Kinh tế thế giới đang nhìn lại mình sau những chấn động do cơn “điên dại” của vàng, sự lên xuống thất thường của dầu mỏ và và những đánh giá tín nhiệm “bất lợi” đối với kinh tế Mỹ và Châu Âu.
Đánh giá thực trạng kinh tế thế giới hiện nay và dự báo những xu hướng phát triển tiếp theo đang là chủ đề tranh luận sôi nổi nhưng có nhiều khác biệt của các nhà nghiên cứu, các nhà phân tích.
Trong một thế giới đang thay đổi rất nhanh từ nguy cơ “chiến tranh tiền tệ” cuối năm 2010 đến nguy cơ lạm phát toàn cầu thời điểm đầu năm 2011 và sự chững lại của kinh tế thế giới hiện nay, thì việc phân tích hay dự báo đều không dễ dàng, có đồng thuận hay trái triều trong dự báo cũng là điều dễ hiểu.
Bi quan nhất là Merrill Lynch khi cho rằng có tới 80% khả năng xảy ra suy thoái kép tại Mỹ. Mặc dù không bác bỏ khả năng suy thoái kép nhưng một bộ phận của FED chỉ dự báo suy thoái ở mức độ thấp khoảng 20%.
Nguy cơ suy thoái toàn cầu ở mức 50/50 là quan điểm của nhà kinh tế đoạt giải Nobel Michael Spence. Trong khi đó, ở chiều ngược lại UBS và Citigroup có cùng quan điểm đánh giá kinh tế thế giới có chiều hướng xấu khi hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2011 từ 3,3% xuống còn 3,1% và bác bỏ nguy cơ suy thoái…
Điều này khẳng định chưa có một xu hướng nào là chủ đạo cho sự vận động của kinh tế thế giới trong thời điểm hiện nay.
Các yếu tố bất lợi chưa đủ đưa thế giới đến suy thoái nhưng các yếu tố thuận lợi có thể đưa kinh tế thế giới đi lên cũng chưa thực sự rõ ràng.
Khó lường có lẽ là ngôn từ được dùng nhiều nhất khi nói về kinh tế toàn cầu hiện nay.
Kinh tế Mỹ:
Trong bối cảnh chưa thực sự rõ ràng giữa tăng trưởng hay suy thoái, các nhà quản lý và điều hành kinh tế Mỹ chưa thể đưa ra “quyết sách” nào mới, tất cả còn đang theo dõi và theo dõi một cách “thận trọng”.
Chủ tịch FED Ben Bernanke cho rằng cần “thảo luận kỹ hơn về kinh tế Mỹ” trong các cuộc họp tới đây trước khi đưa ra các quyết sách phù hợp mà dư luận có thể gọi là QE2,5, QE3 hay QEn nào đó.
Như vậy, trong thời điểm hiện tại, kinh tế Mỹ dù lớn nhất cũng khó lường như mọi nền kinh tế khác.
Cũng liên quan đến kinh tế, Bộ Thương mại Mỹ đã thông báo tăng trưởng GDP quí 2 vẫn đạt ở mức thấp là 1% và thấp hơn 0,3% so với dự báo.
Điều này khẳng định với 2 công cụ chủ yếu là lãi suất thấp 0,25% và 600 tỷ USD của QE2 mà FED đưa ra trong thời gian qua cũng không “đẩy” được kinh tế Mỹ tiến lên phía trước.
Không những vậy, với những biến động “kinh hoàng” của kinh tế Mỹ trong tháng 8 vừa qua, khả năng tăng trưởng quí 3 cũng là quí cuối cùng của năm tài khóa 2011 (kết thúc vào 30/9/2011) không có nhiều lạc quan. Theo dự báo mới nhất IMF mức tăng GDP năm 2011chỉ đạt 1,6%, đây sẽ là năm không thành công của kinh tế Mỹ.
Trung Quốc:
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng không thoát được sự “soi mói” của các hãng đánh giá tín nhiệm.
Trong lần đánh giá gần đây, đối tượng được đưa ra là lĩnh vực quản lý tiền tệ của Trung Quốc.
Với mức đánh giá là AA- và chuyển từ “ổn định” xuống “tiêu cực”, Fitch đã phản ánh những lo ngại về đồng Nhân dân tệ (CNY) trong thời điểm hiện nay.
Theo các tin tức đã công bố, hiện nay tổng dư nợ tín dụng của Trung Quốc đạt khoảng 17.500 tỷ CNY (tương đương 2.700 tỷ USD), chiến hơn 1/3 GDP và chứa đựng nhiều nguy cơ không thể lường trước được.
Cũng theo Moody’s, các khoản nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc có thể lên đến 8-12% tổng dư nợ.
Ở góc độ lành mạnh các hoạt động tín dụng thì tỷ lệ nợ xấu nêu trên là quá cao và “không thể ngồi yên”.
Phản ánh những lo ngại về hoạt động của ngân hàng Trung Quốc, người đứng đầu bộ phận xếp hạng tín nhiệm châu Á - Thái Bình Dương của Fitch, ông Andrew Colquhoun, cho rằng “Chất lượng tài sản ngân hàng sẽ tiếp tục sa sút đáng kể trong trung hạn”.
