Cưỡi trên lưng cọp (Ảnh minh họa)
Báo điện tử “Kinh tế Trung Quốc” ngày 27/6 cho biết sự phụ thuộc vào nguồn dầu lửa nước ngoài của Trung Quốc hiên trên 60%, trong đó khoảng 80% nhập khẩu từ Trung Đông và Bắc Phi. Tình hình chính trị bất ổn ở hai khu vực này làm cho nguy cơ cung ứng dầu lửa ngày càng nghiêm trọng.
Tờ báo cho biết dân số Trung Quốc chiếm 21% dân số thế giới, nhưng trữ lượng than đã được xác định chỉ chiếm 11%, trữ lượng dầu mỏ chỉ chiếm 2,4%, khí đốt thiên nhiên chỉ chiếm 1,2%. Nguồn năng lượng tính bình quân đầu người của Trung Quốc chưa tới 50% bình quân của thế giới; bình quân dầu mỏ của Trung Quốc chỉ bằng 1/10 của bình quân thế giới.
Với sản lượng khai thác trong nước hàng năm từ 180 -200 triệu tấn dầu thô hiện nay, chỉ sau 14 năm nữa nguồn cung cấp dầu của Trung Quốc sẽ bị cạn kiệt nếu như không phát hiện thêm giếng dầu mới. Hiện Trung Quốc chủ yếu dựa vào nhập khẩu từ nước ngoài. Năm 2004, Trung Quốc nhập khẩu 122,7 triệu tấn dầu thô, năm 2008 tăng lên tới 136,6 triệu tấn, năm 2009 là 203,8 triệu tấn, năm 2010 tới 239 triệu tấn và 5 tháng đầu năm 2011 tới 106,5 triệu tấn. Tổ chức Năng lượng Thế giới IEA dự báo đến năm 2030, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc tăng thêm 75% và phải nhập khẩu trên 400 triệu tấn.
Đứng trước nguy cơ này, từ năm 2003, lãnh đạo Trung Quốc đã định ra “Chiến lược ngoại giao năng lượng” song song hai chiến lược khác là “Chiến lược ngoại giao nước lớn” và “Chiến lược ngoại giao láng giềng thân thiện”. Hợp tác dầu khí luôn là đề tài quan trọng của các chương trình hoạt động ngoại giao từ lãnh đạo cấp cao nhất tới các công ty. Báo chí Mỹ nhận xét ở đâu có nguồn năng lượng và nguyên liệu, là ở đó có sự hiện diện của lãnh đạo Trung Quốc.
Tình hình chính trị bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi vừa qua cùng với giá dầu lửa thế giới tăng cao đã giáng đòn mạnh mẽ vào phát triển kinh tế Trung Quốc. Các nhà kinh tế Trung Quốc dự tính chỉ cần giá một thùng dầu thô trên thị trường thế giới tăng 1 USD thì Trung Quốc hàng năm phải chi thêm tới 600 triệu USD. Giá dầu ở mức 120 USD/thùng làm CPI của Trung Quốc tăng thêm 1%. Giá dầu tăng cao là nhân tố quan trọng đẩy CPI tới trên 5% thời gian qua và làm quản lý kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn.
Hoạt động ngoại giao của Trung Quốc thời gian qua chủ yếu tập trung đẩy mạnh hợp tác năng lượng, nhất là dầu lửa. Trung Quốc đã ký kết nhiều văn bản hợp tác với các nước như Nga, Myanmar, Kazakhstan, Saudi Arabia, Libya, Brazil, Venezuela, Australia...
Tờ “Kinh tế Trung Quốc” cho biết Trung Quốc cam kết đầu tư tới trên 12 tỷ USD tới năm 2020 chủ yếu cho xây lắp bảo dưỡng đường ống dẫn dầu từ Siberia của Nga về Đại Khánh. Đổi lại trong thời gian 20 năm, Nga cung cấp 15 triệu tấn dầu thô, tiếp đó nâng lên 30 triệu tấn.
Tháng 6/2011, Trung Quốc đầu tư trên 2 tỉ USD cùng Myanmar lắp đường ống dẫn dầu về Trung Quốc. Dự kiến sau khi hoàn thành, Myanmar sẽ cung cấp cho Trung Quốc 22 triệu tấn dầu thô/năm.
Năm 2005, Tp đoàn dầu khí Trung Quốc (PetroChina) mua lại cổ phần của Công ty dầu khí Kazakhstan với giá 4,18 tỉ USD, hàng năm Kazakhstan sẽ cung cấp cho Trung Quốc 65 tỷ mét khối khí đốt.
Trung Quốc đã ký hợp đồng dầu lửa với Iraq, dự kiến 2 năm tới Iraq cung cấp cho Trung Quốc 2 triệu thùng dầu /năm.
Trung Quốc cũng ký hợp đồng với Venezuela trị giá 5 tỉ USD để khai thác ba giếng dầu từ năm 2006 tới năm 2012.
Tờ “Kinh tế Trung Quốc” dẫn phát biểu ngày 26/6 của Phó Tổng giám đốc PetroChina Liêu Vĩnh Viễn nói: “Nhập khẩu dầu lửa hiện nay dựa vào 4 nguồn chính, gồm các nước Trung Á, Nga, Myanmar và nguồn dầu lửa trên biển. Nhưng vẫn nhiều nguy cơ đe dọa tới an ninh dầu lửa”. Ông cho biết hợp tác năng lượng Trung-Nga nhiều năm qua không thuận buồm xuôi gió. Hai nước Nga và Nhật Bản luôn gây sức ép với Trung Quốc. Trong khi Nga không mấy mặn mà với chương trình hợp tác với Trung Quốc, thì lại rất sốt sắng hợp tác với Nhật. Sau động đất, Nga đã lập tức nâng cung cấp gấp hai lần dầu lửa cho Nhật, từ 9,1 triệu tấn năm 2010 lên 18 triệu tấn năm 2011, đồng thời chậm tiến trình cung cấp cho Trung Quốc.
Trung Quốc muốn đầu tư vào Canada 5,4 tỉ USD khai thác dầu khí, nhưng sau hơn một năm đàm phán, phía Canada đã từ chối. Năm 2005, Công ty dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) sẵn sàng chi 18,5 tỉ USD để mua lại cổ phần Công ty dầu lửa Unocal của Mỹ, giao dịch đang triển khai thuận lợi thì bị Quốc hội Mỹ ngăn chặn.
Tờ “Kinh tế Trung Quốc” còn cho biết an ninh dầu lửa còn bị đe dọa bởi con đường vận chuyển đơn nhất: hiện hơn 90% dầu lửa nhập khẩu vận chuyển qua eo biển Malaccca. Một khi có chiến tranh hoặc biến động chính trị trong quan hệ Trung-Mỹ, việc chuyên chở có thể bị ách tắc, đẩy Trung Quốc vào thế bị động. Tình hình chính trị ở các khu vực cung cấp dầu lửa cũng không ổn định, nhất là Trung Đông, Bắc Phi và Trung Á, Mỹ Latinh.
Bởi vậy Trung Quốc đã tăng cường lập các kho dự trữ chiến lược, dự kiến tới năm 2012 dự trữ chiến lược tới 37,53 triệu tấn.
Tờ báo đánh giá “an ninh dầu lửa” rõ ràng là nguy cơ luôn rình rập kinh tế Trung Quốc, giống như việc “cưỡi trên lưng cọp”./.
Nguồn tin: Tamnhin.net