Tăng trưởng giảm tốc ở các nền kinh tế lớn và lạm phát tăng tốc ở hầu hết các khu vực là hai gam màu chủ đạo cho bức tranh kinh tế toàn cầu trong hai năm tới. Mặc dù Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) tuyên bố quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới đang đi đúng hướng, số liệu của tổ chức này lại chỉ ra rằng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục đón nhận những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng nợ ở Châu Âu, khủng hoảng chính trị ở Trung Đông, khủng hoảng lương thực, biến động khó lường của giá dầu thô, và thảm họa động đất-sóng thần-hạt nhân ở Nhật Bản. Tăng trưởng giảm tốc ở các nền kinh tế lớn và lạm phát tăng tốc ở hầu hết các khu vực là hai gam màu chủ đạo cho bức tranh kinh tế toàn cầu trong hai năm tới. Trong chương I và chương II của Báo Cáo Triển Vọng Kinh Tế Toàn Cầu (World Economic Outlook-WEO), tài liệu quan trọng nhất trong năm của IMF về kinh tế thế giới trước thềm hội nghị thượng đỉnh mùa xuân của IMF sẽ diễn ra tại Washington vào tuần này, IMF cho biết quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu đang "dần hồi phục" mặc dù tỉ lệ thất nghiệp còn tương đối cao. Tuy vậy, số liệu từ chính hai chương được công bố đầu tiên của WEO lại chỉ ra rằng, kinh tế thế giới vẫn sẽ tiếp tục đón nhận những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng nợ ở Châu Âu, khủng hoảng chính trị ở Trung Đông, khủng hoảng lương thực, biến động khó lường của giá dầu thô, và thảm họa động đất-sóng thần-hạt nhân ở Nhật Bản. Số lao động thất nghiệp trên toàn cầu trong năm 2010 đạt mức 205 triệu người, tăng tới hơn 30 triệu người so với năm 2007. Tỉ lệ thất nghiệp giữ ở mức 8,5% ở các nền kinh tế phát triển, con số kỷ lục trong hàng chục năm qua. Ở các nền kinh tế mới nổi, tuy chỉ số này chỉ ở ngưỡng hơn 6%, vấn đề đáng lo ngại là số thanh niên thất nghiệp đang gia tăng. Thế giới phát triển: ảm đạm Những cú sốc liên tiếp từ thảm họa thiên nhiên, giá dầu thô, và sự lan rộng của khủng hoảng nợ đã khiến cho các quốc gia phát triển tiếp tục lao đao trong quá trình phục hồi kinh tế từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Nhật Bản là quốc gia có triển vọng kinh tế bi quan nhất, với mức tăng trưởng GDP giảm tới hơn một nửa trong năm nay, từ 3,9% trong năm 2010 xuống còn 1,4% (dự kiến) trong năm 2011. Tuy vậy, tác động từ tăng trưởng đầu tư và tiêu dùng sau thảm họa vừa qua sẽ kéo tăng trưởng GDP của quốc gia mặt trời mọc ngược trở lại mức 2,1% trong năm tới. Ở Mỹ, tăng trưởng kinh tế tiếp tục ổn định ở mức 2,8% trong 2011 và tăng nhẹ lên 2,9% trong 2012, cho thấy nền kinh tế số một thế giới này đang đi đúng hướng. Tuy vậy, chính quyền của Tổng thống Obama vẫn đang loay hoay trong việc giải quyết vấn đề thất nghiệp tăng cao, đặc biệt khi những thay đổi gần đây trong chính sách đầu tư công có thể sẽ gây tác động tiêu cực tới quá trình phục hồi của quốc gia này. Tình hình ở Mỹ và Nhật Bản, tuy vậy vẫn còn sáng sủa hơn rất nhiều so với "điểm đen" Châu Âu, đặc biệt là khu vực đồng tiền chung Euro. Tăng trưởng giữ nguyên, lạm phát vượt ngưỡng cho phép của Eurozone (2,3% so với mục tiêu dưới 2%), và tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục đứng ở mức cao nhất trong các nền kinh tế phát triển (9,9% trong 2011 và 9,8% trong 2012), hồi phục kinh tế đối với Châu Âu vẫn là một mục tiêu còn khá xa. Thêm vào đó, Eurozone sẽ tiếp tục phải chịu nhiều tác động kéo dài của cuộc khủng hoảng nợ ở các quốc gia thành viên, gần đây nhất là Bồ Đào Nha. Quốc gia này đã phải kêu gọi một khoản trợ cấp khẩn cấp lên tới 80 tỉ Euro nhằm đảm bảo cho hệ thống tài chính được an toàn. Và nếu virus khủng hoảng tiếp tục lan đến nước láng giềng Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ năm trong Eurozone, tình hình