Kinh tế thế giới đang ở thời điểm khá đặc biệt. Những tin tức tốt, xấu được giới truyền thông đăng tải liên tục, tạo cho người đọc đôi khi có những cảm giác đan xen, trái ngược và khó xác định đâu là xu hướng chủ đạo mà kinh tế thế giới có thể hướng tới.
Trong khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi bền vững và 4,4% là mức tăng trưởng cho kinh tế thế giới trong năm 2010, thì Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick lại có nhận định khác khi cho rằng những khó khăn phát sinh tại Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản... có thể đưa kinh tế thế giới tiến gần đến khủng khoảng.
Trong bối cảnh đó, tăng trưởng thấp làm cho nhiều quốc gia "đứng, ngồi không yên", thì tăng trưởng nóng ở các nền kinh tế mới nổi cũng mang lại "nhiều nguy cơ", như nhận xét của ông Dominique Strauss-Kahn - Giám đốc điều hành IMF.
Kinh tế thế giới đang phản ánh đúng những đặc điểm vốn có: cơ hội hay thách thức, tăng trưởng hay trì trệ... luôn song hành, luôn hiện hữu.
Mỹ: Kinh tế Mỹ hiện nay có một điểm sáng duy nhất, đó là tỷ lệ thất nghiệp đã giảm và giảm đều trong những tháng vừa qua.
Theo thông tin của Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm và trong tháng 3 xuống còn 8,8%, đây là con số "đẹp" nếu nói về thất nghiệp trong vòng 2 năm qua. Với diễn biến khả quan nêu trên, hiện tại nước Mỹ chỉ còn 13,5 triệu người thất nghiệp.
Trong khi đó, việc cắt giảm 38 tỷ USD của ngân sách năm 2011 vẫn mang lại "dư âm" không mấy vui vẻ cho người đứng đầu Nhà Trắng.
Tổng thống B.Obama đã phân tích những tình huống có thể phát sinh khi ngân sách phải gánh chịu đợt cắt giảm qui mô lớn vừa qua.
"Mục đích của chúng ta là cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, nếu chúng ta không cẩn trọng thì sẽ cắt mất những quỹ tạo ra việc làm, do vậy thâm hụt trên thực tế có thể trở nên tồi tệ hơn vì chúng ta có thể bị rơi vào một cuộc suy thoái khác", cảnh báo của Tổng thống B.Obama.
Trong khi đó, đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất 1,46 USD/Euro trong vòng 15 tháng khi so sánh với đồng Euro.
Điều này làm cho các nhà phân tích "ngờ ngợ" về "chủ trương" đưa đồng USD giảm giá từ từ so với các ngoại tệ chủ chốt khác với mục đích hỗ trợ kinh tế Mỹ.
Cần biết rằng, từ đầu năm đến nay đồng USD đã giảm 6,2% giá trị. Nguyên nhân đồng USD giảm giá đã rõ, đó là lãi suất thấp (0,25%), đó là QE2, đó là thâm hụt ngân sách và chiến lược tăng gấp 2 lần kim ngạch xuất khẩu...
Ở góc độ quốc gia, không ai khẳng định việc đồng USD giảm giá là do Chính Phủ Mỹ "bật đèn xanh", thậm chí Bộ trưởng Tài chính, ông Geithner còn quả quyết: "Chúng tôi sẽ không bao giờ sử dụng đồng USD như một công cụ nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh. Tôi rất vui mừng khẳng định đồng USD mạnh là mối quan tâm của Mỹ".
Quan điểm này cũng được ông Allen Sinai - Kinh tế Trưởng của Decision Economics tại Boston, ủng hộ khi cho rằng "không có chứng cứ rõ ràng nào về vấn đề này trong bất kỳ nhận định hay phát biểu chính thức nào từ các quan chức hàng đầu, nhưng thực tế là Mỹ đang cho phép hoặc cố ý cho phép đồng USD mất giá".
Cần biết rằng, tại thời điểm hiện nay, đồng USD giảm giá chỉ nước Mỹ có lợi nhưng lại là bài toán khó đối với những quốc gia đang sở hữu nhiều đồng USD.
Là quốc gia có tiềm lực kinh tế lớn nhất thế giới nhưng với những khó khăn do nợ công và thâm hụt ngân sách mang lại, nước Mỹ cũng trở thành "tâm điểm" cho các hãng xếp hạng tín nhiệm và điều thú vị là các hãng cũng có những đánh giá hết sức khác nhau.
Standard & Poor's có cách nhìn "không thiện cảm" cho lắm khi đưa triển vọng tín nhiệm của Mỹ từ ổn định xuống tiêu cực với lý do thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao.
Trong khi đó Moody’s có quan điểm ngược lại khi vẫn xếp hạng tín nhiệm Aaa cho Mỹ với quan điểm có chuyển biến tích cực từ tổng thống và quốc hội trong việc xử lý nợ công và thâm hụt ngân sách.
"Cả đề xuất của Tổng thống Barack Obama và Đảng Cộng hòa sẽ giúp cải thiện mức độ tín nhiệm của Chính phủ Mỹ", đánh giá của chuyên gia tín dụng Steven Hess thuộc Moody’s.
Trung Quốc: Trung Quốc lại tăng dự trữ bắt buộc, đó là thông tin mới nhất được phát ra từ ngân hàng Nhân dân Trung ương Trung Quốc (PBOC).
