Trong tuần qua, các thành phần kinh tế đều bị tác động lớn của những chính sách trong nước và sự suy thoái của kinh tế thế giới.
Bất động sản: Lướt sóng gặp hạn
Việc người đứng đầu UBND thành phố Hà nội, Nguyễn Thế Thảo gửi công văn kiến nghị lên Thủ tướng không dời trung tâm hành chính lên Ba Vì tạo ra một cuộc đào tẩu hoảng loạn của giới đầu tư BĐS.
Việc không chọn Ba Vì làm trung tâm hành chính đã khiến quả bóng BĐS khu vực rớt giá tới 60%
Nhớ lại lần đầu tiên có thông tin sẽ chuyển trung tâm hành chính quốc gia về Ba Vì, đất ở đây tăng lên như phù phép, một số nơi như tại thôn Rùa, thôn Xoan, thôn Nghe thuộc xã Vân Hòa (Ba Vì) thu hút nhiều giới đầu tư BĐS tới xăm soi giá được thổi lên 180 triệu đồng/mét mặt đường.
Sau khi có công văn, giá đất tụt dốc không phanh, những mảnh vườn mà cách đây 3 tháng có thể bán đến 150 – 200 triệu/ sào giờ giá chỉ còn 50 – 60 triệu/sào. Trung bình giá giảm 40% - 60% so với tháng 5/2010.
Điều đáng nói ở đây, khi bất động sản rớt giá, phần lớn các chuyên gia BĐS đã hạ cánh an toàn. Chỉ những người lướt sóng đang phải ôm hận.
Khi UBND Hà nội đề xuất 2 trung tâm khác có thể thay thế: Tây hồ Tây hoặc Mỹ đình – Mễ trì, không loại trừ sẽ có những con sóng dâng cao.
Tuy nghị định 71 có hiệu lực từ tuần trước, nhưng những ảnh hưởng tác động của nó đối với các sàn BĐS mới thực sự rõ rệt. Thị trường BĐS vốn đang èo uột, nay lại càng trầm lắng hơn. Theo nghị định này quy định các bên chỉ được ký hợp đồng ủy quyền công chứng quyền sử dụng, bán, cho thuê khi nhà đã xây xong, tuy nhiên theo các chuyên gia BĐS các dự án bất động sản mới giao dịch thông qua công chứng ủy quyền chiếm khoảng trên 70%.
Các chuyên gia cũng cho rằng, nghị định chủ yếu tác động vào những dự án đang trong quá trình hình thành. Những giao dịch mang tính chất lướt sóng sẽ bị hạn chế.
Một lần nữa những chuyên gia lướt sóng lại gặp “hạn”.
Chứng khoán: Dè dặt
Những tác động của kinh tế thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp tới các phiên giao dịch trong nước.
Phiên giao dịch đầu tuần lượng cổ phiếu đã tăng hơn 12 điểm đạt 464.8 . Một số Blue-chip cũng tăng trở lại.
Tuy nhiên những thông tin không thực sự tốt về kinh tế, tỷ giá, bất động sản đã khiến nhà đầu tư dè dặt hơn dẫn tới 3 phiên liên tục giảm điểm. Thị trường lại gần quay về đáy cũ của tuần trước.
Dường như các nhà đâu tư chưa sẵn sàng nhảy vào thị trường lúc này?
Phiên cuối tuần, đã cắt được cơn giảm điểm (tăng 2.6 điểm) đưa thị trường đạt 454.8 điểm, giảm đúng 10 điểm so với phiên đầu tuần. Điều này cho thấy nhà đầu tư chưa thực sự muốn tham gia vào thị trường.
Một thông tin đáng chú ý cho thị trường chứng khoán tuần qua là khối ngoại tiếp tục mua ròng liên tiếp phiên thứ 7.
Theo các chuyên gia chứng khoán: tuần tới thị trường vẫn tiếp tục đi ngang.
Vàng: Leo dốc
Khác với chứng khoán, tuần qua giá vàng tăng một mạch lên 28.85 triệu/lượng (bán ra) vào ngày cuối tuần. Giá vàng tăng cao, khiến các nhà đâu tư quyết định bán ra. Tuy nhiên lượng bán vào các ngày cuối tuần không đủ để giảm cơn nhiệt hạ giá vàng.
Sự tăng giá của đồng USD đã làm giá vàng trong nước cũng như quốc tế tăng theo
So với cuối tuần trước, giá vàng trong nước đã tăng khoảng 600.000 đồng/lượng (2,1%). Trong khi đó, giá vàng giao ngay tại thị trường New York chỉ tăng 1%. Mức đỉnh của giá vàng trong nước tuần này là mức 28,85 triệu đồng/lượng, cao nhất kể từ đợt sốt giá hồi tháng 11/2009.
Giải thích cho hiện tượng này, các chuyên gia cho rằng, ngoài việc ảnh hưởng của USD tăng giá thì việc điều chỉnh tỷ giá USD/VND của ngân hàng nhà nước (2,1%) ngày 18/8, và một loạt ngân hang TMCP đồng loạt tăng tỷ giá kịch trần sau đó 1 ngày đã tác động lớn đến tâm lý tích của nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia, trong lúc chờ chính sách mới của Mỹ nhằm ngăn chặn khủng hoảng, giá vàng tiếp tục ở mức cao trong vài tuần tới.
Nguồn: Tamnhin