Vì sao trên thị trường có gần 67 loại gạo nhưng người tiêu dùng chỉ chọn 21 loại đặt theo tên Việt Nam?
Một lần nữa, toàn cầu hóa được nhắc lại như một cuộc chơi Việt Nam không thể ngoài cuộc. Nếu cách đây 10 năm, rủi ro của Việt Nam lỡ chuyến tàu hội nhập, thì nay câu hỏi của Việt Nam là ở đâu trong chuyến tàu đó.
Hạt gạo, con tôm đi chợ toàn cầu
Ngày 25.5 vừa qua, chuyên trang cơ sở dữ liệu nghiên cứu, phân tích về các ngành kinh tế và kinh doanh (Vibiz) của Công ty Cổ phần Yoilo Toàn cầu công bố khảo sát, 64% gạo trên thị trường là gạo Việt Nam nhưng gắn mác nước ngoài để tăng lợi nhuận; 53% người tiêu dùng thích ăn gạo ngoại xuất xứ Thái Lan, Campuchia, Nhật...; trên thị trường có gần 67 loại gạo nhưng người tiêu dùng chỉ chọn 21 loại đặt theo tên Việt Nam.
Quả thực, đây là thông tin đáng buồn cho một đất nước vốn tự coi mình là cường quốc về lúa gạo. Tuy nhiên, nếu đối chiếu tiếp với thông tin gạo Việt Nam vừa cập cảng đã bị các doanh nghiệp nước nhập khẩu “thay tên, đổi họ” để bán trong hệ thống siêu thị nước sở tại hoặc xuất khẩu, thì dù không muốn cũng phải chấp nhận sự thật rất cay đắng: sự thua thiệt của gạo Việt ở cả thị trường trong nước lẫn nước ngoài là bởi chúng ta không tạo được thương hiệu. Việt Nam chỉ là cường quốc giá rẻ, có những thời điểm bán sang châu Phi còn bị “lắc đầu”.
Trao đổi với NCĐT, Tiến sĩ Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nhận định, chúng ta đã có gạo Cỏ May, bán giá gần tương đương với gạo nước ngoài hay dòng gạo nếp có thương hiệu Nếp Cái Hoa Vàng bán tương đối tốt. Muốn vậy, các doanh nghiệp này đã phải tự xây dựng vùng nguyên liệu, đưa ra những tiêu chuẩn từ giống, kỹ thuật chăm sóc cho tới công nghệ sau thu hoạch. Tiếc là, vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp làm được như họ.
Nguyên nhân của nỗi buồn hạt gạo có thể phân tích theo lý thuyết chuỗi giá trị sản xuất. Hiện tại, người nông dân tự chọn giống, chăm sóc và thu hoạch theo cách truyền thống. Thương lái thu mua theo kiểu đổ đống, chỉ quan tâm tới giá và bán cho doanh nghiệp xuất khẩu. Kết quả đương nhiên là gạo thương phẩm bị pha tạp, chỉ có thể cạnh tranh bằng việc hạ giá, ép ngược lại người nông dân đến mức không thể sống được nếu trồng lúa. Nghĩa là, các hoạt động trong chuỗi giá trị hạt gạo diễn ra manh mún, riêng lẻ, mạnh ai nấy làm. Nói cách khác, Việt Nam chưa xây dựng được chuỗi giá trị hoàn chỉnh cho hạt gạo, nghịch lý ở một quốc gia có mặt hàng xuất khẩu chiến lược là gạo.
Trường hợp doanh nghiệp Cỏ May lại tiếp tục được Tiến sĩ Đào Thế Anh nêu ra như một điểm sáng. Theo vị chuyên gia, doanh nghiệp này cử nhân viên đi nước ngoài tìm hiểu, phân tích nhu cầu của các thị trường, từ đó mới đặt hàng nông dân. Đó là cách làm dài hạn. Nhà nước hãy hỗ trợ nông dân, còn doanh nghiệp cần nhất là cởi trói cho họ khỏi những ràng buộc về điều kiện xuất khẩu gạo.
Sự chệch choạc trong việc đưa hạt gạo Việt ra thế giới cũng thể hiện ở xuất khẩu thủy hải sản. Việc những đơn hàng tôm đông lạnh bị từ chối vì dư lượng kháng sinh hay cá tra lao đao khi Mỹ đòi điều tra về quy chuẩn ao nuôi, thức ăn... thể hiện sự yếu kém trong chính những mặt hàng mà chúng ta tham gia hầu hết các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất.
