Ngày 9/3, tại hội thảo Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2017 do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia đã khắc họa bức tranh tổng thể của nền kinh tế với những kỳ vọng tiếp tục duy trì khả năng tăng trưởng từ 6 - 6,5%. Tuy nhiên, xu hướng kinh tế thế giới thay đổi vẫn có thể đưa đến các tác động bất lợi cho kinh tế Việt Nam trong năm 2017 và những năm tới.
Sản xuất chịu sức ép lớn
Từ năm 2011 đến nay, độ co giãn của cầu nhập khẩu theo thu nhập đã giảm rõ rệt tại hầu hết các nền kinh tế APEC và trên toàn cầu, đặc biệt là tại các nước phát triển. Do đó, dù tăng trưởng kinh tế nhưng nhu cầu nhập khẩu lại giảm.
Xu hướng bảo hộ thương mại phi thuế quan cũng tăng mạnh và đặt ra thách thức lớn cho các nước xuất khẩu; trong đó có Việt Nam. Kể cả khi giá cả thế giới phục hồi thì xuất khẩu vẫn khó tăng do nhu cầu nhập khẩu vẫn "yếu" và tạo áp lực lớn lên cán cân vãng lai.
Đối với các Hiệp định thương mại Việt Nam đã tham gia ký kết, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho hay, mức độ tự do hoá thương mại hàng hoá cao đang gây nhiều sức ép đến sản xuất trong nước. Từ nay đến năm 2018, mức xoá bỏ thuế quan sâu rộng nhất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến một số ngành không phải là thế mạnh của Việt Nam như chăn nuôi, thép, ô tô...
Tương tự như xuất khẩu, cơ cấu chuyển dịch thị trường nhập khẩu dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường nhập khẩu nhất định. Nhất là các mặt hàng máy móc thiết bị, nguồn nguyên vật liệu... phục vụ sản xuất, xuất khẩu là một ví dụ điển hình.
Cuối năm 2016 đến nay, nền kinh tế trong nước đan xen cả thuận lợi lẫn khó khăn. Chính phủ không ngừng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp...
Những chính sách này đã được thị trường phản hồi tích cực, nhất là việc duy trì các động lực tăng trưởng chủ yếu như công nghiệp tiếp tục đạt kết quả đáng khích lệ.
Theo TS. Võ Trí Thành, Việt Nam dù đang trong bối cảnh khó khăn như dòng vốn vào ít hơn, thương mại gặp nhiều rào cản nhưng vẫn có những thế mạnh nhất định. Hiện tại, các lĩnh vực có lợi thế và tiềm năng của Việt Nam phải kể đến công nghiệp chế biến, bất động sản, tài chính - ngân hàng...
Ngoài ra, dù có giá trị gia tăng tương đối thấp, nhưng nếu nhìn nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ hình thành cho đến sản phẩm cuối cùng thì đây cũng là lĩnh vực tiềm năng.
Việc tiếp tục cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước vẫn là sự mong đợi của doanh nghiệp Việt Nam. Năm 2017 vẫn còn nhiều khó khăn nên chưa thể dự đoán một sự tăng trưởng đột phá nào đó, nhưng có thể kỳ vọng sẽ là năm chuẩn bị điều kiện cần thiết cho giai đoạn phát triển mới - ông Thành phân tích.
Tạo động lực mới từ cải cách
Theo ông Phạm Văn Thịnh - Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, cam kết cải cách nền kinh tế, hoàn thiện hệ thống luật pháp, cải tiến thủ tục hành chính, môi trường đầu tư của "Chính phủ kiến tạo"... sẽ tạo động lực mạnh mẽ thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, ổn định kinh tế vĩ mô cũng tăng niềm tin cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, để xây dựng một nhà nước kiến tạo, cần chuyển nền hành chính đang nặng mục tiêu quản lý, bao cấp sang nền hành chính mang tính chất phục vụ. Bởi cách quản lý này vừa không phù hợp với tính chất của nền kinh tế thị trường, vừa làm cho bộ máy quản lý hành chính nhà nước tồn tại nhiều bất cập - ông Thịnh nhận xét.
Dưới góc độ chuyên gia, TS. Trần Du Lịch cho rằng, hoàn thiện thể chế kinh tế không chỉ là việc hoàn thiện các đạo luật liên quan trực tiếp đến sự ra đời và hoạt động của doanh nghiệp mà đòi hỏi sự thống nhất của cả hệ thống chính trị quốc gia với 3 trụ cột là thể chế kinh tế, nền hành chính công và nền tài chính công. Mọi cải cách cần phải mang tính đồng bộ và hệ thống. Đây là yêu cầu rất bức xúc đang đặt ra, khi Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho tăng trưởng bền vững, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, năm 2017, Chính phủ đã có các chính sách quyết liệt trong việc siết chặt kỷ luật ngân sách và nợ công, đặc biệt là nợ nước ngoài trong bối cảnh giá trị các đồng tiền vay nợ biến động khó lường. Từ đó, góp phần hạn chế vai trò của chính sách tài khoá trong hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tính đến thời điểm này, những thách thức trong công tác điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2017 đã bắt đầu bộc lộ tương đối rõ. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô để chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, nhằm hài hoà giữa mục tiêu lạm phát và tăng trưởng; tăng cường ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá và ngoại hối.
Với TP Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho hay, lãnh đạo thành phố nhận thức rõ các thách thức và đang quyết tâm vượt qua tất cả mọi trở ngại để tiếp tục giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước. Thành phố đang triển khai bảy chương trình đột phá dựa trên nền tảng phát huy thế mạnh, tiềm năng riêng.
Các sở, ngành coi việc cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ thành lập và phát triển đạt con số 500.000 doanh nghiệp đến năm 2020 là trụ cột quan trọng trong các chính sách phát triển. Đây là những mục tiêu tạo cơ sở, động lực để kinh tế TP Hồ Chí Minh tăng trưởng hai con số và hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng khác.
Nguồn tin: TTXVN