Lòng tin doanh nghiệp và người tiêu dùng đã sụt giảm mạnh vì những tác động từ cuộc khủng hoảng nợ ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu và tình trạng yếu kém của nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như thế giới, báo cáo mới nhất của Ban Phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc tạp chí The Economist cho biết.
EIU cho rằng, triển vọng của nền kinh tế toàn cầu đã trở nên bi quan hơn nhiều so với trước đây, làm tăng những dự báo về nguy cơ sụt giảm sản lượng toàn cầu. Việc hai nền kinh tế Tây Ban Nha và Italy đang bị cuốn vào cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, đang làm gia tăng nguy cơ đổ vỡ của đồng tiền chung châu Âu.
Chưa hết, tốc độ phục hồi kinh tế chậm chạp ở Mỹ cùng những căng thẳng chính trị giữa hai đảng trong Quốc hội xung quanh vấn đề nâng trần nợ, càng làm cho tình hình trở nên u ám. Niềm tin kinh doanh, tâm lý tiêu dùng giảm mạnh, tác động tiêu cực tới lĩnh vực bán lẻ, đầu tư, tuyển dụng, sản xuất.
Những điều này có thể tạo nên một vòng xoáy đi xuống luẩn quẩn mà trong đó lòng tin đầu tư sẽ tiếp tục suy giảm và làm suy yếu thêm việc tuyển dụng và chi tiêu, đẩy các nền kinh tế phát triển trở lại suy thoái.
Theo EIU, các nhà hoạch định chính sách ở các nước phát triển hiện không có trong tay công cụ để ngăn chặn một cuộc suy thoái mới. Thậm chí, nhiều quốc gia còn không đủ khả năng để thực hiện thêm các biện pháp kích thích tăng trưởng với quy mô như giai đoạn khủng hoảng trước, do nợ nần chồng chất.
Khả năng hỗ trợ tăng trưởng của các ngân hàng trung ương có thể bị suy yếu do các khó khăn trong lĩnh vực tài chính, bao gồm cả sự biến động lãi suất trái phiếu chính phủ, khiến gói kích thích tiền tệ khó có thể đạt được hiệu quả cao hơn. Trong trường hợp xảy ra một cuộc suy thoái mới, khu vực kinh tế phát triển có thể sẽ rơi vào tình trạng giảm phát và đình trệ kéo dài.
Sự đi xuống của khu vực kinh tế phát triển sẽ khiến cho tăng trưởng tại các thị trường mới nổi chậm lại và sẽ giảm mạnh hơn nếu nhu cầu hàng xuất khẩu tại các nước phát triển không còn. Tốc độ tăng trưởng thậm chí còn thu hẹp hơn nếu các nhà đầu tư rút vốn để tập trung vào những "vịnh tránh bão" như trái phiếu Mỹ.
Dẫu vậy, các nền kinh tế đang phát triển có nhiều dư địa hơn nên quá trình phục hồi sẽ nhanh hơn. Nhu cầu nội địa ở khu vực này cũng rộng, đủ để ngăn chặn đà suy thoái sâu. Ngoài ra, người tiêu dùng ở các thị trường mới nổi cũng ít nợ nần hơn người tiêu dùng tại các nước phương Tây.
Trong một báo cáo khác, hôm qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á, và cảnh báo khu vực này phải đối mặt với nguy cơ tăng trưởng chậm lại, do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu và tốc độ phục hồi mong manh của kinh tế Mỹ.
Trong báo cáo "Triển vọng kinh tế châu Á và khu vực Thái Bình Dương 2011-2012" được công bố hai lần/năm, IMF dự báo châu Á sẽ đạt tăng trưởng bình quân 6,3% và 6,7% lần lượt vào năm 2011 và 2012, thấp hơn mức dự báo tương ứng 6,8% và 6,9% mà các chuyên gia thể chế này đưa ra hồi tháng 4 vừa qua.
