Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2010, Chính phủ nhận định: Nền kinh tế tiếp tục phục hồi với tốc độ tăng trưởng cao (tăng 5,83%), gấp 1,9 lần so với quý I/2009. Cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều đạt nhiều kết quả tốt.

Cuối giờ chiều qua (1.4), Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thông báo về kết quả phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.2010. Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tại phiên họp này Chính phủ đã thảo luận và xem xét 25 nội dung quan trọng, trong đó đặc biệt là việc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội quý I/2010, đề ra các giải pháp điều hành để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2010.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2010, Chính phủ nhận định: Nền kinh tế tiếp tục phục hồi với tốc độ tăng trưởng cao (tăng 5,83%), gấp 1,9 lần so với quý I/2009. Cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều đạt nhiều kết quả tốt. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,6% (cao hơn kết hoạch năm đề ra là 12%), giá trị sản xuất ngành xây dựng (theo giá thực tế) tăng 17,4%; giá trị sản xuất ngành nông-lâm-ngư nghiệp tăng 5,8%...

Thị trường trong nước tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động du lịch rất sôi động; số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong quý I tăng 36,2% so với cùng kỳ năm trước, riêng trong tháng 3 tăng 56%.
 
Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước đến 15.3.2010 đã đạt xấp xỉ 20% dự toán năm, cao hơn so với một số năm gần đây. Các mặt về an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân tiếp tục được giải quyết tốt...

Tại phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận đánh giá về những tồn tại, hạn chế, trong đó sản xuất nông nghiệp đang gặp khó khăn do hạn hán, thiếu nước tưới, dịch bệnh làm ảnh hưởng đến năng xuất và hiệu quả sản xuất và đời sống nhân dân. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khắc phục tình trạng này đảm bảo việc đẩy mạnh sản xuất của nhân dân.

Chính phủ cũng nhận định tăng trưởng GDP quý I/2010 cao hơn cùng kỳ, nhưng thấp hơn quý IV/2009. Mặt bằng lãi suất ngân hàng khá cao; tăng trưởng tín dụng chậm, đầu tư nước ngoài giảm sút. Giá cả những tháng đầu năm 2010 tăng khá cao so với các năm trước; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3.2010 tăng 0,75% so với tháng 2.2010. So với tháng 12.2009, CPI tháng 3.2010 tăng 4,12%.

Giá cả thế giới tăng và việc tăng giá đầu vào một số mặt hàng trong nước có thể tiếp tục gây áp lực lớn đến mặt bằng giá cả và lạm phát trong thời gian tới. Xuất khẩu giảm sút, trong khi nhập khẩu tăng làm cho nhập siêu bị đẩy lên cao, ảnh hưởng đến cân đối ngoại tệ và dự trữ ngoại hối...

Kết luận về các nội dung này, Thủ tướng khẳng định trong quý I/2010, nền kinh tế có những chuyển biến tích cực, giá cả tuy có tăng, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn một số yếu tố có thể làm ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung nỗ lực huy động các nguồn lực của toàn xã hội để thực hiện yêu cầu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát trở lại và đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2010.

Quý I năm 2010, giá trị sản xuất ngành nông-lâm-ngư nghiệp tăng 5,8%.  Ảnh: TTXVN

Không tăng giá xăng dầu, ổn định giá điện, giá than

Trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh thông tin dự báo của Bộ KHĐT về chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 có thể lên 8 - 9%, đại diện Bộ KHĐT cho rằng, đây chỉ là con số mang tính cảnh báo được đưa ra tại phiên họp đột xuất bàn về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tại phiên họp thường kỳ tháng 3.2010, Chính phủ đã dành thời gian và thảo luận, ra nghị quyết đề ra giải pháp tổng thể kịp thời để kiềm chế lạm phát.

Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán, phấn đấu thấp hơn năm 2009; tạo mặt bằng lãi suất phù hợp với quan hệ cung-cầu vốn thị trường theo hướng giảm dần mặt bằng lãi suất. Bảo đảm lượng tiền trong lưu thông hợp lý, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế. Các ngân hàng thương mại phải đảm bảo vốn tín dụng cho các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc thì Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chú ý rà soát, đánh giá tình hình cung - cầu các mặt hàng phục vụ sản xuất và đời sống, trước hết là các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, thuốc chữa bệnh, thức ăn chăn nuôi, phân bón, ximăng, thép..., để tổ chức thị trường hợp lý, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng đầu cơ nâng giá và gian lận thương mại.

Bộ Tài chính chủ động phối hợp với các bộ, ngành và chính quyền các cấp thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp quản lý điều hành giá, kiểm tra giám sát thị trường. Kiểm soát cơ chế hình thành giá không để giá xăng tăng liên tục trong thời gian ngắn, gây tác động tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng. Giữ ổn định giá điện và giá than bán cho điện đến hết năm 2010.

Tại cuộc họp báo, ông Trần Văn Hiếu - Thứ trưởng Bộ Tài chính - khẳng định ngày 1.4, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu trong tình hình như hiện nay, các DN kinh doanh xăng dầu không được tăng giá bán; được dùng quỹ bình ổn giá để đảm bảo kinh doanh không lỗ. Nếu giá xăng dầu thế giới giảm thì phải giảm giá bán; ngược lại, nếu giá xăng dầu thế giới tăng đột biến thì các DN này phải báo cáo liên bộ để xử lý.
 
Bộ Tài chính cũng chính thức đề nghị Thủ tướng cho dãn biên độ điều chỉnh giá theo quy định từ 10 ngày lên 30 ngày. Cũng theo ông Hiếu thì giá xăng của VN hiện đang thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia... 

Tăng gấp đôi mức phạt giao thông tại HN, TPHCM

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: Chính phủ đã đồng ý cho Hà Nội và TPHCM tăng mức xử phạt vi phạm giao thông từ 40-200% so với mức chung của cả nước: Người đi xe máy vượt đèn đỏ sẽ bị phạt đến 500.000 đồng và tước bằng lái 30 ngày. Mức phạt mới mức phạt mới sẽ được thực hiện thí điểm trong 36 tháng và bắt đầu từ đầu quý 2 năm nay. Sau khi thí điểm, Bộ GTVT, Bộ CA, UBND Hà Nội, TPHCM sẽ tổng hợp, đánh giá và đề xuất Chính phủ chủ trương thực hiện tiếp theo.

(LĐ)

ĐỌC THÊM