Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế thế giới trong tuần: Trung Quốc giảm tốc

Sau khi có những tín hiệu tương đối khích lệ trong giai đoạn đầu năm, kinh tế thế giới lại gặp phải những khó khăn mới mang tên dầu mỏ và lạm phát.

Với những biến động ở khu vực Bắc Phi, giá dầu mỏ đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng và "neo" ở mức cao nhất trong vòng hơn 2 năm trở lại đây, khoảng 110-115 USD/thùng.

Đây là điều bất lợi cho kinh tế toàn cầu khi nhiên liệu tăng mạnh trong thời gian ngắn và tình hình chính trị ở nhiều nơi không ổn định.

Trong khi đó ngoại trừ Mỹ và Nhật Bản, lạm phát cao đã xuất hiện không chỉ ở các nền kinh tế mới nổi (Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Braxin), còn hiện diện ngay tại châu Âu.

Kinh tế thế giới hiện ở trạng thái hết sức "đặc biệt" và khác nhiều nếu so sánh với đầu năm 2010. Sự khác biệt đó được thể hiện qua tăng trưởng không đều, có nơi lạm phát nhưng lại có nơi giảm phát, nơi lãi suất thấp và cực thấp, nhưng có nơi lãi suất "bỗng dưng" tăng mạnh...

Mỹ: Phát biểu về kinh tế Mỹ trong thời gian vừa qua của Chủ tịch FED Ben Bernanke cho thấy giá dầu tăng cao, lạm phát và chương trình QE2 vẫn là chủ đề chính.

Về giá dầu, ông Ben Bernanke cho rằng kinh tế Mỹ sẽ bị đe doạ nếu giá dầu vẫn tăng như hiện nay nhưng chưa phải là yếu tố làm tăng lạm phát tại Mỹ. Hiện tại, FED đang theo tình hình một cách sát sao.

Về lạm phát, tuy chưa phải là vấn đề đối với nước Mỹ hiện nay nhưng ông Ben Bernanke lại cho rằng FED không có lỗi trong việc lạm phát tăng và có yếu tố "Trung Quốc" trong vấn đề này.

Cũng như mọi lần, QE2 luôn là nội dung chính trong phát biểu của ông Ben Bernanke. Chủ tịch FED Bernake cho rằng QE2 đã giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng và giảm thất nghiệp.

Cũng liên quan đến kinh tế Mỹ, nhà đầu tư nổi tiếng và là tỷ phú Warren Buffett cho rằng đây là thời điểm tốt để đầu tư tại Mỹ, khi nói rằng "tiền sẽ luôn chảy về phía nào có cơ hội và hiện có rất nhiều cơ hội tại Mỹ".

Theo quan điểm của nhà đầu tư nổi tiếng này, cần phải lạc quan nếu nhìn vào kinh tế Mỹ hiện nay. Tỷ phú Warren Buffett khẳng định: "Những ngày tươi sáng nhất của nước Mỹ vẫn còn ở phía trước".

Trung Quốc: Với tuyên bố của Thủ tướng Ôn Gia Bảo về tăng trưởng kinh tế khoảng 7% trong 5 năm tới đây, Trung Quốc đã gửi đi thông điệp điều chỉnh kinh tế qui mô lớn mà giảm tăng trưởng là bước đi đầu tiên.

Ai cũng hiểu không một cỗ máy nào, không một nền kinh tế nào có thể liên tục chạy với tốc độ cao trong một thời gian dài. Kinh tế Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ, cần có sự điều chỉnh nếu không quá muộn.

Cần biết rằng sau khi hoàn thành "nhiệm vụ chính trị" là GDP đã vượt Nhật Bản, Trung Quốc mới có sự "điều chỉnh chiến lược" để làm mới nền kinh tế.

Sự tăng trưởng "thần kỳ" của kinh tế Trung Quốc trong thời gian dài mang lại không chỉ là niềm kiêu hãnh và tự hào mà có cả những nguy cơ lớn về môi trường, về lãng phí và về sự phát triển mất cân đối...

Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố: "Chúng ta sẽ không bao giờ chạy theo tăng trưởng cao bằng cái giá là môi trường. Nó sẽ dẫn đến hậu quả là tăng trưởng không bền vững với dư thừa công suất công nghiệp và tiêu thụ quá nhiều tài nguyên". Muốn hiểu về kinh tế Trung Quốc, chỉ cần biết rằng GDP đứng thứ 2 sau Mỹ nhưng chưa phải là "G7" về kinh tế.

Trong một diễn biến khác, Bộ tài chính Mỹ thông báo trong số 4.400 tỷ USD trái phiếu Mỹ do nước ngoài nắm giữ, có 1.166 tỷ USD (21,6%) thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc và Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư trái phiếu nước ngoài lớn nhất.

Điều này một lần nữa khẳng định rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này có quan hệ chặt chẽ với nhau, ràng buộc lẫn nhau và sự lên xuống của đồng USD sẽ phản ánh mối quan hệ kinh tế "lúc căng, lúc chùng" giữa hai nước. Nhưng hai nước này khó có thể vượt qua “vạch đỏ” đến mức có thể gây tổn hại cho nhau.

Châu Âu: Ngoài việc xử lý những hậu quả của "bão" nợ công tại Hy Lạp và Ireland, châu Âu tiếp tục nhận tin xấu khi lạm phát tháng 1/2011 và đã lên tới 2,4%, vượt mức qui định.

Đây quả thật là con số không vui khi biết rằng GDP quí 4/2010 của Eurozone chỉ tăng ở mức khiêm tốn 0,3% và GDP của toàn Châu Âu chỉ tăng 1,8% trong năm 2010. Trong năm 2010, kinh tế Eurozone chỉ tăng trưởng có 1,7%.
Nếu nói về chỉ số tăng trưởng của các nền kinh tế lớn trên thế giới, châu Âu sẽ ở tốp cuối và thực tế này không chỉ có xảy ra trong năm 2010, mà rất có thể sẽ lặp lại trong năm 2011.

Châu Âu hiện nay đứng trước 2 vấn đề nan giải, tăng trưởng thấp và lạm phát cao. Để kích thích kinh tế, châu Âu cần đến lãi suất thấp (1%) nhưng để ngăn chặn lạm phát, lãi suất lại phải ở mức cao.

Trong điều hành kinh tế, hai giải pháp này không thể thực hiện đồng thời. Dùng giải pháp nào, loại bỏ giải pháp nào? Trả lời câu hỏi này là không dễ đối với châu Âu hiện nay.

Tuy nhiên với tuyên bố của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet về khả năng nâng lãi suất vào quí 2/2011, châu Âu "đành phải" chung đường với nhiều quốc gia khác trong việc ngăn chặn lạm phát và như vậy tăng trưởng của châu Âu vẫn là câu chuyện dài kỳ, với nhiều "khúc khuỷu" không dễ vượt qua.

Nguồn: Tamnhin.net

ĐỌC THÊM