Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế Việt Nam tiến gần đến mục tiêu kép

 Đang có thêm những cơ sở để khẳng định rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt mục tiêu kép trong năm nay và đích đến đó ngày càng gần hơn sau khi một loạt chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 10/2018 chính thức được công bố vào đầu tuần này.

Mục tiêu kép được đề cập ở đây chính là tăng trưởng GDP và kiểm soát lạm phát. Báo cáo Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh khả năng đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% mà Quốc hội đã quyết nghị, cũng như khả năng kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%. Điều đó thêm một lần nữa được khẳng định nếu nhìn vào các chỉ số kinh tế vĩ mô vừa được công bố.

Trước hết, là mục tiêu kiểm soát lạm phát. Dù vẫn còn những ý kiến cho rằng, cần hết sức thận trọng với điều hành giá cả thị trường những tháng cuối năm, bởi nguy cơ lạm phát cao quay trở lại là có thật, thì việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2018 tăng 0,33% đã phần nào làm vơi bớt nỗi lo này.

Với mức tăng trên, CPI tháng 10/2018 tăng 3,89% so với cùng kỳ năm trước, tăng 3,54% so với tháng 12 năm trước. Nếu tính bình quân, thì CPI 10 tháng đầu năm 2018 tăng 3,6% so với 10 tháng đầu năm trước. Tuy đã tiến khá gần với ngưỡng 4%, nhưng vẫn còn dư địa điều hành để kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4% trong năm 2018. Chỉ cần chủ động, quyết liệu trong điều hành và nếu không có những diễn biến bất thường, thì hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu kiểm soát trong năm nay.

Với mục tiêu tăng trưởng GDP, mọi chuyện có lẽ dễ dàng hơn nhiều, bởi 9 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP đã đạt 6,98% - là mức cao nhất so với cùng kỳ hàng năm kể từ năm 2011 trở lại đây. Tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ cần GDP quý IV/2018 tăng trưởng 6,14% là mục tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm sẽ đạt được. Trong khi đó, có nhiều nhân tố cho thấy, tốc độ tăng GDP quý IV sẽ cao hơn so với con số này.

Trước hết là bởi quy luật tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước đang có xu hướng quay trở lại. Sau nữa, kể từ năm 2013 trở lại đây, chưa năm nào, GDP quý IV tăng trưởng dưới 6,5%. Và cuối cùng là vì trong tháng đầu tiên của quý IV/2018, các chỉ số kinh tế vĩ mô rất khả quan.

Có thể lấy một vài chỉ số để chứng minh điều này. Chẳng hạn, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của cả nước trong 10 tháng qua ước tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức tăng 9,6% của cùng kỳ năm 2017. Mới 10 tháng, nhưng kim ngạch xuất khẩu đã vượt ngưỡng 200 tỷ USD, ước đạt 200,27 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư ở mức cao, sau 10 tháng đã lên tới 6,4 tỷ USD. Xuất siêu lớn sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng của Việt Nam.

Chưa kể thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài 10 tháng qua cũng rất ấn tượng, với 27,9 tỷ USD vốn đăng ký và 15,1 tỷ USD vốn giải ngân. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước cũng khả quan, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước (trong khi cùng kỳ năm 2017 chỉ tăng 7,1%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng ước tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 9,31% (cùng kỳ năm 2017 tăng 8,79%).

Như vậy, tín hiệu đều tích cực ở cung và cầu. Đây là cơ sở để thêm tin tưởng, năm nay nền kinh tế sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP đã đề ra.

Không còn nghi ngờ gì nữa, năm 2018 sẽ tiếp tục là một năm thành công của kinh tế Việt Nam. Mặc dù vậy, cũng vẫn phải lưu tâm đến sức ép lạm phát, tới những vấn đề cốt lõi trong chất lượng tăng trưởng. Đây chính là những điều đã được đại biểu Quốc hội đề cập trong các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, cũng như phiên chất vấn và trả lời chất vấn những ngày qua.

Nguồn tin: Đầu tư

ĐỌC THÊM