Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ KHĐT) cho rằng DN tư nhân vẫn gặp nhiều rào cản, hạn chế về thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, thị trường cơ hội đầu tư, tiếp cận tín dụng, chi phí kinh doanh cao.
Tại Hội thảo Đổi mới Doanh nghiệp Nhà nước và Phát triển kinh tế tư nhân, TS. Phạm Minh Điển, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) đánh giá, kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp to lớn trong cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, tỷ trọng GDP duy trì ổn định 39-40%, tạo công ăn việc làm, số lượng doanh nghiệp (DN) tăng nhanh, phong trào khởi nghiệp đẩy mạnh.
Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Trình độ quản trị, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, chất lượng sản phẩm, cạnh tranh yếu; khả năng liên kết với các thành phần kinh tế khác, tham gia chuỗi giá trị còn nhiều hạn chế; tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh….vẫn phổ biến.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn- Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội: Khu vực kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng với nền kinh tế. Năm 2014, DN tư nhân trong nền kinh tế chiếm 96%, đóng góp hơn 30% ngân sách, 86% việc làm, gần 40% GDP.
"Với vai trò quan trọng như vậy nhưng quy mô của kinh tế tư nhân nhỏ, không lớn lên được, thậm chí không muốn lớn", ông nói.
Cụ thể, về quy mô có 70% doanh nghiệp tư nhân quy mô lao động dưới 10 người. Hơn 50% doanh nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng. Nguồn vốn cơ sở kinh doanh cá thể chỉ 150 triệu/cơ sở và 1,8 lao động/cơ sở.
Lĩnh vực kinh doanh đa dạng nhưng chủ yếu tập trung vào dịch vụ, có xu hướng thoái lui khỏi công nghiệp và mất thị phần trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ vào tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...
Theo PGS.TS Hồ Sỹ Hùng- Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ KHĐT), nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do DN gặp nhiều rào cản, hạn chế như: thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, thị trường cơ hội đầu tư, tiếp cận tín dụng, chi phí kinh doanh cao. Chẳng hạn như chi phí logistic, tiền lương, bảo hiểm… cao. Lãi suất cao khoảng 7-9% trong khi Trung Quốc là 4,3%, Malaysia 4,6%, Hàn Quốc 2-3%... Chi phí vận tải cao, như việc vận chuyển 1 container từ Hải Phòng lên Hà Nội gấp 3 lần so với chi phí từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Đổi mới Doanh nghiệp Nhà nước và Phát triển kinh tế tư nhân là nhiệm vụ chính. Một bên là cốt của khu vực chủ đạo, còn một bên là động lực quan trọng. Chúng ta có nhiều DN nhưng có thành lực lượng mạnh hay không? Hai khối này phải thành lực lượng DN Việt Nam. Từng DN không có ý nghĩa gì cả nếu chúng ta không có cạnh tranh và liên kết”.
Theo ông Trần Đình Thiên, kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân và FDI trong thời gian qua đều không cải thiện về chất lượng tăng trưởng. Kinh tế tư nhân được hô hào nhưng khu vực này cũng chưa thực sự phát triển mạnh vì còn quá nhiều rào cản.
Những rào cản lần này chính phủ nói như chi phí của DN đang tăng cao có liên quan đến nguồn thu của Nhà nước. Thu của Nhà nước càng nhiều thì chi phí DN càng tăng lên và rào cản ngày càng lớn. Nhà nước giảm chi thì chi phí DN sẽ lập tức giảm được.
“Vì sao DN tư nhân không lớn được. DN tư nhân giải quyết việc làm là quan trọng nhưng tại sao họ vẫn bị coi rẻ. DN FDI đóng góp gì cho Việt Nam? Họ đóng góp GDP, ngân sách nhưng đã đủ mục tiêu của Việt Nam chưa. FDI như một khoảng trời độc lập, chúng ta mời họ vào với lời chào một cách hấp dẫn, lắm tài nguyên, lao động rẻ…nhưng chúng ta khai thác thế mạnh của FDI như thế nào, hay chỉ mới tận dụng FDI ở mức tối thiểu, một chút GDP, một chút ngân sách, tăng trưởng”, ông Thiên nhấn mạnh.
“Chúng ta phải tìm cách giải tỏa điểm nghẽn, nút thắt từ môi trường đầu tư bất bình đẳng. Nếu bất bình đẳng trong môi trường cạnh tranh này được tiếp tục thì DN tư nhân sẽ không thể lớn lên được”, ông nói.
Nguồn tin: infonet