Năm năm qua, đã có khoảng 200 ngàn doanh nghiệp mới được thành lập và đi vào sản xuất, kinh doanh. Nền kinh tế Việt Nam trong 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng 10, thì có tới 3 năm phải chống chọi với suy thoái và bất ổn kinh tế vĩ mô.
Nhưng cũng như nhiều doanh nghiệp tư nhân, nền kinh tế Việt Nam vẫn trụ vững. Báo cáo của Chính phủ cho biết, 16 trong tổng số 23 chỉ tiêu về kinh tế xã hội theo nghị quyết đã được thực hiện.
Tiến sỹ Đinh Văn Ân, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cho rằng, trong bối cảnh như vậy, kết quả đạt được là đáng khích lệ. “Trong khi nhiều nước tổng trong 5 năm GDP rất thấp, thì Việt Nam tuy không đạt được mục tiêu, nhưng đã có con số 7%, con số 7% thuộc loại rất cao trong khu vực và được bạn bè quốc tế công nhận, đó là thành tựu phát triển của Việt Nam và chúng ta thấy rằng, trong thời gian vừa qua, đồng thời với việc phát triển kinh tế như vậy thì chúng ta đã thực hiện rất tốt vấn đề về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Tính định hướng XHCN của nền kinh tế đã được thể hiện rất rõ trong nền kinh tế thị trường của nước ta”.
Xóa đói giảm nghèo là lĩnh vực được cộng đồng thế giới ghi nhận, và đã đạt được chỉ tiêu Đại hội 10 đề ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh Chính phủ vừa phải thực thi các cam kết quốc tế theo tiến trình hội nhập, ban hành, sửa đổi hệ thống pháp luật, vừa phải đối phó với tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế, vừa phải thực thi các yêu cầu về an sinh xã hội cho người nghèo. Tiến sỹ Trần Đình Thiên cho rằng, bản thân việc hội nhập thành công, đã được coi là một thành tựu.
TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Chúng ta đã hội nhập được là một thành công, và chúng ta đã thử thách được trong hội nhập là một thành công rồi. Đó là điều rất có ý nghĩa, đó là một thành tựu lịch sử. Nhiều khi chúng ta quên mất là có một thành tích là chúng ta đã đạt được mục tiêu Thiên niên kỷ là chúng ta cam kết với thế giới. Ẩn đằng sau đó là cách Việt Nam tư duy về mục tiêu phát triển đất nước mình như thế nào, hướng tới những lực lượng xã hội dễ bị tổn thương, người nghèo yếu thế, mà chúng ta làm rất tốt việc đó”.
Hàng ngày, các doanh nghiệp vẫn phải đương đầu với cạnh tranh. Và nền kinh tế Việt Nam, trong 10 năm tới cũng phải nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước thay đổi mô hình tăng trưởng, từ chỗ dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên, tăng trưởng dựa vào tăng đầu tư, chuyển sang việc phát triển dựa vào năng lực cạnh tranh.
Về vi mô, những nút thắt trong tăng trưởng kinh tế phải từng bước được tháo gỡ. Muốn vậy, những chữ “Nhưng” đang là nút thắt tăng trưởng hiện nay cần phải được cải thiện, và hy vọng Đại hội Đảng lần này là cơ hội để tháo gỡ những nút thắt đó.
TS.Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: “5 năm vừa rồi chúng ta đầu tư khá nhiều về nâng cấp đường bộ, nhiều công trình trọng điểm được đưa vào sử dụng về bến cảng, sân bay, đường sá đã được cải thiện. Chính vì vậy, cơ sở vật chất căn bản về hạ tầng này đã được hình thành, tuy nhiên chất lượng lại chưa đáp ứng nhu yêu cầu phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp. Hệ thống tài chính của chúng ta mở, nhưng quản lý và giám sát của chúng ta chưa được hiệu quả như mong muốn”.
Từ một nước nông nghiệp, Việt Nam đã từng bước công nghiệp hóa và bước đầu đã có những thành công để nông dân có thể yên tâm hơn trên những cánh đồng của mình. Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong 10 năm tới sẽ được các đại biểu tham dự Đại hội Đảng lần này thảo luận, xác định ba khâu đột phá để phát triển là cải thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Có được ba khâu đột phá này, sẽ tạo cơ sở để có được sự chuyển biến mạnh mẽ trong đầu tư, tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Nguồn: VTV