Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế Trung Quốc: Tăng trưởng càng cao, lo ngại càng nhiều

Trung Quốc ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Và người khổng lồ Đông Á đang trỗi dậy này là cú hích cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Do vậy, khi kinh tế nước này bất ổn, cả thế giới cùng lo ngại, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều nước đang đứng trước nguy cơ bong bóng bất động sản, lạm phát...

Ở mọi quốc gia, tăng trưởng kinh tế cao là ước muốn của cả chính quyền và người dân, nhưng ở Trung Quốc thì ngược lại. Tăng trưởng kinh tế sáu tháng đầu năm 2011 đạt mức 9,6%/năm là một điều đáng lo ngại, cho thấy chính quyền Bắc Kinh đã mất khả năng hãm phanh con tàu kinh tế đang lao đi quá nhanh. Và theo quy luật, khi kinh tế tăng trưởng quá nóng, chẳng chóng thì chầy nó sẽ vỡ tung.

Bong bóng bất động sản

Theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, nền kinh tế hiện nay của Trung Quốc đang bị mất cân đối nghiêm trọng, tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư sản xuất công nghiệp. Sản lượng công nghiệp tháng 6 tăng hơn 15,1% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức 13,3% của tháng 5.
Mức tăng trưởng phi mã này lại chủ yếu dựa vào các khoản đầu tư bất động sản. Trong 6 tháng đầu năm nay, đầu tư vào bất động sản Trung Quốc lên tới 2.625 tỉ nhân dân tệ (NDT), tương đương 405 tỉ đô la Mỹ, tăng 32,9% so với cùng kì năm 2010. Trái hẳn với giá bất động sản trên toàn thế giới đang lao dốc thảm hại, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu, giá nhà đất ở Trung Quốc vẫn tăng không ngừng.

Với việc bơm khoảng 2.700 tỉ đô la Mỹ vào nền kinh tế kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và hơn 1.100 tỉ đô la Mỹ từ tín dụng của các ngân hàng, Trung Quốc đã làm cho ngành bất động sản của nước này phát triển chưa từng có trong lịch sử thế giới. Mặc dù Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã năm lần nâng lãi suất cơ bản kể từ cuối năm 2010 đến nay, đồng thời thực hiện hàng loạt biện pháp hành chính về quyền sở hữu nhà ở, nhưng tình trạng đầu cơ bất động sản vẫn không giảm. Ngoài những công ty tài phiệt bất động sản và môi giới lũng đoạn thị trường thì người dân nước này cũng lao vào vòng xoáy đầu tư với tâm lý đầu tư nhà đất là kênh an toàn trong thời kỳ lạm phát và giá nhà chỉ có tăng chứ không có giảm do dân số ngày càng đông.

Tuy nhiên, tình trạng xây dựng tràn lan các cao ốc, các khu đô thị và trung tâm thương mại mới mà ít người sử dụng đã gây lãng phí nghiêm trọng. Nhiều thành phố sầm uất vắng bóng người như những thành phố ma. Trong khi đó, giá nhà bị đẩy lên cao làm đại đa số người dân nước này không có khả năng mua nhà, thậm chí là thuê cũng không được. Mặc dù chính quyền cam kết xây dựng khoảng 10 triệu căn hộ cho người có thu nhập thấp nhưng trong năm nay nhưng ước tính chỉ xây dựng được khoảng 4 triệu căn do thiếu ngân sách.

Lãng phí xây dựng và nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng

Ngay cả các chính quyền địa phương cũng mạnh tay vay mượn để phát triển cơ sở hạ tầng và kiếm lời từ bất động sản bùng nổ. Một thống kê mới đây của Cơ quan kiểm toán quốc gia Trung Quốc đã rung tiếng chuông cảnh báo rằng, chính quyền các tỉnh ở nước này đang nợ lên tới 1.650 tỉ đô la Mỹ (10.700 tỉ NDT), tương đương khoảng 27% GDP của nước này trong năm 2010.

Tuy nhiên, hãng Moody’s của Mỹ mới đây tiết lộ rằng nợ của các chính quyền địa phương có thể lên đến 14.200 tỉ NDT, trong đó các khoản vay khó có khả năng thanh toán (nợ xấu) là 460 tỉ đô la Mỹ. Trong thời gian tới, khi Chính phủ Trung Quốc thắt chặt tiền tệ và làm hạ nhiệt bất động sản thì nợ xấu càng tăng lên và có thể gây đổ vỡ ở chính quyền địa phương cũng như trong hệ thống ngân hàng nước này.

Doanh nghiệp lao đao

Khi Chính phủ Trung Quốc tăng lãi suất để hạ nhiệt thị trường bất động sản thì hiệu ứng phụ của nó đã làm cho nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc phải thu hẹp hoạt động, thậm chí phải đóng cửa.

Hồi trung tuần tháng 7, nhà máy sản xuất đồ chơi Soyea Toys ở khu chế xuất Đông Hoản tỉnh Quảng Đông đóng cửa đã tạo ra một cú sốc với nhiều người. Soyea Toys chuyên sản xuất đồ chơi để xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu, tuy nhiên trong thời gian gần đây hãng này đã gặp rất nhiều khó khăn do chi phí nhân công, nguyên liệu đầu vào và lãi suất vay đều tăng mạnh đẩy giá thành lên cao, xuất khẩu giảm sút và buộc nhà máy phải đóng cửa.

