Báo cáo có thể làm giật mình nhiều người vì nếu xét về tổng sản phẩm quốc nội, Trung Quốc còn thua Mỹ một khoảng rất xa. Hiện nay GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gần đạt 5.000 tỷ USD, trong khi tại Mỹ, con số này là 15.000 tỷ USD. Tuy nhiên, thực ra GDP chỉ là một trong số những công cụ để đo sức mạnh của một nền kinh tế. Trong báo cáo đưa ra ngày hôm qua, tổ chức Conference Board tính toán dựa trên một công cụ khác là sức mua tương đương (PPP). PPP so sánh các nền kinh tế thông qua sức mua, được điều chỉnh dựa trên giá cả tại từng nơi. Đây là thước đo thường được các chuyên gia kinh tế hàng đầu sử dụng khi họ muốn nhìn nền kinh tế trên một khía cạnh khác. Tính toán PPP được thực hiện trên giả định rằng các loại sản phẩm hàng hóa giống hệt nhau sẽ có mức giá chung ở các thị trường khác nhau. Trên thực tế, điều này là không có thực. Ví dụ muốn chuyến taxi tại Bắc Kinh rẻ hơn ở London tới một phần mười, dù cũng là một loại dịch vụ như nhau.
Conference Board cho rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2012. Ảnh: AFP.
Nếu tính trên giả định này, sức mua của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2012 và đến 2020, Trung Quốc chiếm 24,1% sức mua sản lượng toàn cầu, trong khi Mỹ chỉ chiếm 14,8%.
Còn nếu quay lại với cách tính toán bằng GDP, Trung Quốc sẽ mất hơn một thập kỷ mới đuổi kịp Mỹ, Conference Board cho biết, với điều kiện quốc gia châu Á vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao như hiện nay.
Cũng theo báo cáo hôm qua, trong thập kỷ tới, các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh gấp ba lần những nước đã phát triển. Ví dụ, vào năm 2020, các quốc gia đã phát triển chỉ đóng góp 1% điểm vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong khi khoảng 3,4% khác đến từ quốc gia mới nổi.
Dự báo cho 2011 của Conference Board cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ mở rộng 9,6%, so với mức 10% của 2010. Còn GDP của Mỹ chỉ đạt tăng trưởng 1,2% vào năm sau, so với 2,6% của năm nay.
Nguồn: Vnexpress