Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế thế giới tuần qua: Nguy cơ rình rập

Kinh tế thế giới tuần qua đón nhận nhiều tin tức mới nhất từ các nền kinh tế lớn, tin tốt có và tin xấu lại nhiều hơn. 
 

 

 Trận động đất kinh hoàng tại Nhật Bản ngày 11/3 đã cướp đi hàng nghìn sinh mạng người dân Nhật và gây thiệt hại vô cùng lớn cho nền kinh tế thứ 3 thế giới này. 

Mỹ và Trung Quốc "cùng nhau" công bố những tin về thâm hụt ngân sách, thâm hụt thương mại. Trong khi đó Anh và Đức có tin vui về xuất nhập khẩu...

Kinh tế thế giới tuần qua có nhiều điểm sáng, tối lẫn lộn.

Mỹ:Trong khi đề cập nhiều đến cắt giảm thâm hụt ngân sách như là chiến lược mới trong năm 2011, nước Mỹ tiếp tục công bố số liệu thâm hụt khiến nhiều người phải "giật mình". 

Chỉ trong vòng 28 ngày của tháng 2/2011, nước Mỹ đã thâm hụt ngân sách tới 222,5 tỷ USD, đây là "kỷ lục" cao nhất nếu tính từ tháng 2/2010 trở lại đây và là tháng thứ 29 liên tiếp ngân sách Mỹ thâm hụt.
Tuy nhiên kinh tế Mỹ có thể được "an ủi" phần nào khi tổng thâm hụt trong 5 tháng của tài khoá năm 2011 còn thấp hơn cùng kỳ này năm ngoái: 641,26 tỷ USDso với 651,6 tỷ USD. 

Theo dự báo thâm hụt năm 2011 của Mỹ kể cả khi thực hành tiết kiệm cũng đạt tới 9,8% GDP. Như vậy mức thâm hụt năm 2011 có thể sẽ vượt năm 2010 (1.290 tỷ USD) và "cạnh tranh" với con số của năm 2009 (1.420 tỷ USD). 

Nếu số liệu thâm hụt vẫn "ổn định" như vậy, đây có thể gọi là "đặc trưng cơ bản" của kinh tế Mỹ trong giai đoạn hiện nay.

Cũng liên quan đến kinh tế Mỹ, tin tức loan báo cho hay thâm hụt thương mại tháng 1/2011 đã tăng 15,1% và đạt 46,3 tỷ USD, cao hơn mức thâm hụt của tháng 12/2010 là 5,7 tỷ USD. 

Như vậy thâm hụt thương mại cả năm 2011 có nhiều khả năng vượt ngưỡng 500 tỷ USD, mặc dù Tổng thống B. Obama có chiến lược mới tăng gấp 2 lần kim ngạch xuất khẩu của Mỹ trong giai đoạn hiện nay.

Trung Quốc:Cường quốc xuất khẩu của thế giới đã đón nhận tin không vui khi thâm hụt thương mại trong tháng 2/2011 đạt 7,3 tỷ USD, đây là con số gây nhiều bất ngờ cho các nhà phân tích. 

Tuy nhiên nếu tính cụ thể thì con số đó cũng không phải quá "sốc" khi xuất khẩu đang ở điểm "rơi", chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2010. 

Nếu tính giá trị tuyệt đối, đây là mức thâm hụt cao nhất kể từ năm 2004 đến nay. 

Không những vậy, việc thâm hụt này sẽ thúc đẩy các nhà hoạch định và quản lý kinh tế của Trung Quốc phải đưa các giải pháp khắc phục nếu không muốn tình hình đi quá xa.

Cũng liên quan đến kinh tế, "cuộc chiến" chống lạm phát của Trung Quốc đang vào giai đoạn "gay go, quyết liệt" khi lạm phát tháng 2 được công bố vẫn ở mức 4,9%. 

Đây là con số không vui khi Trung Quốc đã đưa ra nhiều giải pháp như tăng dự trữ bắt buộc, tăng lãi suất...nhưng tình hình vẫn không được khả quan. Tuy nhiên nếu nói lạm phát đã được kiềm chế thì cũng không phải quá lời.

Trong một diễn biến khác, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch đã đưa hệ thống ngân hàng của Trung Quốc vào "sổ  đen", khi đánh giá có tới 60% nguy cơ xảy ra khủng hoảng ngân hàng vào giữa năm 2013.
 
Fitch cho rằng có "các lỗ hổng lớn trong bảng cân đối kế toán ngân hàng". Theo Fitch, nguyên nhân gây khủng khoảng ngân hàng tại Trung Quốc đều không mới, đều chỉ đến một "địa chỉ" cũ. Đó là tăng trưởng tín dụng kỷ lục và giá bất động sản leo thang. 

Không những vậy, nếu tính số tiền mà các ngân hàng đã tài trợ lĩnh vực bất động sản trong 2 năm gần đây đều là con số "khủng", 17.500 tỷ NDT hay 2.700 tỷ USD. 

