Báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 5/10/2016 cho thấy, trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại Việt Nam vẫn chứng tỏ khả năng chống chịu của mình. Dự báo, GDP Việt Nam năm 2017 sẽ đạt mức 6,2% và duy trì cho cả năm 2018.
Theo WB, trong 3 quý đầu năm 2016, tăng trưởng kinh tế (GDP) Việt Nam giảm nhẹ do nông nghiệp bị hạn hán nặng nề và tăng trưởng công nghiệp sụt giảm. Nhưng ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì và sức ép lạm phát không đáng kể.
Ngành xây dựng tăng trưởng tốt do tín dụng tăng mạnh và thị trường bất động sản phục hồi. Ngành dịch vụ cũng tăng trưởng nhanh do ngành bán lẻ tăng trưởng nhờ cầu trong nước tăng mạnh.
Để giải quyết những quan ngại gia tăng về tác động tiêu cực của tình trạng tăng trưởng nóng tín dụng và chất lượng món vay, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn với kỳ vọng giảm nhẹ các rủi ro hệ thống và kìm hãm bớt tăng trưởng tín dụng.
Việc Ngân hàng Nhà nước chuyển sang hình thức quản lý tỷ giá linh hoạt hơn được các chuyên gia của WB đánh giá cao. WB cho rằng, đây là một bước quan trọng tiến tới ứng phó nhanh với các các biến động bên ngoài.
Do cầu bên ngoài giảm sút, xuất khẩu của Việt Nam đã giảm xuống còn 6,4% trong 8 tháng đầu năm (so với cùng kỳ năm ngoái)- là mức thấp nhất của Việt Nam kể từ năm 2009. Tuy nhiên, ông Sudhir Shetty, Chuyên gia Kinh tế trưởng khu vực Đông Á Thái Bình Dương của WB cho rằng, dù sụt giảm nhưng thành tích thương mại của Việt Nam là khá tốt. So với thương mại toàn cầu thì 6,4% vẫn là mức tương đối cao.
Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng tốc trong một số tháng gần đây, thể hiện tâm lý tích cực của các nhà đầu tư đối với quá trình hội nhập sâu của Việt Nam.
Trong 8 tháng đầu năm 2016, vốn FDI cam kết đạt 14,4 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp FDI đóng góp khoảng 18% GDP cả nước, gần 1/4 tổng vốn đầu tư, 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu và 1 triệu việc làm gián tiếp, trực tiếp.
Theo ông Sudhir Shetty, viễn cảnh trung hạn của Việt Nam vẫn ở mức tích cực. GDP dự kiến sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2016, lạm phát nhẹ và cán cân thương mại sẽ thặng dư đôi chút. Thâm hụt tài khóa sẽ vẫn cao trong năm nay nhưng sau đó sẽ co cụm trong kỳ hạn nhờ Chính phủ thực hiện các kế hoạch thắt chặt tài khóa.
WB dự báo, GDP Việt Nam năm 2017 sẽ đạt mức 6,2% và duy trì con số 6,2% cho năm 2018.
Khuyến nghị chính sách cho Việt Nam trong giai đoạn tới, ông Sebastian Eckardt. Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Việt Nam cho rằng, cần phải thực hiện tái cơ cấu, cải cách tài khoá và cải cách ngân hàng quyết liệt hơn nữa thì mới có thể khắc phục được các yếu kém vĩ mô và tăng cường tăng trưởng trong trung hạn. Nếu chậm thực hiện tái cơ cấu sẽ không nâng cao được năng suất lao động và tác động tiêu cực lên tăng trưởng trung hạn. Chậm giải quyết nợ xấu và thắt chặt tài khóa cũng là những rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng trong tương lai.
Bên cạnh đó, cần điều chỉnh chi công, tăng cường hợp tác công tư và nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công nhằm xóa bỏ yếu kém về cơ sở hạ tầng. Đồng thời, cần phải gỡ bỏ các hạn chế để tăng trưởng bền vững và hòa nhập, kể cả các biện pháp như khắc phục yếu kém hạ tầng và thúc đẩy hòa nhập tài chính.
WB cũng khuyến nghị Việt Nam và các nước trong khu vực ứng dụng công nghệ vào dịch vụ tài chính để qua đó nâng cao mức độ hòa nhập tài chính. Để các biện pháp đổi mới sáng tạo trong ngành tài chính đem lại lợi ích, các nước cần phải tăng cường khung pháp lý và quản lý nhà nước cũng như tăng cường bảo vệ người tiêu dùng./.
Nguồn tin: Báo Hà Tĩnh