Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) nhận định kinh tế Việt Nam có thể xuống điểm đáy vào cuối năm nay trước khi đi lên từ 2010. Khu vực kinh tế Đông Á mới nổi sắp bước vào giai đoạn chuyển tiếp từ suy thoái đến phục hồi.
ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% vào 2010, cao thứ hai trong khu vực Đông Á mới nổi (gồm 10 thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, Hong Kong, Hàn Quốc và Đài Loan), chỉ sau Trung Quốc. Tăng trưởng hai quý đầu năm nay của Việt Nam lần lượt là 3,1% và 4,4%, với dự báo 4,5% cho cả năm 2009. Năm nay, có tới 8 nước trong số 14 quốc gia trong khu vực có tăng trưởng âm.
Suy thoái sâu ở Mỹ, châu Âu, và Nhật Bản vẫn tiếp tục tác động đến các nền kinh tế mới nổi ở khu vực Đông Á, đặc biệt là các nước nhỏ chủ yếu dựa vào xuất khẩu như Việt Nam. Tuy nhiên, gói tài khóa tại những nền kinh tế chủ chốt trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, đang bắt đầu phát huy tác dụng.
"Đông Á mới nổi có thể phục hồi theo dạng chữ V, với tăng trưởng đạt tới điểm đáy trong năm 2009 trước khi đi lên trong năm 2010", ông Jong-Wha Lee, Trưởng ban Kinh tế ADB kiêm Giám đốc Văn phòng Hội nhập Kinh tế Khu vực, phát biểu.
Tuy nhiên, với những đặc tính tạm thời của dự báo phục hồi, đây là thời điểm quan trọng để các nhà chức trách giữ vững định hướng hỗ trợ nhu cầu trong nước và tăng trưởng. Theo ADB, các chính sách tiền tệ và tài khóa trong khu vực cần giữ ở mức đủ đáp ứng cho đến lúc phục hồi có được lực đẩy căn bản.
Ông Lee phát biểu: "Cải cách chế tài cần phải xóa bỏ các khoảng trống và những trùng lặp, tránh trục lợi, nâng cao tính minh bạch, và nâng cao sự điều phối giữa các cơ quan hữu quan. Đông Á mới nổi cần củng cố lại sự hợp tác trong việc nâng cao sự ổn định về tài chính thông qua đẩy nhanh các sáng kiến khu vực, và tham gia tích cực vào việc xây dựng một cấu trúc tài chính toàn cầu mới".
VnE