Đầu tư qui mô lớn trong một lĩnh vực và trong thời gian ngắn có thể mang lại con số "đẹp" trước mắt nhưng để hấp thụ hết và mang lại hiệu quả nguồn tín dụng khổng lồ đó, câu chuyện lại không hề đơn giản. Trong trường hợp này, Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ.

Trung Quốc cũng biết sự "lũng đoạn" của giới đầu cơ làm nóng thị trường bất động sản. 

Thứ trưởng Bộ Phát triển Nông thôn Đô thị và Nhà ở Trung Quốc, ông Qi Ji, nói: “Các biện pháp siết chặt bất động sản của chính phủ chủ yếu tập trung vào những đối tượng không có nhu cầu nhà ở. Mục đích chính của chúng tôi là đảm bảo đủ nguồn cung nhà cho những người có nhu cầu thực sự".
 
Châu Âu:Thâm hụt ngân sách và lạm phát đang là vấn đề làm "đau đầu" các nhà quản lý của Châu Âu. 
Muốn cắt giảm thâm hụt ngân sách thì phải cắt giảm chi tiêu và tăng thuế. Muốn giảm lạm phát phải tăng lãi suất và cắt giảm đầu tư, đặc biệt là đầu tư công. 

Tuy nhiên tiến hành song song 2 "nhiệm vụ chiến lược" này là điều không dễ cho mọi nền kinh tế, điều này cũng đúng với cả Châu Âu. 

Nếu xử lý cả hai vấn đề nêu trên thì phải thực hiện nhiều, rất nhiều giải pháp kinh tế và "tác dụng phụ" có thể xảy ra là tăng trưởng giảm sút. Lịch sử kinh tế hiện đại đã ghi nhận bài học này. 

Theo Joseph Stiglitz - nhà kinh tế nổi tiếng đạt giải Nobel, Châu Âu cần nhớ bài học Nhật Bản về cân đối ngân sách. Ông Joseph Stiglitz phân tích "vì Nhật Bản đã cố gắng cân bằng ngân sách quá sớm, vào năm 1997 và 1998, nên nước này đã rơi vào một nửa thập kỷ mất mát. Châu Âu đang đối mặt với rủi ro tương tự". 

Cũng liên quan đến kinh tế Châu Âu, hai quốc gia lớn của "lục địa già" đều có tin vui trong hoạt động xuất nhập khẩu. 

Nước Anh đã thông báo thâm hụt thương mại tháng 1/2011 đã giảm xuống còn 7,06 tỷ Bảng, thấp hơn thâm hụt tháng 12/2010 là 2,63 tỷ Bảng. 

Đây là mức thâm hụt thấp nhất trong 11 tháng, theo đó xuất khẩu đã tăng 5,4% và nhập khẩu giảm 4%. Được biết hiện nay Anh vẫn duy trì lãi suất thấp 0,5% và lạm phát ở mức 4%. 

Cũng liên quan đến xuất nhập khẩu,  Đức thông báo thặng dư thương mại tháng 1/2011 đạt 10,1 tỷ Euro, trong đó xuất khẩu tăng 24,2% và đạt 78,5 tỷ Euro, nhập khẩu tăng 24,1% với 68,4 tỷ Euro. 

Điều này khẳng định, trong giai đoạn suy giảm của đồng Euro vừa qua (từ 1,6 USD xuống 1,3 USD/Euro) nước Đức đã biết tận dụng cơ hội và thực tế đã hưởng lợi từ sự suy giảm tỷ giá này. 

Như vậy hoạt động xuất nhập khẩu đã đóng góp tỷ lệ xứng đáng vào tăng trưởng cao của Đức trong thời gian qua.

Nhật Bản: Về tăng trưởng tại Nhật Bản thời điểm này quả  là khó nói: khó khăn bộn bề, kinh tế vẫn "loay hoay", chưa tìm được lực đẩy. 

Trong bối cảnh đó, Nhật Bản thông báo GDP quí 4/2010 giảm 0,3% so với quí 3/2010 cũng là điều không có gì lạ, Nhật Bản vẫn trong giai đoạn giảm phát. 

Chỉ số muốn tăng (GDP) lại không tăng, giá trị đồng Yên muốn giảm lại "leo" cao. Kinh tế Nhật Bản có những mâu thuẫn thật khó giải thích và có lúc “ngược chiều” với kinh tế thế giới.

Trong khi đó trận động đất kinh hoàng ngày 11/3 đã gây cho nước Nhật những tổn thất to lớn về người và tài sản. 

Theo ước tính, thiệt hại kinh tế do động đất sóng thần gây ra chiếm khoảng 1% GDP (khoảng 57 tỷ USD) là con số thiệt hại mà nước Nhật phải gánh chịu. Sẽ còn mất nhiều thời gian, nhiều tiền của để khôi phục lại những thiệt hại, những mất mát trong trận động đất sóng thần vừa qua.

Nguồn: Tamnhin

ĐỌC THÊM