Cách đó không lâu, Nhà máy Dệt Dingjia cũng ở Đông Hoản cũng phải đóng cửa, 2.000 công nhân mất việc làm. Tồi tệ hơn là cả chủ doanh nghiệp của Dingjia và Soyea Toys đều bỏ trốn, để lại khoản nợ lương công nhân và nhà cung cấp nguyên liệu hàng triệu đô la Mỹ. Sau khi sự việc xảy ra, hàng trăm công nhân của Soyea Toys đã tụ tập trước trụ sở của chính quyền địa phương để biểu tình đòi các nhà chức trách can thiệp.

Các chuyên gia lo ngại, các vụ phá sản nói trên, sẽ mở đầu cho làn sóng phá sản hàng loạt nhà máy giống như năm 2008 khi cuộc khủng hoảng kinh tế lên đến đỉnh điểm. Năm đó, đã có hơn 20 triệu công nhân ở các khu chế xuất mất việc làm. Theo ông Chen Yaohua, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Đông Hoản, thì hiện có khoảng 10% các nhà sản xuất ở thành phố này đang gặp khó khăn về tài chính và con số này có thể sẽ còn tăng thêm do việc xuất khẩu đình đốn cộng với tình trạng lương tối thiếu tăng cao.

Những khó khăn của Trung Quốc càng lộ rõ sau khi Ngân hàng HSBC công bố chỉ số tổng hợp về tình hình sản xuất (PMI) trong tháng 6 đã giảm xuống 48,9 điểm, mức thấp nhất kể từ 28 tháng qua. (Mức PMI trên 50 điểm là sản xuất công nghiệp có tăng trưởng, dưới 50 điểm là suy giảm).

Một cuộc khảo sát gần đây của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc tiến hành tại 17 tỉnh thành cho thấy, tình hình khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước này đã vượt quá năm 2008. Vấn đề của họ là khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng do chính sách hạn chế cho vay tiền hoặc họ phải vay “nóng” với lãi suất lên tới 20-30%, thậm chí vay tiền ở chợ đen với lãi suất lên tới 50%/năm. Cuộc khủng hoảng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nơi cung cấp việc làm cho đa số lao động ở Trung Quốc, là một dấu hiệu mới về sự khó khăn mà Bắc Kinh đang phải đối mặt.

Để giải quyết vấn đề này, Trung Quốc đã nâng mức lương cơ bản. Tuy nhiên, mức lương mới chẳng những không theo kịp tốc độ lạm phát mà còn làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Điều đó dẫn tới hệ quả là các công ty đa quốc gia gần đây đã từ chối mua hàng do các doanh nghiệp Trung Quốc gia công vì giá tăng quá nhanh, nhiều công ty phải chuyển bớt cơ sở về tỉnh lẻ, thậm chí là chuyển cơ sở sang Việt Nam, và Camphuchia, nơi có giá nhân công thấp hơn.

Lạm phát leo thang và mất tầm kiểm soát

Tình trạng kinh tế tăng trưởng quá nóng đã góp phần làm tăng lạm phát ở Trung Quốc. Trong tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,4%, và tháng 7 là 6,5%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2009, trong khi đó giá lương thực tăng tới 14,1%. Lạm phát leo thang đang gây bất mãn trong tầng lớp công nhân ở thành phố và người lao động ở nông thôn. Chính vì vậy mà có rất nhiều cuộc biểu tình xảy ra trong thời gian gần đây ở Trung Quốc.

Chính sách hạn chế tín dụng để làm giảm mức tăng trưởng kinh tế có tác dụng phụ là nhiều nhà máy phải thu hẹp sản xuất, đóng cửa, thất nghiệp sẽ tăng theo và từ đó bất ổn xã hội sẽ càng thêm nghiêm trọng trong thời gian tới.
Bà Bruce Rockowitz, Giám đốc điều hành của hãng Li&Fung, cho biết hàng giá rẻ đến từ Trung Quốc đã hết thời, lý do là chi phí nguyên liệu, nhân công và thuê nhà xưởng ở Trung Quốc đã lên cao, và trong mắt các nhà đầu tư, nơi đây đã không còn hấp dẫn để đặt cơ sở sản xuất, cung ứng đủ mọi loại mặt hàng cho thế giới.

Hiện các tổ chức tài chính thế giới hết sức lo ngại trước nguy cơ mất ổn định của nền kinh tế Trung Quốc. Hiện kinh tế Mỹ và châu Âu phụ thuộc vào Trung Quốc ở mức độ chưa từng có. Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng quỹ ngoại hối 3.200 tỉ đô la Mỹ để đầu tư nhiều vào trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp của nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, Trung Quốc chỉ cần “rút ván” các khoản đầu tư này, thế giới sẽ bị sốc. Đó là lý do tại sao khi nền kinh tế Trung Quốc đổ bệnh thì cả thế giới phải liêu xiêu.

Nguồn tin: BW/Time/Internet

ĐỌC THÊM