Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế thế giới trong tuần: Lo âu và hy vọng

Thế giới đã bước sang năm mới 2012, kinh tế thế giới cũng tạm biệt năm cũ 2011 và mang sang năm mới rất nhiều “hành trang” không mong muốn.

 

 

GDP toàn cầu đang “tưng bừng” ở mức 5% của năm 2010 đã gảm mạnh xuống còn 3% vào năm 2011 cùng với bao nhiêu hệ lụy do nợ công, do lạm phát và sự “ì ạch” chưa có đường ra của nhiều nền kinh tế lớn.

Những vấn đề đặt ra cho kinh tế thế giới năm 2012 vẫn không mới, đâu là động lực, đâu là lực đẩy kinh tế thế giới vẫn là câu hỏi khó và chưa dễ trả lời.

Không những vậy, 7.600 tỷ USD là số tiền nợ phải thanh toán trong năm 2012 của 11 nền kinh tế lớn cũng là vấn đề thực sự “đau đầu”.

Năm mới 2012 cơ hội và thách thức mà các nền kinh tế lớn gặp phải cũng không giống nhau.

Đối với kinh tế Mỹ, nhiều nhận định cho rằng tăng trưởng GDP có thể đạt ở mức từ 2-3% và khả năng suy thoái là không cao. Trong khi đó kinh tế Trung Quốc sẽ có sự điều chỉnh tốc độ tăng trưởng và mức 8% có lẽ là phù hợp.

Năm 2012 đối với Châu Âu sẽ là năm quyết định với vận mệnh của đồng euro. Tan ra hay không tan rã, thu hẹp hay không thu hẹp Eurozone sẽ được trả lời rõ nhất vào cuối năm 2012 sau khi các giải pháp “cứu chữa” đã được thực thi.

Kinh tế Nhật Bản cũng có hy vọng thay đổi sau khi tiến hành bổ sung ngân sách rầm rộ vào cuối năm 2011 vừa qua.

Có thể nói kinh tế thế giới năm 2012 là lo âu xen lẫn hy vọng, có thể tăng trưởng và có thể trì trệ nhưng sẽ là năm đáng nhớ, năm khó quên…

Kinh tế Mỹ


Những ngày đầu năm 2012 kinh tế Mỹ đã đón nhận tin vui từ FED khi cho rằng đà tăng trưởng mới sẽ xuất hiện bắt đầu từ năm 2012 trên cơ sở điều chỉnh chính sách tiền tệ và niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp đã được cải thiện.

Đây là thông điệp đầu tiên của FED nhân dịp năm mới và cũng phù hợp với nhận định của nhiều nhà phân tích khi cho rằng kinh tế Mỹ sẽ có nhiều chuyển biến tích cực so với năm 2011 vừa qua.

Bên cạnh đó FED cũng cho rằng thất nghiệp và bất động sản vẫn là 2 vấn đề lớn của kinh tế Mỹ. Theo FED thất nghiệp vẫn ở mức cao (hiện nay là 8,4%) do cơ hội tuyển thêm việc làm không được mở rộng cũng như nhu cầu trong lĩnh vực bất động sản chưa được cao do tồn đọng nhà thế chấp chưa được xử lý.
 
Với những tín hiệu khá hơn trong quí 4 vừa qua, kinh tế Mỹ bớt “u ám” là điều hoàn toàn có thể.

Cũng liên quan đến kinh tế Mỹ, liên quan đến đồng USD. Một lần nữa đồng USD làm cho những người phê phán phải xem xét lại khi nhiều nhà kinh tế vẫn xác định đây là đồng tiền ổn định nhất hiện nay.

IMF cho rằng đồng USD vẫn chiếm 61,7% tổng dự trữ ngoại tệ toàn cầu vào quí 3/2011 và càng được Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS, Thuỵ Sĩ) ghi nhận có tới 85% tổng giao dịch tiền tệ hàng ngày (qui đổi khoảng 4.000 tỷ USD) là đồng USD.

Tuy không đạt mức cao như năm 2001 (chiếm 72,7%) nhưng mức 61,7% trong tổng số 10.000 tỷ USD dự trữ trên toàn cầu cũng là con số tuyệt đối nếu so với các ngoại tệ khác hiện nay.

Cần biết rằng nước Mỹ vẫn tiếp tục in tiền và đồng USD đã mất giá đến 34% nếu so với thời điểm năm 1985.

Và như vậy đồng USD vẫn là đồng tiền chủ chốt của kinh tế thế giới và chưa thể có đồng tiền nào khác có thể thay thế ít nhất trong trung hạn.

Trung Quốc

Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc trong thời gian qua cũng không “che” hết được những vấn đề của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.

Vấn đề được các nhà phân tích, các nhà nghiên cứu đưa ra đều tập trung vào tín dụng và bất động sản. Tín dụng chúng ta đã nêu ra con số nợ xấu cỡ nghìn tỷ USD của các chính quyền địa phương trong thời gian qua.

