Ngay cả với tăng trưởng quý 1 ở mức 9,7%, nỗi lo về sự suy giảm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã bắt đầu rõ rệt, khi chính phủ Trung Quốc chuyển từ chính sách kích thích sang giảm phát nền kinh tế.
Chi phí sản xuất tăng cao, trong khi đó, cho vay trở nên khó khăn hơn khi chính phủ Trung Quốc không ngừng nâng lãi suất và tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng trong bối cảnh lạm phát cao.
Chỉ số quản lý sản xuất (PMI) của Trung Quốc, biện pháp quan trọng phản ánh triển vọng tăng trưởng công nghiệp, đã giảm xuống còn 52,9% trong tháng Tư, giảm từ 53,4% trong tháng Ba.
Giá trị sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 13,4% trong tháng 4, giảm 1 điểm % so với tháng trước đó.
JPMorgan Chase cho rằng, các dữ liệu cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc đang có khả năng suy giảm.
Tuy nhiên, ông Fan Jianping, nhà kinh tế trưởng tại Trung tâm Thông tin Nhà nước Trung Quốc khẳng định, kinh tế Trung Quốc không thể suy giảm.
Ông cho biết, tình hình kinh tế Trung Quốc không giống như tình hình kinh tế của Mỹ sau cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2008 mà đó là kết quả của việc điều chỉnh kinh tế vĩ mô.
Tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm xuống còn 6,7% trong quý đầu năm 2009, bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu làm giảm nhu cầu xuất khẩu của Trung Quốc.
Ông Peng Wenshen, nhà kinh tế trưởng của Tập đoàn Vốn Quốc tế Trung Quốc nói: “Một sự suy thoái mạnh sẽ không lặp lại tại thời điểm này, khi nền kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi và nhu cầu bên ngoài hiện ở mức cao.”
Ông dự đoán, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm xuống 8,4% trong quý 4 năm nay. Tuy nhiên, không thể gọi đó là sự suy giảm.
Ông Lian Ping, nhà kinh tế trưởng của Bank of Communications cho rằng, tăng trưởng mạnh mẽ trong đầu tư tài sản cố định và thặng dư thương mại sẽ giúp kinh tế Trung Quốc không thể suy giảm. Ông ước tính, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng gần 10% trong quý 2 năm nay.
Lo ngại về khả năng suy giảm khiến thị trường chứng khoán của Trung Quốc giảm gần 3% vào hôm 23/5, sau khi HSBC công bố chỉ số quản lý sản xuất (PMI) của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 10 tháng là 51,1% trong tháng 5.
Ông Qu Hongbin, nhà kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc của HSBC cho biết, các dữ liệu về PMI mà HSBC đưa ra phù hợp với tăng trưởng sản lượng công nghiệp và GDP của Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, ưu tiên hàng đầu của nền kinh tế Trung Quốc là đối phó với lạm phát.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc ở mức 5,3% trong tháng Tư, giảm nhẹ so với mức 5,4% vào tháng Ba.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại 5 lần trong năm nay và tăng lãi suất 4 lần kể từ tháng 10 năm ngoái. Các nhà phân tích dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong tháng 6.
Ông Zhang Yansheng, nhà nghiên cứu thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho rằng, áp lực lạm phát sẽ vẫn duy trì tại Trung Quốc trong một thời gian và các doanh nghiệp cần chuẩn bị cho điều này.
Ông nhấn mạnh, suy giảm kinh tế là điều kiện cần thiết để kiềm chế giá tiêu dùng và cũng có thể giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đang tiến hành các bước để thay đổi mô hình tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc dựa vào đổi mới và nhu cầu trong nước.
Ông cho rằng, mặc dù suy thoái hiện vẫn trong tầm kiểm soát, song Trung Quốc cần xem xét các chính sách vĩ mô để tránh một cuộc suy thoái thực sự.
Nguồn tin: stockbiz