Với những nhận định không mấy lạc quan về bất động sản, về tín dụng của Trung Quốc trong thời gian qua, có thể nói kinh tế Trung Quốc ngoài việc phải duy trì tăng trưởng ở tốc độ cao thì việc tái cơ cấu, tái điều chỉnh những lĩnh vực có thể gây bất ổn cho nền kinh tế trong trung hạn cũng là điều nên làm hay cần phải làm nếu không quá muộn.
Một nền kinh tế luôn luôn biết làm mới và cần được làm mới là đòi hỏi của nhiều nền kinh tế và Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ.
Châu Âu:
Tăng trưởng quí 2 đạt 0,2% là kết quả không thể “tồi hơn” cho Eurozone khi nợ công và lạm phát “tấn công” suốt từ đầu năm 2011 đến nay.
Kinh tế Eurozone hiện nay đi theo 2 xu hướng chính, tăng lãi suất để chống lạm phát và tăng qui mô các gói cứu trợ để nợ công không trở thành “đại dịch”.
Tuy nhiên 2 xu hướng này không hẳn đã đồng thuận với nhau. Tăng lãi suất sẽ giảm lượng cung tiền nhưng tăng qui mô các gói cứu trợ thì lượng tiền khó có thể giảm, mâu thuẫn là như vậy.
Khó khăn của Eurozone hay EU đã được các nhà quản lý dự báo từ trước, từ đầu năm 2011 nhưng lại không tính hết được qui mô, cấp độ và ảnh hưởng của các loại “bão” đối với kinh tế toàn khối.
Các dự báo về kinh tế Eurozone và EU đều là màu xám. Tăng trưởng năm 2011 sẽ giảm từ 2% xuống 1,9% và giảm mạnh từ 1,7% xuống còn 1,4% cho năm 2012 đó là dự báo của IMF.
Các “đầu tàu” của Eurozone và EU đều giảm tốc khi nói đến tăng trưởng, cụ thể GDP của Đức năm 2012 sẽ giảm từ 1,7% xuống còn 1,4%; GDP năm 2012 của Pháp chỉ còn 1,6%; tăng trưởng dưới 1% thuộc về Italy và Tây Ban Nha.
Cũng đồng quan điểm về sự giảm tốc của kinh tế Eurozone và EU nhưng S&P cho rằng “lục địa già” có khả năng tránh được suy thoái khi nhận xét “Chúng tôi tiếp tục tin tưởng châu Âu sẽ tránh được suy thoái vì cơ hội tăng trưởng vẫn còn dù phải thừa nhận rằng rủi ro là rất lớn. Đặc biệt, chúng tôi sẽ theo dõi sát xu hướng về nhu cầu tiêu dùng trong các quý tới”.
Như vậy, rủi ro lớn là đặc điểm của kinh tế Eurozone và EU hiện nay.
Nhật Bản:
Thủ tướng mới nhưng thách thức có cả cũ và mới, đó là chủ đề chính khi nói đến kinh tế Nhật Bản hiện nay.
Có 6 thủ tướng trong vòng 5 năm là câu chuyện không có gì đặc biệt đối với chính trị và kinh tế Nhật Bản hiện nay.
Việc thay đổi thủ tướng và nội các tại Nhật Bản là việc làm “thường xuyên và liên tục” từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2 năm 1945 đến nay.
Điều đặc biệt hiện nay cần nói đó là nhiệm kỳ của các thủ tướng càng ngắn lại và người ta có cảm giác rằng Nhật Bản là “lò đào tạo các vị thủ tướng”.
Điều gì tạo cho chính phủ Nhật Bản không có sự ổn định tương đối, câu trả lời phần nhiều liên quan đến kinh tế.
Từ một nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đến năm 2010 đã nhường chỗ cho Trung Quốc và nhiều khả năng sẽ bị Trung Quốc bỏ lại khoảng cách khá xa.
Từ ngày 30/8, đứng trước tân Thủ tướng Yoshihiko Noda là một loạt vấn đề kinh tế nan giải. Đó là kinh tế tăng trưởng thấp, nợ công cao ở mức 200%/GDP và khắc phục thảm họa động đất-sóng thần hồi tháng 3 vừa qua.
Trong kinh tế, vấn đề đồng Yên tăng cao vẫn là “nút thắt” khó gỡ và đòi hỏi ông Yoshihiko Noda xử lý được vấn đề này mới có cơ hội xoay chuyển tình thế cho kinh tế Nhật Bản.
Nếu xử lý được vấn đề đồng Yên tăng giá và phát hành thành công 894.000 tỷ Yên trái phiếu (khoảng 11.700 tỷ USD) hay tương đương 185% GDP, thì kinh tế Nhật Bản có cơ hội “làm mới” và “vượt ngưỡng”. Nhưng đây vẫn là điều không mấy dễ dàng đối với kinh tế Nhật Bản hiện nay.
Nguồn tin: Tamnhin