Năm 2016 là một năm nền kinh tế có nhiều biến động. Tốc độ tăng GDP năm 2016 ước tính chỉ tăng 6,21%, thấp hơn mức mục tiêu đặt ra là 6,7% và thấp hơn con số báo cáo Quốc hội là 6,3-6,5%. Tuy nhiên, trong bức tranh tổng thể nền kinh tế, ngoài những yếu tố ảm đạm, vẫn có một số yếu tố khá tích cực như thị trường chứng khoán khởi sắc, sôi động hơn các năm trước; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục so với nhiều năm trước.
Dưới đây là 10 sự kiện, vấn đề kinh tế tiểu biểu theo bình chọn của Báo Dân trí:
1. Sự đồng hành của Thủ tướng với doanh nghiệp
Ngay từ thời điểm mới nhậm chức hồi tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tổ chức Hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh quan điểm sẽ xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo. Chuyển cung cách từ chỉ đạo hành chính sang phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả của chính quyền.
Thủ tướng yêu cầu chính quyền các cấp phải tạo mọi điều kiện cho người dân kinh doanh và doanh nghiệp phát triển. |
Cùng với Nghị quyết 19, Thủ tướng đã yêu cầu ban hành Nghị quyết 35 đánh dấu lần đầu tiên Chính phủ có nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp, coi doanh nghiệp làm trung tâm của phát triển. Trong đó khẳng định quan điểm: không hình sự hóa các quan hệ kinh tế (thể hiện cụ thể qua vụ Cà phê Xin Chào). Thủ tướng cũng có những phát ngôn đáng chú ý về việc loại bỏ sân sau, nhóm lợi ích, xóa bỏ cơ chế duyệt - cấp, xin - cho, quan hệ thân hữu, ưu đãi ngầm... để tạo môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng.
2. Lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập đạt kỷ lục chưa từng có
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp đăng ký thành lập cả năm 2016 đạt kỷ lục chưa từng có với 110.100 doanh nghiệp, tăng 16,2% so với năm 2015.
Số vốn các doanh nghiệp cam kết đưa vào thị trường trên 891.000 tỷ đồng, đạt tỷ trọng 8,09 tỷ đồng cho mỗi doanh nghiệp thành lập mới; tăng 48,1% so với năm 2015.
Cụ thể, năm 2016, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 26.689 doanh nghiệp, tăng 43,1% so với năm ngoái. Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông: “Đây là những con số hết sức “sống động” về sự tăng trưởng của doanh nghiệp Việt Nam những năm gần đây. Điều đó cho thấy “sức sống” của môi trường kinh doanh và những cơ hội đầu tư kinh doanh tiếp tục mở ra, thị trường chắc chắn sẽ cạnh tranh hơn và đây chính là động lực phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập”.
3. “Cơn sốt” xổ số “kiểu Mỹ” với hàng loạt tỷ phú mới
Ngày 18/7/2016 tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty TNHH một thành viên Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott) đã ra mắt và vận hành hệ thống kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán đầu tiên, với sản phẩm chính là Mega 6/45 - sản phẩm có giải thưởng tối thiểu 12 tỷ đồng và được cộng dồn cho tới khi có người trúng thưởng.
Mặc dù xác suất trúng giải Jackpot Mega 6/45 là 1/8.145.060 tuy nhiên cho đến nay (11/12), đã có tới 6 người trúng giải đặc biệt (Jackpot) của Mega 6/45 với người đoạt giải cao nhất là một người dân ở Trà Vinh với giải thưởng 92 tỷ đồng và người trúng giải thấp nhất cũng đạt trên 54 tỷ đồng.
Những người nhận giải Jackpot ngoại trừ trường hợp đầu tiên lộ danh tính, còn lại đều đeo mặt nạ và nặc danh. Trong khi công ty xổ số cho rằng điều này nhằm bảo đảm an toàn cho người trúng giải thì dư luận lại dấy lên những hoài nghi về tính trung thực của giải thưởng. Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính có báo cáo về hoạt động kinh doanh của Vietlott trong thời gian qua.