Bất động sản chiếm khoảng 15% vào mức tăng trưởng GDP cũng có nguyên nhân do mức đầu tư được tăng gấp đôi và thường kéo theo cơn sốt “nóng lạnh” khó lường.

Xử lý 2 vấn đề nan giải này là điều không hề dễ dàng mà Trung Quốc cũng chưa đưa ra giải pháp khả thi nào. Do vậy 2 vấn đề trên vẫn thực sự nguy hiểm đối với kinh tế Trung Quốc và từ “đổ vỡ” ám chỉ kinh tế Trung Quốc có những trở ngại không thể xem thường.

Trong một diễn biến khác, Bộ Thương mại Trung Quốc ước tính kim ngạch XNK có tốc độ tăng trưởng 10%/năm và sẽ đạt 4.800 tỷ USD vào năm 2015. Kim ngạch XNK tăng và tăng mạnh là điều đáng mừng nhưng cũng là “đáng lo” của kinh tế Trung Quốc.
 
Mừng là Trung Quốc trở thành cường quốc thương mại hàng đầu thế giới, tuy nhiên sự lo lắng cũng là cần thiết và có cơ sở bởi vì kinh tế thế giới bất ổn sẽ tác động mạnh đến hoạt động XNK  cũng như kinh tế trong nước.

Cần biết rằng kim ngạch XNK của Trung Quốc thường chiếm tới 50%GDP (2.970 tỷ USD là kim ngạch XNK năm 2010 của Trung Quốc trong khi GDP đạt gần 6.000 tỷ USD).

Châu Âu

Năm 2012 đối với Châu Âu vẫn là năm đặc biệt khó khăn có lẽ là điều không phải tranh luận nhiều. Những tồn tại được chuyển từ năm 2011 sang không hề ít và toàn là “khủng”.

Từ nợ công đến lạm phát hay cắt giảm thâm hụt ngân sách…đều không có câu trả lời dễ dàng và đề trở thanh nguy cơ lớn đối với không chỉ Eurozone và toàn Châu Âu.

Nói về khủng khoảng, năm 2011 đã chứng kiến một Hy Lạp “vô phương cứu chữa” nếu bị EU và Eurozone bỏ rơi.

Bước sang năm 2012 không chỉ Hy Lạp mà cả Italia đang trong “vòng ngắm” khi nợ công đạt 1.900 tỷ Euro hay 2.500 tỷ USD và chiếm 120% GDP.

Eurozone “còn hay mất” sẽ phụ thuộc vào thành viên G7 này. Nếu Italy quyết tâm thi hành các biện pháp “khắc khổ” và có sự trợ giúp mạnh mẽ của EU và IMF thì khủng hoảng có thể vượt qua, nếu khác đi có thể sẽ  có Eurozone “nhỏ” khác trong tương lai với kỷ luật tài chính chặt chẽ hơn Eurozone “lớn” như 12 năm qua.

Một lần nữa số phận của Italy hay Eurozone vẫn phải do Italy và Eurozone định đoạt, đây là điều chắc chắn và không thể khác

Nhật Bản

Năm 2012 đến với kinh tế Nhật Bản  với nhiều vấn đề “nặng ký” không dễ giải quyết. Sự “giậm chân tại chỗ” của kinh tế Nhật Bản không phải là mới phát sinh mà đã có thời gian khá dài nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu.

 Tăng trưởng thấp, lãi suất thấp và đồng Yên cao, nợ công cao…là những đặc điểm nổi bật nhất của kinh tế Nhật Bản hiện nay.
 
Đã có thời điểm Nhật Bản đơn phương “giải cứu” đồng Yên nhưng kết quả không được như mong muốn, tỷ giá vẫn ở mức cao 75-76 Yên/USD. Đối với nền kinh tế hướng về xuất khẩu thì mức tỷ giá cao như hiện nay là một trở ngại cực lớn và thực sự khó vượt qua.

Nếu kinh tế thế giới năm 2012 vận động theo hướng tích  cực thì nển kinh tế lớn thứ 3 thế giới này được hưởng lợi, nếu khác đi thì kinh tế Nhật Bản khó tránh khỏi nguy cơ trì trệ.

Trong bối cảnh không thuận như hiện nay, IMF thông báo sẽ kiểm tra (stress test) sức chịu đựng các ngân hàng Nhật Bản. Đây có thể là biện pháp “phòng ngừa” của IMF sau khi có những bài học đắt giá ở Châu Âu.

Mặc dù có những khác biệt trong vấn đề nợ công nhưng số nợ gấp 200% GDP cũng không thể làm cho các nhà quản lý yên tâm.
 
Được biết hiện nay các ngân hàng Nhật Bản sở hữu 5.000 tỷ USD trái phiếu Chính Phủ và tương đương 25% tổng tài sản của các ngân hàng.

Thế giới bước sang năm mới, kinh tế thế giới chuyển sang một vòng quay mới với nhiều hy vọng mới.

Nguồn tin: Tamnhin

ĐỌC THÊM