Tuy tăng trưởng vẫn là mục đích không thay đổi của các quốc gia, các nền kinh tế nhưng kinh tế thế giới cũng đang có chuyển biến khá thú vị về những vấn đề và ưu tiên trước mắt, về những giải pháp thực thi.
Nguyên nhân của những thay đổi đó ai cũng hiểu và đó là lạm phát. Không còn ghi ngờ gì nữa toàn thế giới đang chứng kiến lạm phát đang "tấn công" các nền kinh tế từ nhiều phía, nhiều hướng và chưa xác định được "tâm" và "đỉnh" lạm phát sẽ rơi vào quốc gia nào, vào thời điểm nào.
Dư luận hẳn chưa quên vào cuối năm 2010 khi căng thẳng về tỉ giá giữa các cường quốc kinh tế lớn đã đưa kinh tế thế giới đến "ngưỡng" của chiến tranh tiền tệ.
Trên khắp các diễn đàn quốc tế, tiền tệ và tỉ giá luôn là chủ đề "nóng" nhất. Tuyên bố nổi tiếng của Bộ trưởng Bộ Tài chính Brazil, ông Guido Mantega, vào tháng 10/2010 "chúng ta đang ở giữa một cuộc chiến tranh tiền tệ, một cuộc giảm giá đồng tiền rộng khắp" đã chứng minh cho tính chất khốc liệt của cuộc chiến tỉ giá trên phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên bước sang năm 2011, sau những tín hiệu khởi sắc ban đầu, tin tức về lạm phát tại các nền kinh tế mới nổi (Trung Quốc, Ấn Độ...), từ Châu Âu và các nước đang phát triển... đã trở thành vấn đề kinh tế nghiêm trọng nhất mà thế giới cần chung tay giải quyết tại thời điểm này.
Tại các trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới, lạm phát được đánh giá là mối nguy hiểm trực tiếp đối với nền kinh tế, thậm chí có nơi chấp nhận giảm tăng trưởng để ngăn chặn lạm phát.
Cụ thể: Châu Âu lạm phát cứ "thẳng tiến" từ 2,4% vào tháng 1 lên 2,6% vào tháng 3 và chưa có điểm dừng.
Trong khi đó Trung Quốc là quốc gia "xuất quân" sớm nhất ngăn lạm phát nhưng chỉ số lạm phát tháng 4 vẫn lên "đỉnh" 5,4% bất chấp dự trữ bắt buộc đã tăng lên 20,5%. Đối với nước Mỹ, Chủ tịch FED Ben Bernanke đã mạnh tay nâng dự báo lạm phát 2011 từ 1,3-1,7% lên 2,1-2,8%.
Nguyên nhân bùng phát lạm phát trên phạm vi rộng lớn cũng dễ hiểu, đó là lãi suất thấp, đó là nới lỏng tiền tệ, đó là chi phí vật tư nguyên liệu tăng cao...
Tất cả đã tạo ra một "cơ bão" mới mang tên lạm phát và đe doạ không chỉ kinh tế từng quốc gia mà cả kinh tế toàn cầu.
Mỹ: Kinh tế Mỹ lại đón nhận thông tin mới nhất từ Bộ Thương mại và Cục dự trữ Liên bang (FED) nhưng không phải là những tin tốt cho nước Mỹ.
Theo thông báo mới nhất của Bộ Thương mại, tăng trưởng đã có bước thụt lùi đáng kể nếu so với quí 4/2010 với tỉ lệ 1,8%/3,1%.
Đây có thể cho là thất bại của kinh tế Mỹ khi vẫn được "lực đẩy" của lãi suất thấp (0,25%) và 600 tỉ USD của chương trình QE2 hỗ trợ.
Mức tăng 1,8% có thể nói kinh tế Mỹ một lần nữa có xu hướng quay trở lại giai đoạn "u ám" như đã từng diễn ra vào giữa năm 2010.
