Theo Chỉ số Động lực Kinh tế của các nước châu Á đang phát triển do hãng tin tài chính Bloomberg công bố, Trung Quốc đứng đầu trong số 22 nền kinh tế châu Á mới nổi về khả năng duy trì tăng trưởng ổn định và nhanh chóng trong vòng 5 năm tới.
Trung Quốc đứng đầu với số điểm là 76,2% trong bảng xếp hạng 16 lĩnh vực gồm cạnh tranh kinh tế, trình độ giáo dục, di cư đô thị, xuất khẩu công nghệ cao và lạm phát, những yếu tố phản ánh khả năng của một nước trong việc tiếp tục có tăng trưởng cao. Ấn Độ đứng thứ hai với 64,1% và Việt Nam 61,9%.
Chỉ số trên cho thấy đà phát triển kinh tế của Trung Quốc, Ấn Độ sẽ còn kéo dài và có khả năng tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong khi nền kinh tế Mỹ, châu Âu và Nhật Bản có dấu hiệu trì trệ. GDP của 3 nước châu Á đứng đầu bảng xếp hạng mở rộng trung bình ít nhất 5,4% trong cả hai năm 2008 – 2009, trong khi Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) và Nhật Bản rơi vào suy thoái.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm nay, khu vực eurozone là 2% và Nhật Bản giảm xuống còn 0,9%.
Ông Dariusz Kowalczyk, nhà kinh tế cấp cao của Credit Agricole CIB tại Hong Kong cho biết: “Trung Quốc có một kỷ lục đã được chứng minh, vì họ đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong một thời gian dài. Đặc biệt, chính phủ Trung Quốc đã “thể hiện khả năng thoát khỏi cuộc khủng hoảng toàn cầu.”
Trong 30 năm qua, nền kinh tế Trung Quốc đã mở rộng trung bình 10% một năm nhờ kết quả hoạt động của các công ty nhà nước và cho phép đầu tư nước ngoài nhiều hơn. Trong số các nền kinh tế có GDP hàng năm trên mức 1.000 tỷ USD, Ấn Độ là nước có tốc độ tăng trưởng cao thứ 2, chỉ sau Trung Quốc và mở rộng 8,2% trong quý cuối cùng của năm ngoái.
Tuy nhiên, thành tích kinh tế của các quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng trên không phản ánh được hoạt động của thị trường chứng khoán trong 12 tháng qua.
Giáo sư nghiên cứu hệ thống tài chính Trung Quốc Victor Shih tại Đại học Northwestern cho rằng, các chỉ số xếp hạng của Bloomberg có thể phóng đại thứ hạng của Trung Quốc so với Ấn Độ và các nước khác, một phần do các số liệu chính thức không phản ánh đúng mức nợ của nước này.
Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với cú sốc kinh tế tác động tới tăng trưởng của nước này. Hồi tháng 3, cơ quan xếp hạng hàng đầu thế giới Fitch cho biết, Trung Quốc 60% sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ngân hàng vào giữa năm 2013 do hậu quả từ việc cho vay kỷ lục và giá bất động sản tăng cao.
Trong số 16 lĩnh vực xếp hạng có bốn lĩnh vực quan trọng là tính cạnh tranh của cấu trúc thị trường; chất lượng của lực lượng lao động bao gồm trình độ học vấn và độ tuổi của lực lượng lao động; tổng ngạch tiết kiệm quốc dân so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và mức tăng trưởng hàng hóa công nghệ cao.
Nguồn tin: Vitinfo