Theo đó, từ ngày 21/4/2011 tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng lớn phải đạt 20,5% nhằm giảm nguồn cung tiền cũng như chống lạm phát.
Theo dõi quá trình tăng dự trữ bắt buộc của các ngân hàng Trung Quốc, nhận thấy đây là quá trình tăng liên tục (10 lần) và chưa có điểm dừng.
Tăng liên tục như vậy nhưng tác dụng chống lạm phát "hình như" chưa được rõ ràng khi lạm phát vẫn đạt "đỉnh" 5,4%.
Có lẽ cấu trúc kinh tế Trung Quốc có những "khác biệt" dẫn đến việc áp dụng các giải pháp kinh điển chống lạm phát chưa được hiệu quả như mong muốn.
Trong khi đó tăng trưởng cao - niềm tự hào của kinh tế Trung Quốc cũng có "tác dụng phụ" không mong muốn.
Có quan điểm cho rằng đầu tư 50% GDP cho mục đích tăng trưởng sẽ gặp nguy cơ quá tải và vấn đề cho vay khó trả; và Trung Quốc không phải là ngoại lệ.
Tình trạng "bong bóng" bất động sản tại Trung Quốc thời gian vừa qua đã tạo nhiều khó khăn cho việc quản lý vĩ mô khi phải ban hành hàng loạt các giải pháp về đầu tư và bất động sản.
Ở khía cạnh khác, tăng trưởng cao dẫn đến dự trữ ngoại tệ tăng cao cũng tạo cho kinh tế Trung Quốc những vấn đề mới và không giống tình trạng thâm hụt ngoại tệ như một số quốc gia khác.
Ông "vua" tiền, Thống đốc Chu Tiểu Xuyên bày tỏ: "Dự trữ ngoại hối vượt quá mức mà chúng tôi thực sự cần. Sự gia tăng nhanh chóng trong dự trữ có thể dẫn đến thanh khoản quá mức và gây áp lực đáng kể cho ngân hàng trung ương. Nếu chính phủ không đưa ra chính sách để cân bằng lại dự trữ ngoại hối, sự gia tăng đó có thể gây ra nhiều rủi ro lớn".
Như vậy mức dự trữ ngoại hối kỷ lục 3.040 tỷ USD mà Trung Quốc sở hữu hiện nay cũng không hẳn là ưu thế, là lợi thế lớn nhất mà Trung Quốc có được khi đồng USD lại "bỗng dưng" giảm giá mạnh nhất trong vòng 15 tháng qua.
Châu Âu: Kinh nghiệm giải quyết nợ công tại Hy Lạp và Ireland đã giúp cho Châu Âu có những quyết định nhanh chóng trong trường hợp của Bồ Đào Nha.
Không phải "tranh cãi" nhiều, 80 tỷ EUR (khoảng 116 tỷ USD) đã được EU và IMF thông qua nhằm chuyển nhanh đến Bồ Đào Nha trước khi diễn ra bầu cử quốc hội.
Tuy nhiên với mô hình kinh tế kiểu EU, kiểu Eurozone, việc trợ giúp các nước thành viên mặc dù đã có Cơ chế bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) cũng không hẳn đã được vận hành trơn tru, vẫn có những "trục trặc" khó diễn tả.
Những diễn biến của cuộc bầu cử quốc hội Phần Lan vừa qua đã phản ánh những khó khăn cho việc "giải cứu" Bồ Đào Nha, nếu Phần Lan có ý kiến khác, Bồ Đào Nha sẽ khó khăn hơn.
Và như vậy, EU cũng như Eurozone sẽ mất thời gian dàn xếp trong nội khối trước khi "chung tay" giúp đỡ người khó khăn" Bồ Đào Nha.
Nhật Bản: Trước những thiệt hại to lớn do thảm họa động đất và sóng thần gây ra, Cơ quan Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Nhật Bản nhận định GDP năm 2011 của Nhật Bản sẽ giảm mạnh từ 1,7% xuống còn 0,8%.
OECD cho rằng: "Tác động trước mắt của thảm họa kinh hoàng này nhiều khả năng là rất lớn, có thể vượt ra khỏi các khu vực bị tàn phá bởi động đất và sóng thần. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ các thảm họa trước kia tại Nhật Bản cũng như một số quốc gia phát triển khác cho thấy tác động tiêu cực lên nền kinh tế trong ngắn hạn thường theo sau, bởi đà phục hồi mạnh khi chi tiêu cho hoạt động tái thiết tăng mạnh".
Trong một diễn biến khác, sau khi "bơm" 39.000 tỷ Yên (khoảng 480 tỷ USD) nhằm khắc phục thảm họa, Nhật Bản tiếp tục duyệt chi thêm 4.000 tỷ Yên (khoảng 49 tỷ USD) cho ngân sách khẩn cấp tạm thời, theo đó 1.600 tỷ Yên dành cho tái thiết cơ sơ hạ tầng.
Chi nhiều tiền nhưng không phát hành trái phiếu chứng tỏ tài chính Nhật Bản đủ sức cáng đáng các khoản chi cần thiết cho công tác tái thiết sau thảm họa.
Ngoài ra không phát hành trái phiếu cũng phản ánh Nhật Bản rất ngại đụng đến "núi lửa" nợ công nếu không muốn núi lửa phun trào.
Nguồn: Tamnhin