Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế Trung Quốc có tăng trưởng quá nóng?

Với tốc độ tăng GDP 9,7% trong quý I/2011, Trung Quốc vẫn chưa chạm “vạch đỏ”, nhưng cũng làm dấy lên câu hỏi: “Liệu nền kinh tế này có đang tăng trưởng quá nóng?”

Chuyên gia Andy Rothman của Credit Lyonnais Securities Asia (CLSA) cho rằng tăng trưởng GDP quý I/2011 của Trung Quốc không nguy hiểm do thu nhập của người dân cũng đang tăng nhanh. Theo số liệu của CLSA, sau khi tăng gần 8% trong năm 2010, thu nhập của người dân (sau khi đã trừ yếu tố lạm phát) vẫn tăng tới 7,1% trong quý I/2011. Thậm chí, thu nhập ở khu vực nông thôn còn tăng tới 14,3%, sau khi đã tăng 11% trong năm ngoái.

Đầu tư tài sản cố định (FAI) ở Trung Quốc cũng đang rất cao. Trong quý I/2011, FAI tăng tới 25%. FAI được hỗ trợ bởi một thị trường bất động sản không chịu hạ nhiệt, bất chấp các biện pháp làm nguội của chính phủ. Doanh thu thị trường bất động sản tăng đều 15,8%/năm và số lượng các căn hộ thương mại xây mới tăng 19,5% trong tháng 3/2011. Tốc độ tăng này nằm trong tầm kiểm soát hơn nhiều so với đợt tăng hồi tháng 3/2010 sau làn sóng kích thích tăng trưởng.

Đã có nhiều ý kiến lo ngại về thị trường bất động sản ở các thành phố như Thượng Hải hay Bắc Kinh, nhưng ngân hàng UBS cho rằng sự trầm lắng trên thị trường bất động sản ở các đô thị cấp I không lấn át nổi sự sôi động ở các đô thị cấp II và cấp III. Điển hình là các thành phố như Thái Nguyên và Tây An ở Tây Bắc Trung Quốc, nơi có dân số vào khoảng 4-6 triệu người và nằm xa khu vực duyên hải đông đúc.

Các thành phố nằm sâu trong nội địa tiếp tục là một động lực thúc đẩy kinh tế Trung Quốc. Nhu cầu xây dựng hạ tầng cơ bản ở các thành phố này giúp doanh số bán các thiết bị xây dựng như máy nâng tăng 45% và máy xúc tăng 58% trong quý I/2011. Ngoài ra, việc chính phủ Trung Quốc có kế hoạch đầu tư tập trung phát triển nhà giá rẻ (khoảng 10 triệu căn hộ trong năm nay, chưa kể kế hoạch dở dang của năm trước) sẽ tạo thêm động lực mới cho làn sóng đầu tư vào tài sản cố định.

Nguy cơ lớn nhất đối với kinh tế Trung Quốc hiện nay vẫn là lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở nước này đã tăng 5,4% trong tháng 3/2011, mức cao nhất trong gần 3 năm qua. Rõ ràng đây là một nguy cơ cần phải đề phòng, nhưng vẫn chưa đến mức có thể cản trở tăng trưởng hoặc, quan trọng hơn, gây bất ổn xã hội. Chính phủ Trung Quốc đã và đang tìm mọi cách kiềm chế lạm phát. Mới đây, 24 hiệp hội thương mại ở Trung Quốc đã ra tuyên bố chung ủng hộ nỗ lực của chính phủ. Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng kêu gọi các quan chức địa phương ổn định giá các mặt hàng tiêu dùng và giá nhà đất.

Giá thực phẩm ở Trung Quốc tăng khoảng 11% trong tháng 3/2011, đóng góp 2/3 trong mức tăng chung của chỉ số CPI. Nếu loại trừ hai yếu tố thực phẩm và giá nhà, lạm phát rõ ràng là có thể khống chế. Tốc độ tăng giá thực phẩm bắt nguồn từ nhân tố bên ngoài và không phải là một triệu chứng của một nền kinh tế quá nóng. Hơn nữa, tốc độ tăng thu nhập như đã đề cập trên đây đã giải thích phần nào cơn bão giá thực phẩm. Ngoài ra, theo chuyên gia Rothman của công ty CLSA, hiện tại biểu đồ giá lương thực-thực phẩm đã hoặc đang chạm đỉnh.

Tốc độ tăng cung tiền ở Trung Quốc trong tháng 3/2011 là 16,6%, cao hơn tháng 2 nhưng lại thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này gần với mục tiêu của chính phủ, bởi nó tương đương với tốc độ tăng trưởng tín dụng thời kỳ trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính. Trung Quốc hiện vẫn còn khả năng giảm tăng trưởng tín dụng mà không ảnh hưởng tới mục tiêu GDP.

Để kiểm soát tín dụng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC – Ngân hàng Trung ương) đã tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại lần thứ tư trong năm nay, đưa tỷ lệ này lên mức cao kỷ lục 20,5%. Đây cũng là lần tăng thứ 10 kể từ đầu năm 2010. Quy định này đã làm chậm hoạt động cho vay của các ngân hàng, qua đó thắt chặt cung tiền. Trong bối cảnh cuộc chiến chống lạm phát ở Trung Quốc vẫn chưa thể chấm dứt, nhiều khả năng PBoC sẽ còn phải tiếp tục tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Hoạt động cho vay ngân hàng ở Trung Quốc đang giảm dần. Với 679 tỷ nhân dân tệ (CNY) được xuất ra trong tháng 3/2011, tổng dư nợ cho vay ngân hàng trong năm nay đạt 2.240 tỷ CNY. Mặc dù PboC không đặt ra mục tiêu chính thức, song thị trường cho rằng con số này sẽ vào khoảng 7.500 tỷ CNY trong năm nay.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của các khoản cho vay mới chắc chắn vẫn đang cao hơn mong muốn của PboC. Nhiều khả năng PboC sẽ dần dần siết chặt tín dụng vào cuối năm nay.

Việc thực thi các chính sách thắt chặt tiền tệ thắt chặt khác ở Trung Quốc có thể sẽ được hoàn tất vào giữa năm nay. Trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát, cung tiền trở lại mức tiền khủng hoảng và giá thực phẩm bắt đầu hạ nhiệt, dường như nỗ lực “hạ cánh mềm” của chính phủ Trung Quốc đang thành công.

Nguồn: Market Forecast

ĐỌC THÊM