Bản dự báo chủ yếu tập trung vào giai đoạn 2010-2011, nhất là các vấn đề về tăng trưởng và tài chính.
Thách thức trong ngắn hạn
Theo EIU, dù tăng trưởng tích cực trong dài hạn, kinh tế Việt Nam trong năm 2010 và 2011 sẽ gặp nhiều thách thức. Tỉ lệ tăng trưởng có cao hơn năm 2009 (5,4%), nhưng không trở lại mức trên 8% như thời kỳ trước suy giảm.
Trong giai đoạn 2010-2011, tăng trưởng trong nước sẽ cải thiện do kinh tế toàn cầu phục hồi, thúc đẩy xuất khẩu. Mức tăng gần đây trong nhập khẩu cũng cho thấy nhu cầu tiêu dùng và đầu tư đang củng cố.
Tuy nhiên, các giải pháp chống suy giảm vào năm 2009 nhiều khả năng làm giảm độ linh hoạt về chính sách. Nhà nước sẽ không tiến hành thắt chặt mạnh mẽ chính sách tiền tệ trong năm 2010, do e ngại làm nền kinh tế thiếu vốn, ngăn cản hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, lạm phát tăng cao và thất nghiệp tiếp diễn (do khả năng tạo việc làm thấp) có thể ngăn cản tăng trưởng tiêu dùng trong thời gian tới.
Làm hàng gỗ xuất khẩu sang châu Âu tại công ty CP gỗ Đức Thành (TP.HCM). Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao hơn mức trung bình của khu vực (Ảnh: TTXVN) |
Khu vực công nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh, có cải thiện về sản lượng so với năm 2009. Tuy nhiên, nhu cầu hàng xuất khẩu của Việt Nam trong hai năm tới vẫn chưa bắt kịp thời kỳ trước suy thoái. Tốc độ tăng đầu tư nước ngoài đối đối với các ngành sản xuất được dự báo là tương đối chậm trong ngắn hạn.
Theo đà tăng tích cực từ năm 2009, lĩnh vực xây dựng sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ đầu tư của nhà nước trong các dự án phát triển hạ tầng và mở rộng không gian văn phòng. Lĩnh vực dịch vụ, động cơ phát triển chính trong năm 2009, cũng sẽ tăng mạnh với đóng góp chủ yếu từ ngành bán lẻ và tài chính. EIU dự báo tăng trưởng GDP hàng năm của Việt Nam sẽ ở mức mức 6,7% trong giai đoạn 2010-2011 và khoảng 7,3% trong giai đoạn 2012-2014.
Tình hình tài chính tiếp tục khó khăn
Các chỉ số chính | 2009 | 2010 | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 |
Tăng trưởng GDP (%) | 5.4 | 6.4 | 6.9 | 7.3 | 7.1 | 7.4 |
Lạm phát giá tiêu dùng (%) | 7 | 9.3 | 9.1 | 8.2 | 7.8 | 7.2 |
Cân đối ngân sách (% GDP) | -8.9 | -7.7 | -6.7 | -5.9 | -5.5 | -4.9 |
Cán cân tài khoản vãng lai (% GDP) | -8.3 | -7.7 | -6.6 | -6 | -5.7 | -4.7 |
Lãi suất cơ bản (%) | 10.4 | 13.8 | 13.5 | 13.5 | 11.1 | 10.5 |
Ti giá (so với USD) | 17,800 | 19,044 | 19,443 | 19,857 | 20,239 | 20,642 |
Nguồn: EIU |
EIU đánh giá tình hình tài chính Việt Nam tiếp tục yếu ớt đến năm 2014, do chi tiêu nhiều và liên tục. Việt Nam sẽ dựa vào nguồn vốn từ các nhà tài trợ và có khả năng phát hành trái phiếu quốc tế từ nay đến năm 2014.
Lạm phát sẽ tăng trong năm 2010 trước áp lực về nguồn cung và tăng giá hàng tiêu dùng thế giới. Dự báo, tỉ lệ lạm phát sẽ ở mức trung bình 9,2% trong giai đoạn 2010-2011 và giảm còn 7,3% giai đoạn 2012-2014. Đồng VND vẫn chịu áp lục giảm trước tình hình thâm hụt thương mại và mối lo lạm phát và sẽ ở mức trung bình 19.044 VND /USD năm 2010 và 19.443 VND/USD năm 2011.
Cán cân vãng lai tiếp tục thâm hụt trong năm 2010-2011. Dù xuất khẩu hồi phục, mức nhập khẩu tăng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước sẽ làm tình trạng thâm hụt thương mại tiếp diễn ở mức độ đáng lo ngại trong năm nay. Cán cân dịch vụ cũng như thu nhập từ kiều hối và đầu tư) cũng thâm hụt.
Sau khi giảm năm 2009, dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ tăng trong giai đoạn 2010-2014, nhờ thành công trong phát hành trái phiếu và đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng. Tuy nhiên, dự trữ ngoại hối sẽ không lấy lại được mức đã có vào năm 2008 trong hai năm tới.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Việt Nam sẽ lên hạng 65 trong 82 quốc gia trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh toàn cầu của EIU (từ hạng 70 trong năm 2009) trong giai đoạn từ 2010-2014. Tuy nhiên thứ hạng này vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực.
Nguồn: SGTT