Kinh tế thế giới trong tuần một lần nữa bị bao phủ những tin tức màu "xám". Châu Âu, Eurozone và Ireland đang loay hoay ứng phó với khủng khoảng nợ công.
Lạm phát gia tăng ở khắp các châu lục. Nợ công toàn thế giới đã vượt quá con số 40.660 tỷ USD với tốp dẫn đầu là Nhật (10.710 tỷ USD) và Mỹ (9.190 tỷ USD).
Tất cả tạo nên bức tranh kinh tế thế giới trong tuần không có điểm sáng, lo âu và thận trọng.
Mỹ: Sau hơn 2 tuần kể từ ngày FED tung gói kích thích trị giá 600 tỷ USD và dư luận trong và ngoài nước có những quan điểm đánh giá hết sức khác nhau, ngày 19/11 lần đầu tiên ông Ben S. Bernanke - "kiến trúc sư" kinh tế Mỹ, Chủ tịch FED lên tiếng bảo vệ quan điểm mua trái phiếu của FED.
Ông Ben S. Bernanke cho rằng, chính những khó khăn nội tại của kinh tế Mỹ về tăng trưởng, về lạm phát về thất nghiệp... đã thôi thúc FED đưa ra chính sách kinh tế mới.
Trong bài phát biểu của mình, ngoài những khó khăn đã nêu, tỷ giá vẫn là nội dung quan trọng mà ông Ben S. Bernanke không thể bỏ qua.
Ông chủ FED cho rằng trong quan hệ kinh tế quốc tế, tiền tệ được định giá thấp là nguyên nhân gây bất ổn hệ thống tài chính và cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Về tổng quan kinh tế thế giới, Ông Bernanke nhận xét "cả tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu đều mất cân bằng".
Trong khi đó, theo số liệu công bố mới nhất ngày 23/11, GDP của Mỹ quý 3 đã tăng 2.5% (cao hơn mức 1.7% trong quý 2, nhưng thấp hơn mức 3.7% trong 3 tháng đầu năm).
Điều này phản ánh sự "thất thường", không "chắc chắn" của kinh tế Mỹ. Tăng trưởng khá vào đầu năm, suy giảm vào giữa năm và có dấu hiệu phục hồi vào cuối năm.
Có thể nói, năm 2010 ghi nhận kinh tế Mỹ phụ thuộc rất lớn vào các gói kích thích do FED ban hành, điều này cũng phản ánh sức mạnh kinh tế Mỹ đã suy giảm, không có đầu tàu và chưa có dấu hiệu tăng trưởng mạnh trong tương lai gần.
Phù hợp với nhận định như vậy, FED hạ dự báo tăng trưởng năm 2011 xuống 3 - 3,6%, từ mức 3,5 - 4,2% trong lần dự báo trước.
Trung Quốc: Tăng trưởng kinh tế và ngăn chặn lạm phát leo thang là những công việc trọng tâm của kinh tế Trung Quốc trong thời điểm hiện nay.
Theo những dự báo mới nhất, trên cơ sở cắt giảm tăng trưởng tín dụng và tăng dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại, GDP của Trung Quốc trong quí 4 sẽ giảm còn 8,7 (quí 3 đạt 9,6%).
Tuy nhiên về tổng thể kinh tế Trung Quốc vẫn có mức tăng trưởng cao nhất và đứng thứ hai trong các nền kinh tế lớn trong năm 2010. Cũng như mọi nền kinh tế khác, kinh tế Trung Quốc cũng có nhiều khó khăn và lạm phát là vấn đề lớn nhất hiện nay.
Theo các nhà phân tích, trong quá trình thực hiện kích thích kinh tế, một lượng tiền lớn được đổ vào nền kinh tế dẫn đến lượng cung tiền đã tăng 54% so với 2 năm trước đây.
Tăng trưởng tín dụng đã dẫn đến tình trạng "bong bóng" trong lĩnh vực bất động sản, dẫn đến tình trạng gia tăng nợ xấu và gây tác động tiêu cực cho kinh tế Trung Quốc mà lạm phát là điều dễ nhận thấy nhất.
So sánh với các nền kinh tế lớn khác trong thời điểm hiện nay, không có nước nào có mức lạm phát cao như Trung Quốc, thậm chí có nước còn giảm phát (Nhật Bản).
Như vậy chỉ số lạm phát cũng là yếu tố xác định sức mạnh thực sự của kinh tế từng quốc gia. Một nền kinh tế mạnh, lạm phát không thể cao và ngược lại.
Châu Âu: Cuối cùng, Ireland đã xác nhận việc kêu gọi IMF, EU trợ giúp để khắc phục khủng khoảng. Trong tuyên bố ngày 21/1, Bộ trưởng Tài chính Ireland Brian Lenihan thông báo về việc IMF, EU giúp Ireland khoản tín dụng trị giá khoảng 100 tỷ Euro (136,7 tỷ USD) để xử lý các khoản nợ mà Ireland không thể giải quyết được.
Cũng như các nước bị khủng khoảng khác, Ireland phải thực hiện nhiều điều kiện khi nhận gói cứu trợ. Theo yêu cầu của IMF, EU và ECB sau khi nhận được gói giải cứu, Ireland phải tăng thuế và quốc hữu hóa thêm một số ngân hàng trong nước.
Đây là những điều kiện không dễ dàng và tác động tiêu cực lên đời sống người dân. Được biết, thâm hụt ngân sách hiên nay của Ireland đã lên tới 26 tỷ USD.
Trong khi tích cực giải cứu Ireland khỏi khủng khoảng, EU và Eurozone vẫn lo "ngay ngáy" nếu tại Châu Âu lại có thêm "đốm lửa" khủng khoảng mới. Trong danh sách mà khủng khoảng có thể bùng phát có tên Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha thậm chí cả Italia, những đất nước thuộc dải Tây - Nam khó khăn của Châu Âu.
Một vấn đề riêng có của Châu Âu, đó là các nước khu vực Eurozone bị khủng khoảng không thể tự mình đưa ra các giải pháp về tín dụng, về thâm hụt ngân sách, về tiền tệ, về nợ công... Mọi giải pháp phải được thống nhất trong khuôn khổ Eurozone.
Đây là ưu thế đồng thời cũng là hạn chế của Eurozone, của EU trong giải quyết khủng khoảng.
Nhật Bản: Kinh tế Nhật luôn mang đến những điều khác biệt, trong khi các nước Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu... đang lo "bóng ma" lạm phát thì Nhật Bản có sự chuyển động trái chiều.
Chỉ số thống kê CPI xác nhận, tháng 10 tăng 0.4% so với tháng trước và 0.2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu nói về CPI cơ bản, tốc độ suy giảm ghi nhận ở mức 0,6%. Điều đặc biệt mang tên Nhật Bản thể hiện ở chỗ lạm phát giảm trong khi Nhật vẫn thực hiện chương trình kích thích kinh tế trị giá 5.000 tỷ Yên hay gói kích thích này chưa đủ kích cầu tiêu thụ?
Với các diễn biến trái chiều nêu trên, kinh tế Nhật vẫn "đứng yên" trong những tháng cuối năm 2010 là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu như vậy kinh tế thế giới, ngoại trừ Trung Quốc, vẫn "ì ạch" trong những tháng cuối năm này.
Câu chuyện tăng trưởng, khủng khoảng, lạm phát và tỷ giá luôn là nỗi lo không của riêng ai, điều này càng đúng khi là chính trị gia của năm 2010.
Nguồn: Tamnhin