Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế Việt Nam còn nhiều thách thức sau khủng hoảng

Khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu, đầu tư trực tiếp, thị trường chứng khoán, du lịch quốc tế và nhiều lĩnh vực khác. Bằng sự nỗ lực, Việt Nam đã từng bước hạn chế được suy giảm kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Cơ hội và thách thức hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu” các chuyên gia kinh tế đã nhận định, kinh tế Việt Nam đang chuyển biến tích cực để thoát khỏi khủng hoảng nhưng vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro cần phải được khắc phục.Trong 8 tháng đầu năm 2010, tốc độ tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước: quý I tăng 5,83%, quý II tăng 6,4%, quý III tăng 7,18% và cả năm có thể đạt 6,7%. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm đạt 44,5 tỷ USD tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2009.

Mặc dù vậy, với những diễn biến còn nhiều khó khăn trong năm 2010, Việt Nam cần phải có chính sách và giải pháp hợp lý nhằm mang lại những nhận thức và thông tin thiết thực, hữu ích cho doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách.

Trong lĩnh vực tài chính, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc Gia cho biết, rủi ro tài chính vĩ mô đáng kể nhất mà Việt Nam có thể gặp phải trong trung hạn là rủi ro tiền tệ, cụ thể là tỷ giá hối đoái. Những yếu tố về phục hồi chậm của kinh tế thế giới có thể khiến dòng vốn đổ vào Việt Nam yếu đi, kỳ vọng phá giá tăng lên, đô la hóa trầm trọng hơn và cán cân thanh toán quốc tế suy yếu.

Về thị trường chứng khoán, ông nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch ủy ban chứng khoán Nhà nước, cho rằng: Thị trường chứng khoán như tấm gương và chịu ảnh hưởng mạnh của nền kinh tế vĩ mô, vì vậy mục tiêu trước mắt là ổn định thị trường chứng khoán, qua đó từng bước triển khai các mục tiêu dài hạn làm tiền đề cho sự phát triển của những năm tiếp theo. Cụ thể, tăng cường chất lượng kiểm toán, công bố thông tin và tuân thủ quản trị công ty trong các công ty niêm yết, công ty đại chúng. Tăng cường giám sát, thanh tra, xử lý, bảo vệ nhà đầu tư; xử lý tốt các công ty niêm yết, công ty chứng khoán thua lỗ nhằm ổn định thị trường và tâm lý nhà đầu tư.

Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là được xem lĩnh vực ít chịu tác động của khủng hoảng kinh tế cũng cần phải định hướng chiến lược cho từng giai đoạn cụ thể.

Theo giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong những năm tới, nước ta phải giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả đầu tư kể cả trong nước và FDI để hướng đến hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại, do vậy chất lượng phải trở thành tiêu chí hàng đầu trong việc thu hút FDI. Trong khi đó, FDI với kinh tế vùng và địa phương cần được điều chỉnh về quan điểm, nhận thức để có giải pháp đúng. Thị trường và đối tác FDI cũng cần được điều chỉnh hướng vào thực hiện mục tiêu kinh tế xã hội của chiến lược giai đoạn 2011-2020.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính quốc gia, cũng khẳng định: Kinh tế chao đảo trong mấy năm qua, Việt Nam đã bộc lộ tất cả những mặt yếu kém, chúng ta cùng nhìn vào đó mà khắc phục để biến thành những lợi thế cho mình.

Nguồn: Baocongthuong

ĐỌC THÊM