Với tình trạng như hiện nay, FED "không còn cách nào khác" phải hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2011 từ 3,4-3,9% xuống 3,1-3,3%.
Cũng theo thông báo mới nhất của Chủ tịch FED, lãi suất "siêu thấp" 0,25% vẫn được duy trì nhưng QE2 sẽ kết thúc "đúng hẹn" vào 30/6/2011.
Với định hướng nêu trên, đồng USD sẽ tiếp tục giảm giá, tiếp tục lập "đáy" mới nếu so với các ngoại tệ chủ chốt khác.
Kinh tế Mỹ tăng trưởng không được như ý muốn cũng được phản ánh qua dư luận Mỹ với tâm trạng không tin tưởng bao trùm.
Theo tờ New York Times có 39% số người Mỹ cho rằng nền kinh tế số 1 thế giới tồi tệ hơn hai năm trước, tăng 13% so với cuộc khảo sát hồi tháng trước.
Ngoài ra hơn một nửa (57%) người dân không nhất trí với đường lối kinh tế hiện nay, nhiều hơn một chút (59%) cũng không đồng tình với cách xử lý thâm hụt ngân sách của Tổng thống B. Obama.
Trái với tâm lý bi quan nêu trên, vẫn có số người Mỹ tỏ ý tin tưởng vào kinh tế Mỹ hiện nay và một người trong số đó là Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy F. Geithner. Ông này bày tỏ: "Thâm hụt ngân sách là vấn đề lớn nhất trong vài thập kỷ qua mà Mỹ phải đối mặt nhưng vẫn đang trong tầm kiểm soát".
Ông Timothy F. Geithner cũng mong muốn hai đảng Cộng hòa và Dân chủ phải có trách nhiệm cao để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách hiện nay
.
Trung Quốc: Bất chấp lạm phát ở mức cao 5,4%, cả Ngân hàng Thế giới (WB) và Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốcc năm 2011 đều ở mức cao nếu so với các cường quốc kinh tế khác.
WB đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2011 của Trung Quốc từ 8,7% lên 9,3%. Đối với lạm phát, mức 5% là dự báo mà WB đưa ra bất chấp nỗ lực to lớn của Trung Quốc trong thời gian qua.
Về nguy cơ đối với kinh tế Trung Quốc, WB cho rằng nguyên liệu, vật tư tăng cao là yếu tố tác động trực tiếp, không thể xem thường và khuyến cáo “Trung Quốc vẫn cần phải thận trọng trước các rủi ro từ cú sốc giá hàng hóa toàn cầu".
Cũng liên quan đến kinh tế Trung Quốc, IMF dự báo GDP năm 2011 của Trung Quốc tuy không bằng năm 2010 (10,3%) nhưng vẫn đạt ở mức cao 9,6%.
Tuy nhiên, IMF lại có cách nhìn khác đối với các yếu tố có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. IMF cho rằng chính sách thắt chặt tiền tệ mới là nguyên nhân làm GDP của Trung Quốc có sự sụt giảm so với năm 2010.
Thực ra lạm phát cao dẫn đến thắt chặt tiền tệ và giảm tốc độ tăng trưởng vẫn là giải pháp "kinh điển", là sự lựa chọn "tối ưu" mà các quốc gia đều áp dụng, điều cần chú ý là cấu trúc kinh tế của mỗi quốc gia có khác nhau, do vậy kết quả mang lại có thể khác nhau mà thôi.
Vấn đề của kinh tế Trung Quốc hiện nay toàn là những con số “cao” ấn tượng nhưng có thể "mâu thuẫn" với nhau: tăng trưởng GDP cao (9,7%), dự trữ bắt buộc cao (20,5%), dự trữ ngoại tệ cao (3.040 tỷ USD) và lạm phát cao (5,4%).
Châu Âu: Kinh tế Châu Âu kỷ niệm một năm bùng phát "bão" nợ công (23/4/2010-23/4/2011) trong bối cảnh không được "vui vẻ" khi lạm phát bắt đầu "tràn" tới.