Nhận 22USD trong đôi giày 100USD
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tỉ trọng giá trị gia tăng trong lĩnh vực chế biến chế tạo của khu vực đầu tư nước ngoài trong tổng xuất khẩu của Việt Nam hiện chiếm khoảng 48,8%. Trong khi đó, hàm lượng giá trị gia tăng nội địa trong xuất khẩu vẫn chỉ chiếm 12,7%. Một câu chuyện cũng được nhắc nhiều trong chuyến thăm Mỹ mới đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho thấy rõ hiện trạng này: nếu một đôi giày đó có giá 100USD, phía Việt Nam chỉ hưởng lợi 22USD. Con số đặc biệt lớn vì có tới 138 triệu đôi giày Nike được Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ.
Tiến sĩ Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết cách đây 6 năm, ông có sang Trung Quốc. Khi đó, Trung Quốc đã là công xưởng gia công cho điện thoại iPhone và người ta nói rằng, với mỗi chiếc iPhone trị giá xấp xỉ 1.000USD, người Trung Quốc nhận về 1USD. Mức giá trị này đã tính cả phần sản phẩm của công nghiệp hỗ trợ của Trung Quốc. Cũng theo vị chuyên gia, so sánh với giá trị xuất khẩu của Samsung năm 2015 là hơn 30 tỉ USD, phần đóng góp của Việt Nam chỉ vào khoảng 20 triệu USD, nghĩa là đóng góp của Việt Nam trong chuỗi giá trị của Samsung còn thấp hơn trường hợp Trung Quốc gia công iPhone.
Báo cáo của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho biết hiện mới có 21% doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Con số này thấp hơn nhiều so với các quốc gia lân cận, thậm chí chưa bằng một nửa so với Malaysia. Sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị vẫn ở giai đoạn đầu, chủ yếu là gia công và lắp ráp để tận dụng nhân công giá rẻ nhưng chưa tham gia vào những khâu quan trọng hơn, cần nhiều chất xám hay hàm lượng vốn cao.
Đây là tình thế tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi lợi thế về nhân công giá rẻ rất dễ mất khi người ta sử dụng nhiều hơn robot và công nghệ, tinh thần của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Vậy Việt Nam cần phải làm gì? Theo Tiến sĩ Lê Xuân Sang, doanh nghiệp nào cũng muốn chủ động hơn và có nhiều tiền hơn nhưng rất khó nếu không đủ thời gian và trình độ. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một động lực rất lớn để khắc phục điều này. Những ràng buộc của TPP, ví dụ, về yêu cầu chứng nhận xuất xứ, sẽ giúp Việt Nam đi sâu hơn vào chuỗi giá trị, từ đó, có thể tính đến những lựa chọn tốt hơn.
Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, tại sao Việt Nam không tự chủ động thay đổi, để có thể chủ động và có lợi hơn trong cuộc chơi toàn cầu hóa? Chúng ta đã nhìn thấy những yếu điểm hiện nay và cũng nhìn thấy những điểm tốt của TPP, tại sao phải chờ một chữ ký vào TPP thì mới thay đổi?
Còn nhớ, cách nay hơn 100 năm, toàn quyền Đông Dương đã đánh giá, người Việt Nam có năng lực vượt trội so với các nước khác trong khu vực là thợ giỏi và lính giỏi. Nếu vậy, cách tiếp cận của Tiến sĩ Lê Xuân Sang có vẻ sẽ thực tế hơn. Tuy vậy, dù có hay không có TPP, thay đổi là tất yếu. Đơn giản vì, nếu chỉ làm theo đơn đặt hàng của ông chủ nước ngoài mà không chịu phát triển những năng lực khác như thiết kế, marketing, phát triển thị trường..., Việt Nam khó có thể thoát phận gia công. Đánh giá về toàn cầu hóa, World Bank cho rằng, vấn đề không phải là do toàn cầu hóa, mà do cách người ta quản lý quá trình này. Sẽ thật không may cho quốc gia nào không chịu thay đổi hay bắt kịp cơ chế quản lý này.
Nguồn tin: NCĐT