Kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu hồi phục tích cực và Việt Nam là một trong những nước ở khu vực châu Á có tốc độ tăng trưởng khá nhanh sau cuộc khủng hoảng.
Những nội dung trên đã được các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đề cập đến tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam và thế giới năm 2010 - Cơ hội xuất khẩu và phát triển kinh tế địa phương” tại Cần Thơ.
Đại diện cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho rằng, bên cạnh sự hồi phục chung thì kinh tế thế giới cũng bắt đầu xuất hiện những nhiễu loạn tài chính, đó là tình hình nợ công ở các nước châu Âu. Mặc dù chưa thực sự tác động đến nền kinh tế Việt Nam, nhưng ngay lúc này, Việt Nam cần có những bước chuẩn bị như củng cố các chỉ số kinh tế vĩ mô đã đưa ra và nhất là ổn định tài chính trong hoạt động của hệ thống các ngân hàng.
Như vậy, tái cơ cấu kinh tế là cách mà các doanh nghiệp cần làm ngay. Cụ thể, các doanh nghiệp cần tái cơ cấu ngành, phát triển các ngành công nghiệp chế tác sâu hơn, tăng tính liên kết, hợp tác vùng. Thống kê cho thấy, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chỉ có khoảng 5% là hàng công nghệ cao, 40% là nông sản chưa qua chế biến và đến 27% là hàng công nghệ thấp.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang hồi phục nhưng chưa mang tính ổn định, những thông tin trên được xem là cần thiết, giúp các doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn chiến lược kinh doanh phù hợp trong thời gian tới.
VTV