Khởi đầu từ Hy Lạp, sau đó "bay" sang Ireland và hiện nay "hạ cánh" tại Bồ Đào Nha. Chi phí tại nơi "bão" nợ công đi qua đều là con số không hề nhỏ, 110 tỷ Euro dành cho Hy Lạp, 85 tỷ Euro chuyển gấp cho Ireland và 80 tỷ Euro sẽ dành cho Bồ Đào Nha.
Sau một năm kinh tế Châu Âu và Eurozone đã có nhiều thay đổi, Estonia đã trở thành viên thứ 17 của Eurozone và giảm thâm hụt ngân sách những là điểm sáng duy nhất.
Các vấn đề khác như thâm hụt ngân sách, nợ công, tăng trưởng thấp và lạm phát...luôn làm Châu Âu "đau đầu" và là mối quan ngại của toàn Châu Âu.
Với bài học của chính mình, từ năm 2010 đến nay Châu Âu luôn đi đầu trong việc cắt giảm thâm hụt ngân sách, thâm chí đã không ít lần "căng thẳng" với Mỹ trong vấn đề này tại các Hội nghị G20 vừa qua.
Theo thông báo của Cơ quan Thống kê Châu Âu (Eurostat), thâm hụt ngân sách của Eurozone trong năm 2010 đã giảm từ 6,3% xuống còn 6%.
Nếu tính trong tốp "đèn đỏ", tình hình không được khả quan như vậy, tuy đã cắt giảm được nhiều nhưng năm 2010 Hy Lạp vẫn còn tỷ lệ thâm hụt cao là 10,5% (năm 2009 thâm hụt 15,4%).
Trong khi đó Ireland lại có sự "đảo chiều" không mong muốn, từ mức thâm hụt 14,3% của năm 2009 đã "nhảy" lên 32,4% trong năm 2010.
Khi cắt giảm thâm hụt ngân sách có tiến bộ thì nợ công của Châu Âu vẫn còn "vô cùng nan giải". Trong khu vực Eurozone nợ công tại tăng từ mức 79,3% lên 85,1% GDP. Nếu "soi" nợ công vào Hy Lạp và Ireland, tỷ lệ còn "khủng" hơn nhiều.
Theo EU và IMF, nợ công của Hy Lạp đã tăng từ 127,1% GDP vào năm 2009 lên 142,% GDP vào năm 2010.
Trong khi đó nợ công của Ireland không kém khi tăng từ 65,6% GDP của năm 2009 lên 96,2% GDP vào năm 2010.
Do vậy hai quốc gia này "dính bão" nợ công cũng không phải là quá bất ngờ và không thể khác được.
Nhật Bản: Với những khó khăn do thảm họa động đất và sóng thần gây ra, kinh tế Nhật Bản bước vào giai đoạn tăng trưởng kém hay trì trệ cũng là điều không bất ngờ.
IMF dự báo tăng trưởng GDP năm 2011 của Nhật Bản sẽ giảm từ 1,6% xuống còn 1,4% do hậu quả của thảm họa lớn hơn trận động đất ở Kobe năm 1995.
Trong khi đó, BOJ đưa ra dự báo còn "xấu" hơn nhiều khi cho rằng GDP sẽ giảm mạnh từ 1,6% xuống còn 0,6%.
Nếu kinh tế Nhật Bản vận động như dự báo nêu trên, khả năng giảm phát hoàn toàn có thể xảy ra, điều không có lợi cho kinh tế Nhật Bản thời điểm hiện nay.
Điểm khác biệt duy nhất, không thay đổi là BOJ vẫn giữ lãi suất không thể thấp hơn 0,01%.
Muốn kinh tế Nhật Bản thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, câu chuyện sẽ ở thời tương lai, không phải thời điểm hiện nay.
Nguồn: Tamnhin.net