Trả lời phỏng vấn của Tân Hoa Xã, chuyên gia kinh tế cao cấp của ngân hàng SEB (Thụy Điển) Klas Eklund nhận định kinh tế Trung Quốc sẽ "hạ cánh nhẹ nhàng" mặc dù phải đối phó với tỷ lệ lạm phát cao như hiện nay.
Theo chuyên gia Eklund, lạm phát ở Trung Quốc chỉ là vấn đề ngắn hạn, vì nguyên nhân chủ yếu dẫn tới lạm phát là giá thực phẩm tăng song bắt đầu giảm trong mùa Xuân và mùa Hè. Hơn nữa, chính phủ Trung Quốc đang thắt chặt kiểm soát giá nhà đất và kết quả là giá bất động sản đang giảm.
Ông Eklund bác bỏ quan điểm cho cho rằng chính sách nới lỏng định lượng của Mỹ trực tiếp tác động đến lạm phát ở Trung Quốc. Theo ông, chính sách này chỉ có thể gián tiếp "hỗ trợ" lạm phát mà thôi. Theo thống kê mới công bố, lạm phát tại Trung Quốc trong tháng 4/2011 đã dịu xuống còn 5,3%. Đặc biệt, lạm phát giá thực phẩm đã giảm từ mức 11,7% của tháng 3/2011 xuống 11,2% trong tháng 4/2011. Ông Eklund nhận định về dài hạn, vấn đề lớn mà kinh tế Trung Quốc phải đối mặt là tăng trưởng tín dụng và mở rộng tiền tệ - những chính sách đã được "kích hoạt" hai năm trước nhằm ổn định kinh tế.
Khi được hỏi về việc liệu gói hỗ trợ ổn định kinh tế của Trung Quốc có cần thiết hay không, ông Eklund cho rằng gói hỗ trợ này đã mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế thế giới. Trung Quốc là cường quốc kinh tế lớn vẫn duy trì được sức tăng trưởng trong giai đoạn khủng hoảng tài chính và điều này đã thực sự hỗ trợ cho kinh tế toàn cầu. Ông Eklund nhận định việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nâng lãi suất là đúng thời điểm. Theo ông, cách đây 2 năm, do khủng hoảng tài chính, nhiều chính phủ đã tung ra các gói kích thích kinh tế. Nhưng nay, khi kinh tế thế giới đang hồi phục, các nước phải rút lại chính sách này và nâng lãi suất. Kể từ tháng 10/2010, Trung Quốc đã 4 lần nâng lãi suất và 7 lần nâng mức dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại.
Theo ông Klund, về ngắn hạn, nếu Trung Quốc tăng lương sẽ có rủi ro lạm phát. Nhưng trong dài hạn, đây là việc nên làm vì Trung Quốc cần nâng mức độ tiêu thụ, vốn là một phần rất quan trọng trong việc thay đổi chiến lược kinh tế trong khuôn khổ kế hoạch 5 năm lần thứ 12.
Trong khi đó, thương mại của Trung Quốc trong tháng Tư vừa qua lại thặng dư mạnh do xuất khẩu cao kỷ lục, giữa lúc hoạt động nhập khẩu không náo nhiệt như dự kiến. Cụ thể, thặng dư thương mại của Trung Quốc tháng 4/2011 đạt 11,4 tỷ USD, cao gần gấp bốn lần con số dự kiến. Đặc biệt, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ tăng 16% lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2010.
Nguồn: Reuters, THX