sẽ trở nên rất khó kiểm soát. Tuy vậy, IMF vẫn bày tỏ sự lạc quan rằng Eurozone đang đi đúng hướng và sẽ hồi phục trở lại trong trung hạn. Đặc biệt, IMF đề cao những nỗ lực gần đây của EU nhằm sửa chữa lại những lỗ hổng trong hệ thống tài chính ngân hàng của khối liên minh này, cho rằng đó là chìa khóa để EU vượt qua khủng hoảng và xây dựng lại một liên minh kinh tế mạnh và bền vững hơn. Châu Á dẫn đầu Trái ngược lại với thế giới phát triển, màu hồng đang phủ rộng trên khắp các nền kinh tế mới nổi ở Châu Á. Xuất khẩu tiếp tục được đẩy mạnh, nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng nhanh, và ở một số khu vực là sự gia tăng nhanh chóng trong tăng trưởng tín dụng, là những động lực chính giúp các nước Châu Á tiếp tục đi nhanh hơn các khu vực khác trong quá trình hồi phục kinh tế. Tuy vậy, mặt trái của sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở khu vực này là việc nền kinh tế phát triển quá nóng, thể hiện ở việc lạm phát đang trở thành mối lo lớn nhất cho chính quyền ở các nước Châu Á. Thêm vào đó, vấn đề mất cân bằng cán cân thanh toán vẫn chưa được giải quyết một cách rốt ráo, khiến cho các quốc gia này sẽ có thể phải gặp những rủi ro kinh tế lớn hơn trong trung và dài hạn. Hai đầu tàu kinh tế của cả Châu Á và thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục ganh đua nhau về thành tích tăng trưởng ấn tượng. Mặc dù đã có những tuyên bố "hạ nhiệt" nền kinh tế để phát triển một cách bền vững hơn, Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 9,6% trong năm 2011 và 9,5% trong năm 2012, con số cao nhất trong các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Ấn Độ theo sau ở mức khiêm tốn hơn là 8,2% và 7,8% trong hai năm 2011 và 2012. Khu vực ASEAN-5 (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, và Việt Nam) cũng nhận được những dự báo rất lạc quan. Cả khu vực nói chung sẽ tăng trưởng ở mức gần 6% trong hai năm tới, dẫn đầu bởi nền kinh tế lớn nhất khu vực Indonesia, nơi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh và đầu tư phục hồi sẽ giúp cho nền kinh tế tăng trưởng trung bình 6,5% trong hai năm 2011 và 2012. Mặc dù được dự báo có mức tăng trưởng kinh tế nhanh thứ hai trong khu vực (sau Indonesia) trong năm 2011, và dẫn đầu trong năm 2012 với mức 6,8%, thành tích này của Việt Nam sẽ bị che mờ bởi lạm phát tăng cao. Trong năm 2011, IMF dự báo chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam sẽ ở mức 13,5%, là quốc gia duy nhất có chỉ số này vượt qua ngưỡng hai con số trong số các quốc gia Châu Á được nghiên cứu. IMF dự báo lạm phát ở nước ta sẽ giảm xuống chỉ còn 6,7% trong năm 2012 nếu chính quyền tiếp tục có những biện pháp phù hợp. Bất ổn đe dọa phát triển kinh tế ở Châu Phi Theo dự báo của IMF, tăng trưởng sẽ tiếp tục được mở rộng ở những quốc gia Châu Phi nơi xuất khẩu dầu thô là nguồn thu nhập chính, do giá dầu thô đang tiếp tục tăng cao trên thị trường thế giới. Chi tiêu chính phủ được đẩy mạnh ở một số nước Tây Phi cũng sẽ là động lực cho nền kinh tế tiếp tục phát triển. Theo IMF, các nền kinh tế khu vực hạ Sahara (phía nam sa mạc Sahara) đã quay trở lại được ngưỡng trước khủng hoảng. Ngược lại, bất ổn chính trị, giá lương thực tăng cao, thất nghiệp lan rộng đang đe dọa sự phát triển kinh tế của khu vực Bắc Phi và Trung Đông. Quá trình phục hồi ở các quốc gia này sẽ phải đối mặt với một "môi trường thiếu ổn định". Kinh tế Ai Cập và Tunisia, hai trong số các quốc gia bị cuốn vào cơn lốc dân chủ vừa qua, sẽ chứng kiến một sự thụt lùi trong tăng trưởng kinh tế, giảm tới 4% và 1% tăng trưởng GDP theo thứ tự trong năm 2011.
Khủng hoảng nợ công ở châu Âu đang làm đau đầu các nhà đầu tư. Ảnh: Roarmag
Bất chấp các nguy cơ lạm phát, kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, Ảnh: Guardian
Nguồn: VEF.VN