Sáng 29/12, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) tổ chức Họp báo công bố số liệu kinh tế-xã hội quý IV/2022 và năm 2022.
GDP năm 2022 tăng 8,02%
Theo Tổng cục Thống kê, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,7% và 5,17% của cùng kỳ năm 2020 và 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,22%; khu vực dịch vụ tăng 8,12%.
Về sử dụng GDP quý IV/2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,12% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 82,6% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 5,61%, đóng góp 43,78%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 6,14%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 4,83%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ làm giảm 26,38%.
Cả năm 2022, Tổng cục Thống kê ước tính, GDP tăng 8,02% (quý I tăng 5,05%; quý II tăng 7,83%; quý III tăng 13,71%; quý IV tăng 5,92%) so với năm trước do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%.
Khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Ngành bán buôn, bán lẻ tăng 10,15% so với năm trước, đóng góp 0,97 điểm phần trăm; ngành vận tải kho bãi tăng 11,93%, đóng góp 0,69 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 40,61%, đóng góp 0,79 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,03%, đóng góp 0,53 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 7,80%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,88%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,26%; khu vực dịch vụ chiếm 41,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,53%.
Về sử dụng GDP năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,18% so với năm 2021, đóng góp 49,32% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 5,75%, đóng góp 22,59%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,86%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,16%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 28,09%.
GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động, tăng 622 USD so với năm 2021).
Về tình hình doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê cho hay, tính chung năm 2022, cả nước có 208,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 30,3% so với năm trước; bình quân một tháng có 17,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 143,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 19,5%; bình quân một tháng có 11,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tháng 12/2022, CPI giảm 0,01% so với tháng trước, tăng 4,55% so với tháng 12/2021. CPI bình quân quý IV/2022 tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2022, CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,15%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.
Lý giải nguyên nhân làm tăng CPI trong năm 2022, Tổng cục Thống kê cho rằng, giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới. Trong năm 2022, giá bán lẻ gas được điều chỉnh tăng 5 đợt và giảm 7 đợt, bình quân năm 2022 gas tăng 11,49% so với năm 2021, làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm.
Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon tăng trong dịp Lễ, Tết làm cho giá gạo năm 2022 tăng 1,22% so với năm 2021, làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm.
Giá các mặt hàng thực phẩm năm 2022 tăng 1,62% so với năm 2021, làm CPI tăng 0,35 điểm phần trăm, trong đó giá thịt bò tăng 0,8%; giá thịt gà tăng 4,29%.
Giá nhà ở và vật liệu xây dựng năm 2022 tăng 3,11% so với năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, làm CPI chung tăng 0,59 điểm phần trăm.
Giá dịch vụ giáo dục năm 2022 tăng 1,44% so với năm 2021 (làm CPI chung tăng 0,08 điểm phần trăm) do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí năm học 2022-2023.
Ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu, theo đó giá vé máy bay năm 2022 tăng 27,58% so với năm trước; giá vé tàu hỏa tăng 10,96%; giá vé ô tô khách tăng 12,15%; giá du lịch trọn gói tăng 8,27%.
Tổng cục Thống kê nhận định: "Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra".
Nguồn tin: Thế giới & Vêt nam