Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu được công bố ngày 13/1, Liên hợp quốc (LHQ) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 4% trong năm 2022, thấp hơn so với mức 5,5% của năm 2021...
Kinh tế toàn cầu dự báo tăng trưởng 4% năm 2022. (Ảnh: Reuters) |
LHQ cho rằng, sau khi thế giới đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong hơn 4 thập kỷ vào năm 2021, nhờ chi tiêu tiêu dùng tăng, một số lĩnh vực đầu tư và thương mại hàng hóa vượt mức trước đại dịch, thì động lực tăng trưởng sẽ giảm dần trong năm 2022.
Có thể thấy tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã bắt đầu chậm lại từ cuối năm ngoái do các biện pháp kích thích tiền tệ tài chính bắt đầu giảm dần và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lại xuất hiện.
Phó Tổng thư ký về Kinh tế Xã hội tại LHQ Liu Zhenmin đã chỉ ra thiệt hại về kinh tế và con người do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm nhanh hơn so với các biến thể khác.
Ông Liu cảnh báo, nếu không có sự tăng cường hợp tác toàn cầu, trong đó bao gồm khả năng tiếp cận vaccine ngừa COVID-19, thì đại dịch sẽ tiếp tục gây ra các rủi ro lớn đối với sự phục hồi toàn diện và bền vững của nền kinh tế toàn cầu.
Báo cáo này cũng chỉ ra rằng cùng với tình trạng đại dịch đang tiếp diễn, áp lực lạm phát ngày càng cao, tình trạng thiếu hụt lao động ở các nền kinh tế phát triển và một số nền kinh tế đang phát triển đang tạo ra nhiều nguy cơ đe dọa tiến trình phục hồi toàn cầu.
Lạm phát toàn cầu lên tới 5,2% trong năm 2021, tăng 2% so với xu hướng chung trong 10 năm trở lại đây. Báo cáo cũng cảnh báo hậu quả lâu dài của đại dịch sẽ làm gia tăng khoảng cách về tốc độ tăng trưởng giữa các nền kinh tế tiên tiến và các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
"Đối với phần lớn các nước đang phát triển, khả năng phục hồi hoàn toàn chỉ số GDP bình quân đầu người hay không hiện vẫn chưa rõ", báo cáo nêu rõ.
Tuy nhiên, chỉ số GDP bình quân đầu người năm 2023 ở các nền kinh tế phát triển có thể sẽ phục hồi được tới mức trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.
Trước đó, báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng chỉ ra rằng kinh tế toàn cầu sau giai đoạn phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 đang bắt đầu rơi vào tình trạng suy thoái rõ rệt trong bối cảnh các mối đe dọa mới từ các biến thể COVID-19 và sự gia tăng lạm phát, nợ và bất bình đẳng thu nhập.
Theo đó, tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ giảm sâu từ 5,5% năm 2021 xuống 4,1% năm 2022 và 3,2% vào năm 2023 khi các nhu cầu trước đây bị dồn nén giảm đi và các chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ sẽ thu hẹp lại trên toàn thế giới.
Báo cáo được WB công bố chỉ vài giờ sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về một làn sóng COVID-19 mới với biến thể Omicron có nguy cơ nhấn chìm các hệ thống y tế trên khắp châu Âu./.
Nguồn tin: ĐCSVN