Bẫy thu nhập trung bình là gì?
Bẫy thu nhập trung bình là khái niệm chỉ tình trạng một quốc gia thoát nghèo, gia nhập vào nhóm nước có thu nhập trung bình nhưng mất nhiều thập kỷ vẫn không trở thành quốc gia phát triển.
Các nền kinh tế thế giới được phân loại dựa trên mức thu nhập bình quân đầu người. Theo cách tính của Ngân hàng Thế giới (World Bank), những nước có thu nhập bình quân đầu người hằng năm từ 995 USD trở xuống được xếp vào nhóm nước thu nhập thấp (low income). Tiếp theo là nhóm các nước thu nhập trung bình thấp (lower middle income), có thu nhập bình quân đầu người trong dải 996-3.945 USD một năm. Nhóm các nước thu nhập trung bình cao (upper middle income) có thu nhập bình quân đầu người trong khoảng 3.946-12.195 USD một năm. Và nhóm nước thu nhập cao (high income), có thu nhập bình quân đầu người trên 12.196 USD một năm.
Thực tế, có nhiều nền kinh tế ở châu Á từ nghèo chuyển thành có thu nhập trung bình nhưng có rất ít trong số đó vượt lên như trường hợp của Đài Loan và Hàn Quốc, còn lại một loạt nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines loanh quanh không thể vượt lên được. Khó khăn đến mức mà một nhà kinh tế người Nhật gọi bẫy thu nhập trung bình là cái trần thủy tinh của các nước ASEAN (Kenichi Ohno, 2010).
Về mặt lý thuyết nguyên nhân sập bẫy là do phương thức sản xuất của hai pha kinh tế khác nhau. Đối với các nước nghèo thì GDP gia tăng tỷ lệ với khả năng giải quyết việc làm cho người dân; chất lượng lao động gần như không phải là sự quan tâm hàng đầu. Ngược lại đối với các quốc gia phát triển thì chất lượng lao động lại là yếu tố quan trọng sống còn.
Trên thực tế nguyên nhân của tình trạng vướng vào bẫy trung bình được mô tả như là sự suy giảm hiệu quả vốn đầu tư sau quá trình kích thích tăng trưởng; tiếp tục tình trạng của một nền kinh tế gia công (nền kinh tế trong nước không đủ sức tạo ra giá trị gia tăng mới để tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu; sự thống trị của các hãng mang thương hiệu nước ngoài); sự phân hóa thu nhập dẫn đến phân cực và bất ổn.
Trung Quốc có sập bẫy thu nhập trung bình?
Trung Quốc đã duy trì được đà phát triển mạnh mẽ nhờ vào việc thực hiện triệt để sách lược "tư bản nhà nước", kết hợp với việc thi hành các chính sách "mở cửa và cải tổ". Về bản chất đây là sự phân chia nền kinh tế thành hai tầng, tầng Vĩ mô hoạt động dựa vào việc kế hoạch hóa đồng bộ, và phần Vi mô dựa trên các nguyên lý cạnh tranh của thị trường tự do.
Các dữ liệu cho thấy GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đã tăng từ 155 USD vào năm 1978 đến hơn 4.000 USD năm 2010.
Việc phát triển nhanh luôn đi kèm với những hệ quả như chênh lệch thu nhập ngày càng gia tăng, nhu cầu nội địa yếu và chi phí môi trường cao. Ông Wang Jun - một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc (nơi cố vấn các chính sách kinh tế cho chính phủ) - nói rằng chìa khóa để tránh được “cái bẫy thu nhập trung bình” là đẩy nhanh quá trình chuyển dịch của nền kinh tế Trung Quốc theo mô hình bền vững hơn.
Sự phát triển của kinh tế Trung Quốc phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu và đầu tư, đặc biệt là đầu tư công. Trong khi đó, nhu cầu nội địa lại rất yếu. Ông Wang nói: “Vì sự chênh lệch trong tiêu dùng nội địa, nên khu vực dịch vụ của chúng tôi yếu hơn rất nhiều so với các nước phát triển”. Ông gợi ý để chống lại cái bẫy này, chính phủ nên nâng cao thu nhập cho người dân và cải thiện an ninh xã hội để thúc đẩy nhu cầu nội địa, trong khi vẫn phải đảm bảo phát triển kinh tế nhanh theo hướng bền vững.
Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc sẽ thông qua Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 được tổ chức hồi tháng 3 nhấn mạnh, chính quyền trung ương sẽ tập trung vào thành lập cơ chế để tăng nhu cầu nội địa, sẽ chuyển hướng nỗ lực của chính phủ từ việc tạo ra tăng trưởng sang cải thiện đời sống của người dân. Thông điệp đã thể hiện rõ trong bài phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc mới đây.
Tuy nhiên, đã quá nhiều lần, quan chức kinh tế Trung Quốc không ngừng nói đến tăng tiêu dùng, tỷ lệ đóng góp của tiêu dùng vào nền kinh tế đã giảm từ mức cao lịch sử 60% xuống khoảng 36% hiện nay. Kế hoạch thoát khỏi khủng hoảng toàn cầu của chính phủ Trung Quốc, được đưa ra vào tháng 7 và tháng 11/2008, đã làm giảm chi tiêu vào các cửa hàng. Chính phủ Trung Quốc đặt trọng tâm xây dựng hạ tầng và công nghiệp, xét theo đúng định nghĩa của nó, làm giảm tiêu dùng.
Hơn thế nữa, việc chính phủ Trung Quốc đặt mạnh phát triển xuất khẩu thông qua giữ giá đồng nhân dân tệ ở mức thấp đã khiến tiêu dùng người dân khó tăng. Như vậy, Trung Quốc khó có thể thoát được cái bẫy thu nhập trung bình.
Cần làm gì?
Quá trình phát triển từ thu nhập thấp đến thu nhập trung bình, bản thân nó cũng ngầm chứa nhiều yếu tố là nguyên nhân để một nước rơi vào bẫy trung bình. Đó là sự hủy hoại môi trường sống phải mất nhiều nguồn lực và thời gian khắc phục (có yếu tố vĩnh viễn không phục hồi được), sự thay đổi môi trường xã hội (kết cấu văn hóa, kết cấu xã hội biến đổi trong thời gian quá ngắn) dễ tạo ra những xung đột; sự tự tin thái quá của các tầng lớp dẫn dắt đến thành công, tâm lý đòi tưởng thưởng công trạng biểu hiện ở nhu cầu hưởng thụ sớm.
Nghiên cứu quá trình phát triển của Hàn Quốc, Đài Loan với nền kinh tế ASEAN bị mắc vào bẫy trung bình, nhà nghiên cứu kinh tế người Nhật Kenichi Ohno cho rằng các nền kinh tế phụ thuộc vào luồng vốn FDI bên ngoài, phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên thì trước sau cũng bị sa lầy. Để tránh tình trạng trên các nền kinh tế cần nỗ lực để tạo ra giá trị vốn con người, tính siêng năng, kỷ luật và sáng tạo.
Tóm lại, hai điểm mấu chốt để phá vỡ bẫy thu nhập trung bình này, theo một số khuyến nghị là: hoạch định chính sách tốt ở khu vực công và, có khu vực tư nhân năng động. Các nhà hoạch định chính sách, công chức, viên chức làm việc ở khu vực công phải là những người tận tâm, có tầm nhìn và có kỹ năng quản trị đất nước. Tận tâm là yếu tố quan trọng bậc nhất, nó vẫn phải là phẩm chất cốt lõi khi nước ta đã bước vào nước có thu nhập trung bình.
Bẫy thu nhập trung bình là một khái niệm tương đối, thay đổi theo thời gian. Đó không phải là trần định mệnh không thể vượt qua. Ở tất cả các giai đoạn phát triển đều có những khó khăn khác nhau. Vượt qua được hay không phụ thuộc vào thể chế chính trị của mỗi quốc gia và sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, năng lực phối hợp giữa hai khu vực trong tầm nhìn và quyết định chính sách.
- Bản tin VIP
- Monthly: Tổng hợp thép thế giới
- Daily:Tin thế giới
- Dailly: Bản tin dự báo hàng ngày
- Weekly:Dự báo xu hướng thép Thế giới
- Weekly:Dự báo xu hướng thép TQ
- Dailly:Giá Trung Quốc
- Weekly: Tổng hợp tin tức tuần
- Weekly:Bản tin thép xây dựng
- Dailly:Giá chào xuất nhập khẩu
- Daily:Giá thế giới
- Dailly:Hàng cập cảng
- Weekly:Thị trường thép Việt Nam
- Daily:Điểm tin trong ngày
- Monthly:Tổng hợp thị trường thép TQ
- Tin Tức
- Kinh Doanh
- Kinh tế
- Chuyên ngành thép
- Danh bạ DN