4. Bộ Tài chính tiên phong trong việc khoán xe công
Bắt đầu tư tháng 10/2016, Bộ Tài chính là cơ quan đầu tiên thực hiện áp dụng chế độ khoán xe cho các Thứ trưởng, tổng cục trưởng và chức vụ tương đương thuộc bộ.
Mức khoán kinh phí đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày được được xác định bằng đơn giá khoán (đồng/km) x số km khoán (km) x 2 lượt x số ngày làm việc của tháng. Dự kiến một tháng, tiền khoán xe cho các Thứ trưởng của Bộ Tài chính là 44,22 triệu đồng.
Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu để mở rộng chế độ khoán xe công đối với các đơn vị khác, nhằm tăng cường tiết kiệm, triệt để chống lãng phí giữa bối cảnh ngân sách nhà nước nhiều khó khăn.
5. Năm 2016, dư luận liên tục "dậy sóng" trước việc hàng loạt lãnh đạo tại các Tổng công ty, doanh nghiệp lớn của ngành Công Thương bỏ trốn ra nước ngoài.
Những người bỏ trốn được cho là nhằm lẩn tránh trách nhiệm liên quan trong các vụ việc, dự án có sai phạm: Vũ Đình Duy, Cựu Tổng giám đốc Pv-Tex, Lê Chung Dũng, Phó Tổng giám đốc PV Power...trước đó là Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch PVC.
Ông Vũ Đình Duy (bên trái, cầm quyết định) tại lễ công bố quyết định bổ nhiệm - hiện đã bỏ trốn ra nước ngoài. |
Có một điểm chung là những người này đều cùng làm trong cơ quan dầu khí của Bộ Công Thương và bỏ trốn sau khi dư luận công khai nhiều thông tin về các vấn đề tiêu cực và thua lỗ trong điều hành quản lý tại doanh nghiệp.
Sau khi hàng loạt những vụ việc trên xảy ra, Bộ Công Thương đã có động thái siết quản lý việc đi nước ngoài, hộ chiếu công vụ của các nhân sự cấp cao của các đơn vị trong ngành. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị trong ngành báo cáo về các trường hợp xin nghỉ ốm hay có những việc cá nhân bất thường.
6. 12 đại dự án công nghiệp “sống dở chết dở"
Trong tháng cuối cùng của năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý những tồn tại, yếu kém của một số nhà máy, dự án thua lỗ thuộc ngành Công Thương do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng ban.
Danh sách dự án công nghiệp với vốn đầu tư lên tới hàng ngàn tỷ đồng nhưng làm ăn không hiệu quả, có nguy cơ phá sản được phát hiện lên tới con số 12. Trong đó gồm: Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên mở rộng (giai đoạn II), Nhà máy đạm Ninh Bình, 3 nhà máy sản xuất nhiên liệu xăng sinh học (Ethanol)… Đáng lưu ý, trong số này có tới 4 dự án thuộc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) và 5 dự án thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 được thực hiện từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. |
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuần Anh đã phải dành nhiều thời gian trả lời chất vấn trước Quốc hội về những dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ.
Nói về nguyên nhân dẫn tới thua lỗ của dự án nghìn tỷ, người đứng đầu ngành công thương cho rằng, do tính đặc thù của ngành, lĩnh vực và tính chất của từng dự án. Tựu chung lại, các dự án trên đều triển khai kéo dài so với thời hạn đầu tư được phê duyệt; hiệu quả kinh tế không còn, không cạnh tranh được với sản phẩm nhập ngoại, thậm chí nhiều dự án doanh thu không đủ bù chi phí. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận xét: “Các dự án này có những tồn đọng, thậm chí là vi phạm trong quản trị, năng lực của chủ đầu tư hạn chế”.
7. Đẩy nhanh thoái vốn Nhà nước khỏi nhiều doanh nghiệp lớn
Sau hơn 8 năm cổ phần hóa, Sabeco, Habeco đã chính thức "lên sàn" với các mã cổ phiếu SAB và BHN. Ngay khi được giao dịch, cổ phiếu SAB và HBN tăng trần liên tục, đạt trên 200.000 đồng/cp.
Thị giá BHN và SAB là cơ sở để các đơn vị định giá đưa ra mức giá khởi điểm để bán đấu giá vốn Nhà nước sở hữu tại hai doanh nghiệp này vào đầu năm tới. Hiện Nhà nước đang nắm 81,79% cổ phần Habeco và 89,59% cổ phần Sabeco.
