Nhận định này vừa được nhóm phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) đưa ra tại báo cáo mới nhất của mình.
Ảnh: Internet.
Báo cáo cho biết, lạm phát tiếp tục được duy trì ở mức ổn định, mặc dù đã cho thấy dấu hiệu chạm đáy và đi lên trong 4 tháng đầu năm và giảm trở lại vào tháng 5 và tháng 6 nhờ giá xăng dầu và giá thực phẩm giảm mạnh. CPI tháng 6 2017 tăng 4.1% so với cùng kỳ và được kỳ vọng giữ ổn định trong 6 tháng cuối năm.
Cùng với đó, Việt Nam đã nhập siêu trở lại trong nửa đầu năm 2017 với mức nhập siêu là 2.7 tỷ USD. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đạt 97.8 tỷ USD. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 100.5 tỷ USD.
Tăng trưởng sản xuất công nghiệp suy giảm trong quý 1 và phục hồi nhẹ trở lại vào quý 2 (với mức tăng chỉ đạt 6.2.% so với mức tăng 8.6% của cùng kỳ) chủ yếu do lĩnh vực khai khoáng và chế biến chế tạo suy yếu do giá dầu thô giảm mạnh và sự suy giảm nhất thời hoạt động sản xuất của Samsung. Tuy nhiên sản xuất công nghiệp nói chung thể hiện qua chỉ số PMI vẫn khả quan khi dao động quanh mức 50 điểm trong các tháng đầu năm và tăng cao trên 50 điểm từ tháng 4 trở đi.
Tăng trưởng GDP Việt Nam có dấu hiệu chững lại trong nửa đầu năm 2017 với mức tăng GDP chỉ đạt 5.73%, cao hơn một chút so với mức tăng 5.65% của 6 tháng đầu năm 2016. Với đà này, MBS nhận định: Kinh tế vĩ mô của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì ổn định và tăng trưởng tốt hơn song sẽ khó đạt kế hoạch đề ra là 6,7%.
Nguyên nhân chủ yếu theo MBS là do mặt bằng lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức thấp và tăng trưởng tín dụng cao tiếp tục hỗ trợ đầu tư và tiêu dùng từ khu vực tư nhân tiếp tục phục hồi. Song yếu tố tiêu cực làm giảm tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2017 là giá dầu mỏ giảm sâu (làm giảm sản lượng lĩnh vực khai khoáng gần 10%) vẫn sẽ tiếp tục tồn tại.
Bên cạnh đó, rủi ro áp lực lạm phát sẽ gia tăng vào cuối năm khi NHNN đã duy trì mức độ tăng trưởng cung tiền và tín dụng cao năm thứ 2 liên tiếp cũng là một yếu tố khiến mặt bằng lãi suất tăng lên qua đó làm giảm triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế.
“Trong năm 2017, MBS kỳ vọng GDP sẽ tăng trưởng khoảng 6.35%, lạm phát sẽ không còn ở mức thấp và ở mức 4.5% do áp lực tăng giá của các hàng hóa công như y tế, giáo dục và điện. Thị trường ngoại hối sẽ bất ổn hơn vào cuối năm với biên độ tăng tỷ giá VND/USD 1-2%. Tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ vào khoảng 18-19%, mặt bằng lãi suất sẽ duy trì ở mức như hiện nay để hỗ trợ khu vực doanh nghiệp và tăng nhẹ vào cuối năm khi lạm phát gia tăng”. – MBS đưa cho biết.
Cũng theo báo cáo của MBS, chính sách tài khóa không còn nhiều dư địa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khi thâm hụt ngân sách nửa đầu năm 2017 vẫn duy trì mức cao. Thâm hụt ngân sách ước tính đến 15/6/2017 đạt mức 32.5 nghìn tỷ VNĐ (không tính chi trả nợ gốc). Nợ công tiệm cận mức 65% GDP. Áp lực thâm hụt ngân sách lớn khiến chi tiêu công sẽ khó tăng đáng kể trong nửa cuối năm 2017.
Ngoài ra, chính sách tiền tệ tiếp tục được NHNN điều hành theo định hướng nới lỏng có kiểm soát nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và kiểm soát lạm phát. Trong nửa đầu năm 2017, NHNN đã giảm bơm VNĐ vào hệ thống thông qua việc giảm mua vào USD và không bơm nhiều tiền mặt thông qua kênh OMO thể hiện quan điểm điều hành thận trọng hơn. Tuy nhiên dư địa của nới lỏng thêm nữa chính sách tiền tệ đã không còn khi lạm phát không còn duy trì ở mức thấp.
Ngày 21/6, Quốc hội khóa XIV Việt Nam đã chính thức thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nghị quyết này được thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 15/8/2017.
“Chúng tôi đánh giá các điểm nghẽn trong quá trình xử lý nợ xấu đều do hệ thống pháp lý còn nhiều bất cập và do đó nghị quyết xử lý nợ xấu của Quốc hội đóng vai trò rất quan trọng bởi lẽ đã xây dựng được một cơ chế đặc thù để xử lý các vấn đề đặc thù trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu”. – báo cáo của MBS cho biết.
Cũng theo báo cáo này, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận để tạo ra các bước đột phá về thể chế trong năm 2017 trong đó xây dựng chính phủ kiến tạo và nghị quyết xử lý nợ xấu là trọng tâm nổi bật. Tuy nhiên hoạt động tái cơ cấu đầu tư công và khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn diễn ra chậm và chưa đạt kỳ vọng đề ra.
Xét về tổng thể nền kinh tế Việt Nam đã chính thức chạm đáy trong năm 2012 và tiếp tục trong xu hướng đi lên từ năm 2013 cho đến hết năm 2015 trước khi chững lại trong năm 2016 và nửa đầu 2017 do các yếu tố khách quan. MBS kỳ vọng xu hướng đi lên của nền kinh tế vẫn được duy trì trong 2017. Tuy nhiên, áp lực lạm phát gia tăng, mặt bằng lãi suất đã chạm đáy và bắt đầu đi lên, dư địa nới lỏng chính sách không còn nhiều cho thấy nền kinh tế Việt Nam có khả năng đang trong giai đoạn cuối của một chu kỳ tăng trưởng. MBS dự đoán nền kinh tế Việt Nam sẽ tạo đỉnh năm 2018 và chững lại trong năm 2019 và 2020.
Nguồn tin: Phụ nữ