Một người công nhân ở phía trước tòa nhà lớn bao phủ trong lớp sương khói ở Bắc Kinh năm 2009. Ảnh: AP.
Những năm 2000 được ghi nhận là một trong những thời kỳ nóng nhất, nhưng có nhiều giai đoạn nhiệt độ không tăng. Nguyên nhân theo các nhà khoa học Mỹ là do lưu huỳnh thải ra từ việc đốt than gia tăng mạnh tại Trung Quốc.
Các hạt lưu huỳnh trong không khí làm chệch hướng các tia mặt trời, nên tạm thời hạ nhiệt độ trên trái đất. Việc đốt than cũng giải phóng carbon dioxide, gây nên hiện tượng ấm lên toàn cầu.
AP trích dẫn lời ông Robert K. Kaufmann, trường Đại học Boston, tác giả chính của nghiên cứu công bố trong kỷ yếu của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ, cho biết các nghiên cứu lâu nay thường chỉ tập trung vào tác động làm ấm trái đất của CO2, mà không biết rằng, lượng lưu huỳnh khổng lồ thải ra trong quá trình phát triển nền kinh tế của Trung Quốc đã tạo nên hiệu ứng làm mát.
Nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng, lưu huỳnh chỉ tồn tại trong khí quyển một thời gian ngắn, nên hiệu ứng làm mát chỉ là tạm thời, trong khi CO2 từ đốt than có thể tồn tại trong thời gian dài.
Từ kết quả trên, một số nhà khoa học nghĩ tới việc dùng lưu huỳnh để làm mát hành tinh bằng cách đưa hỗn hợp lưu huỳnh lên khí quyển làm tăng các đám mây và sương mù phản chiếu ánh sáng mặt trời.
Một số nhà khoa học phản bác lại ý tưởng này, vì họ cho rằng, nếu sử dụng lưu huỳnh để làm dịu nhiệt độ trái đất có thể làm hỏng tầng ozone của Bắc Cực và làm chậm quá trình tự vá lỗ hổng tầng ozone ở khu vực Nam Cực tới 70 năm.
Nguồn tin: Vnexpress