển cần hành động để cứu khu vực kinh tế này của châu Âu.

 


Phát biểu trên kênh Bloomberg, ông Zoellick nhấn mạnh, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có thể cung cấp giải pháp cuối cùng để hỗ trợ khu vực kinh tế này, nếu các nước châu Âu thỏa thuận được giải pháp chung giải quyết cuộc khủng hoảng nợ, đảm bảo lòng tin của các nhà đầu tư quốc tế.

Mỹ, Canada, Australia và các nước đang phát triển sẵn sàng hỗ trợ khu vực kinh tế châu Âu này vượt qua thời kỳ khủng hoảng nhưng chỉ thông qua IMF.

Trong khi WB đánh giá tác động của những rối loạn do khủng hoảng nợ của châu Âu gây ra cho các khu vực, IMF có thể tư vấn để định hình các chương trình cải tổ, đánh giá tiến triển và cung cấp trợ giúp tài chính trong bối cảnh vai trò tài chính của IMF ở châu Âu được tăng cường.

Nguồn tin: VnEconomy

ĐỌC THÊM