Theo định chế tài chính đa phương này, cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu lan rộng sẽ tác động mạnh mẽ tới kinh tế vĩ mô và lĩnh vực tài chính của châu Á, do các nền kinh tế châu lục này gắn liền với các nền kinh tế phát triển. Làn sóng bán tháo cổ phiếu tại châu Á thời gian qua, mỗi khi có tín hiệu bất lợi từ châu Âu và Mỹ, là một minh chứng rõ ràng cho nhận định này.
Thêm vào đó, các nhà hoạch định chính sách của châu Á đang phải đối mặt với tình trạng khó cân bằng, khi vừa phải tìm cách giảm bớt những rủi ro tăng trưởng, vừa phải hạn chế những tiêu cực từ chính sách tài chính nới lỏng. Ngoài ra, lạm phát cũng là một nan đề đối với một số nền kinh tế châu Á, nhưng theo IMF, tỷ lệ lạm phát ở châu Á sẽ giảm dần do giá cả lương thực, năng lượng đang được điều chỉnh.
Liên quan tới các thông tin kinh tế, hôm qua, tổ chức Fitch Ratings đã hạ bậc tín nhiệm của 3 ngân hàng châu Âu, đưa xếp hạng tín nhiệm của 8 ngân hàng Mỹ và châu Âu vào diện xem xét hạ bậc do những thách thức trong nền kinh tế và các thị trường tài chính cũng như tác động của các quy định mới.
Cụ thể, Fitch hạ một bậc tín nhiệm của UBS (Thụy Sỹ) từ A+ xuống A và hạ hai bậc tín nhiệm của Lloyds Banking và Ngân hàng Hoàng gia Scotland (Anh) từ AA- xuống A. Ngoài ra, Fitch đang xem xét hạ bậc 8 ngân hàng của Mỹ và châu Âu, bao gồm: Barclays Bank, BNP Paribas, Credit Suisse, Deutsche Bank, Societe Generale, Bank of America, Morgan Stanley và Goldman Sachs.
Theo ông Joo-Yung Lee, Giám đốc điều hành bộ phận các tổ chức tài chính của Fitch, sự liên quan của hệ thống ngân hàng với cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng như những lo lắng về mô hình kinh doanh của nhóm nhà băng đầu tư trên, là nguyên nhân chính khiến Fitch đưa ra động thái trên.
“Một số ngân hàng ngày càng phụ thuộc vào nguồn cấp vốn với quy mô lớn và lợi nhuận từ hoạt động giao dịch đầy biến động. Điều này đặc biệt đúng đối với ngân hàng Goldman Sachs và Morgan Stanley của Mỹ. Hoạt động của hai ngân hàng này ít đa dạng hơn các ngân hàng mang tính toàn cầu khác”, ông Lee cho biết.
Cũng trong ngày hôm qua, một tổ chức định mức tín nhiệm khác là Standard & Poor's đã hạ bậc tín nhiệm của Tây Ban Nha từ mức AA xuống còn AA-, cùng với triển vọng tiêu cực. S&P cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp cao, các điều kiện tài chính khó khăn của Tây Ban Nha và "tình trạng sụt giảm về kinh tế trong các đối tác thương mại chính của Tây Ban Nha" là nguyên nhân dẫn tới quyết định hạ bậc tín nhiệm nói trên.
Mảng sáng gần như duy nhất của kinh tế thế giới hôm qua có lẽ là một vài thông tin lạc quan về kinh tế Mỹ và việc Slovakia bỏ phiếu thông qua việc mở rộng Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu. Tại cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua, kế hoạch này nhận được 114 phiếu ủng hộ, trong khi chỉ cần 76 phiếu ủng hộ (trong số 150 nghị sĩ Quốc hội) là được thông qua.
Như vậy, kế hoạch quan trọng nhằm giúp Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giải quyết khủng hoảng nợ công đã vượt qua cửa ải cuối cùng. Trước Slovakia, 16 nước còn lại trong Eurozone đã thông qua EFSF. Thỏa thuận mở rộng cho phép nâng ngân quỹ của EFSF từ 440 tỷ Euro hiện nay lên 780 tỷ Euro. EFSF sẽ được sử dụng để duy trì sự ổn định tài chính ở châu Âu.
Nguồn tin: vneconomy