Ngoài ra, trong kế hoạch bán vốn tại 10 doanh nghiệp lớn, năm nay mới thực hiện bán đợt 1 với tỷ lệ 9% vốn Vinamilk. Kết quả chỉ có 60% cổ phần VNM chào bán thành công, được mua bởi tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi, mang về gần 500 triệu USD.
8. Cuối năm 2016, thị trường vàng, ngoại hối có nhiều biến động
Thị trường vàng và ngoại hối ghi nhận sự biến động mạnh mẽ vào thời điểm cuối năm 2016, trong bối cảnh xuất hiện tin đồn Ngân hàng Nhà nước sắp đổi tiền và xúi giục người dân rút tiền để mua vàng, ngoại tệ khiến tâm lý một số người dân hoang mang.
Dù Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước lên tiếng khẳng định đó là thông tin bịa đặt và có dụng ý xấu, nhưng giá vàng SJC và tỷ giá USD/VND vẫn biến động mạnh. Trong đó, giá vàng SJC "vọt" lên mức 37 triệu đồng/lượng và cao hơn giá thế giới trên 5 triệu đồng/lượng, còn giá USD lên mức trên 23.000 VND.
Tuy nhiên, "đỉnh" giá vàng ghi nhận được lại rơi vào thời điểm đầu tháng 7, với mức giao dịch 37,85 triệu đồng/lượng (mua vào) - 38,48 triệu đồng/lượng (bán ra). Giá kim loại quý đi lên bởi tâm lý bất ổn sau sự kiện Brexit (Anh rời EU) khiến nhà đầu tư càng tìm đến vàng nhiều hơn như kênh đảm bảo tài sản.
9. Việc triển khai các dự án thép qui mô lớn gây nóng dư luận
Năm vừa qua cũng là năm dư luận đặc biệt quan tâm đến vấn đề quy hoạch ngành thép sau những vấn đề liên quan tới dự án Formosa. Nhiều dự án sản xuất thép dự kiến, đặc biệt là dự án thép Hoa Sen-Cà Ná gây nên tranh luận gay gắt: Có nên làm hay không các dự án qui mô lớn khi nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tiêu thụ năng lượng quá cao ở các dự án này.
Để giải bài toán nhập siêu thép lên tới 6-7 tỷ USD hàng năm, Bộ Công Thương nhiều lần phát đi thông điệp "không có lý do gì để không tiếp tục phát triển các dự án thép”. Tuy nhiên, vẫn nhấn mạnh “Không đánh đổi môi trường lấy dự án. Quy chế giám sát tới đây sẽ rất chặt chẽ”.
Tuy nhiên, một số người trong giới chuyên gia lại phản đối tư duy này. Theo đó, Việt Nam không nên tiếp tục đầu tư vào ngành thép và có thể nhập khẩu sản phẩm thép nước ngoài để phục vụ nhu cầu xây dựng trong nước với giá rẻ và chất lượng tốt hơn sẽ có lợi về kinh tế cũng như môi trường.
10. VN-Index vượt đỉnh 8 năm
Năm 2016 chứng kiến sự khởi sắc của thị trường chứng khoán khi VN-Index liên tiếp lập đỉnh mới. Ngày 13/7, chỉ số này đã đạt 675,12 điểm và đang dần lấy lại những thiệt hại kể từ năm khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Tại buổi Họp báo chuyên đề tháng 8, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là 1 trong 5 thị trường thế giới có mức tăng trưởng cao nhất và có mức sinh lời lớn nhất trong quý II/2016 tại khu vực Đông Nam Á.
Hiện tại, với những nhịp điều chỉnh nhất định, chỉ số VN-Index còn 663,07 điểm. Tuy nhiên, với việc liên tiếp có những mặt hàng mới là cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước lớn như Sabeco, Habeco… giao dịch và những đợt thoái vốn quy mô lớn của SCIC, dự kiến, thị trường chứng khoán sẽ còn diễn biến sôi động vào cuối năm nay và đầu năm 2017.
Nguồn tin: Pháp luật