Kinh tế thế giới đang phát triển chậm dần tuy nhiên đối với các nền kinh tế lớn nhất thế giới, đặc biệt là Trung Quốc thì đó không phải là tin xấu mà ngược lại có thể đó là tin tốt.
Trong khoảng một, hai năm qua, những nền kinh tế lớn nhất đã trải qua sự phục hồi với các tốc độ nhanh khác nhau. Sự hồi phục này tương tự như tình trạng giao thông muôn vẻ của các nước thế giới thứ ba với ôtô, xe máy, xe đạp cùng đi trên đường với vận tốc khác biệt.
Nhưng trong một, hai tháng qua điều đó đã khác nhiều và được phản ánh trong giá hàng hóa nói chung, bị giảm tới 8,6% kể từ tháng 2/2011, theo chỉ số hàng hóa do tờ Thời báo Kinh tế tính toán. Nó cũng được phản ánh trong hoạt động sản xuất của Mỹ. Đơn hàng mới cho các mặt hàng như động cơ, ôtô đã giảm 3,6% trong tháng 4/2011. Sự phục hồi của Mỹ dựa nhiều vào các đợt bơm tài chính theo giải pháp của chính sách nới lỏng tiền tệ. Tuy nhiên chính phủ liên bang sẽ phải kết thúc hoạt động này vì Quốc hội đã ra những hạn chế về khoản nợ vào đầu tháng 8/2010. Bất kỳ chương trình nào vượt quá giới hạn này sẽ bị yêu cầu cắt giảm chi tiêu.
Triển vọng về sự tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung Eur Châu Âu nhằm thoát ra rắc rối đang ngày một xa vời. Điều đó phản ánh trong chỉ số kinh tế của khu vực Châu Âu đã giảm từ 57,8 điểm tháng 4/2011 xuống còn 55,4 điểm trong tháng 5/2011. Trong lĩnh vực dịch vụ, chủ nghĩa bi quan cũng xuất hiện với quan điểm cho rằng thời gian tới sẽ giống giai đoạn giữa năm 2009, trước khi đến lúc kinh tế Châu Âu chứng kiến tiếp sự phục hồi với tốc độ khác nhau.
Tuy nhiên sự suy giảm lớn nhất không phải đến từ Châu Âu, mà từ Trung Quốc. Ngân hàng HSBC ước tính sản lượng hàng hóa làm ra của Trung Quốc giảm 5,1%, chứng tỏ một sự tăng trưởng chậm dần trong lĩnh vực công nghiệp vào tháng 4/2011. Những thông tin đó đã tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán toàn cầu. Chỉ trong một ngày sàn chứng khoán Thượng Hải đã mất đi số điểm giành được trong cả năm.
Thế nhưng, giới lãnh đạo Trung Quốc đón nhận những thông tin này một cách tích cực vì sau hai quý phát triển kinh tế quá nóng với dấu hiệu không bền vững và gây ra các lo lắng về nạn lạm phát, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiềm chế tốc độ phát triển quá cao của kinh tế trong nước đồng thời giữ mức lạm phát đang ở con số 5,3% như tái cấu trúc các khoản cho vay.
Nguồn tin: DDDN