Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế Việt Nam vẫn đan xen những "gam màu" sáng, tối

Không riêng gì Việt Nam mà kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức, đứng trước nguy cơ, tiềm ẩn những bất ổn xã hội. Tùy theo điều kiện cụ thể của mỗi nước, mức độ khó khăn thách thức đối với nền kinh tế và cách thức giải quyết cũng khác nhau. 
 

 

 

 

Đối với nền kinh tế Việt Nam, chúng ta cũng đang phải đương đầu với các khó khăn thách thức tiếp tục “đeo bám”, đó là lạm phát và nhập siêu vẫn ở mức cao khiến các cân đối lớn chưa bảo đảm. Thiên tai, dịch bệnh gây hại, biến động khó lường của thị trường thế giới đã tác động bất lợi đối với nền kinh tế Việt Nam.

Trong bối cảnh như vậy,  theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, với việc chủ động trong triển khai quyết liệt 6 giải pháp theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ, “bức tranh” kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2011 đã có những “gam sáng” đáng mừng. Vượt lên những khó khăn thách thức khi giá cả nguyên, nhiên liệu “đầu vào” trên thế giới được thiết lập ở mặt bằng mới rất cao, thiên tai, dịch bệnh, nhưng tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm 2011 đạt 5,57% so với cùng kỳ 2010; trong đó cả ba khu vực: Công nghiệp và xây dựng; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ đều có mức tăng khá. Chỉ số công nghiệp toàn ngành sáu tháng qua vẫn tăng 9,7% (cao hơn mức tăng 8% của sáu tháng đầu năm 2010). Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sáu tháng qua đạt 42,3 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ 2010 do tăng về giá và lượng xuất khẩu một số mặt hàng nông thổ sản và xăng dầu. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sáu tháng đầu năm tăng 14,7%. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều có kim ngạch tăng cao từ 17,7-28,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó hàng dệt may có kim ngạch đạt cao nhất là 6,1 tỷ USD, tăng 28,4%, vượt xa kim ngạch xuất khẩu tới 2,7 tỷ USD. Đây chính là dấu hiệu đáng mừng cho thấy xu hướng xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao đang chiếm tỷ trọng lớn dần so với xuất khẩu tài nguyên thô.

Mặc dù lạm phát hiện vẫn ở mức cao nhưng trong hai tháng qua, lạm phát cũng đã có dấu hiệu giảm dần trong điều kiện giá xăng đã tăng tới 30%, giá điện tăng, tỷ giá USD/VNĐ tăng. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi sáu tháng đầu năm ước tính là 2,4%, thấp hơn nhiều so với mức 4,1% của sáu tháng cùng kỳ 2010. Số lượt hộ thiếu đói giảm 13,3%, số lượt nhân khẩu thiếu đói giảm 4,7% so với cùng kỳ nhờ Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương có các chính sách hỗ trợ kịp thời, trực tiếp. Trong khi đó, bội chi ngân sách 6 tháng qua là 30 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,8% GDP và là con số thấp so với cùng kỳ; tạo cơ sở để giữ bội chi ngân sách cả năm ở mức 5%... 

Tuy vậy, trên Internet vẫn có những tin, bài đăng tải với cách nhìn phiến diện, cố tình xuyên tạc tình hình kinh tế xã hội Việt Nam, dựng chuyện nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phủ nhận thành quả mà nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước đã nỗ lực đạt được. Táo tợn hơn, họ lớn tiếng kích động dân chúng “trỗi dậy”, “phản kháng” gây bất ổn xã hội, hòng làm suy sụp kinh tế như  đã áp dụng thành công ở nhiều nơi để dễ bề can thiệp vào công việc nội bộ. Nhưng những con số thống kê nêu trên là bằng chứng không thể phủ nhận việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội bước đầu đã phát huy hiệu quả trước những khó khăn thách thức gay gắt, đồng thời bác bỏ những luận điệu xằng bậy, cố tình xuyên tạc tình hình kinh tế xã hội Việt Nam.

 Thực tế nêu trên cũng đã được bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đánh giá một cách khách quan tại Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) năm 2011 diễn ra tại Hà Tĩnh ngày 9/6: “Nghị quyết 11 của Chính phủ Việt Nam có bước khởi đầu rất tốt, nhất là trong việc tái lập và củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ người nghèo trước sự bất ổn của kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 11 mới đi được giai đoạn đầu và cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới”.

Không thỏa mãn với kết quả bước đầu đạt được trước những khó khăn thách thức mang tính toàn cầu, với thái độ thực sự cầu thị lắng nghe, phân tích thông tin phản hồi nhiều chiều, tiếp thu góp ý mang tính xây dựng, nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật, kinh tế Việt Nam  vẫn có những “gam tối” đáng ngại. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng qua đã tăng 13,29% so với tháng 12/2010 và tăng 16,03% so với bình quân cùng kỳ do chi phí dẫn tới giá thành sản phẩm tăng, giá bán lẻ tăng và CPI tăng. Đây là quy luật không thể cưỡng được khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới; đồng thời là quy luật mà Việt Nam phải chấp nhận để đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động và thoát khỏi nguy cơ đình trệ sản xuất. “Gam tối” đáng ngại nhất gây nên các tác động trễ bất lợi cho nền kinh tế, nhất là trong thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 15% và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác chính là việc tích tụ dư nợ tín dụng và cung tiền mặt tăng cao trong nhiều năm khiến cho mất cân đối lớn “tiền và hàng”.

 Do vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng mất cân đối vẫn tiếp diễn, nhập siêu vẫn cao trong thời gian tới. Trong sáu tháng đầu năm, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 2,33%, dư nợ tín dụng tăng 7,05%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trong khi CPI vẫn tăng cao chính là minh chứng cụ thể nhất về sự tích tụ đáng ngại này. Theo dãy số liệu thống kê của Vụ Tài khoản Quốc gia từ năm 2006 đến nay, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán qua các năm luôn ở mức từ trên 20%/năm và đạt mức đỉnh 43,6% vào năm 2007 đã gây ra các tác động trễ. 

Cùng với các tác động trễ bất lợi, tình trạng nhập siêu (đã loại trừ vàng) sáu tháng khoảng 7,5 tỷ USD, bằng 18,1% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu vẫn đang là thách thức lớn lên tỷ giá, thâm hụt ngân sách, cán cân thanh toán… Cơ cấu hàng nhập khẩu cũng đã có sự thay đổi cần lưu tâm; trong đó, tỷ trọng nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng đã tăng 8,2% so với mức tăng 7,2% cùng kỳ 2010 trong khi tỷ trọng nhóm hàng tư liệu sản xuất lại giảm từ 92,2% xuống 91,3%. Thêm vào đó, việc điều chỉnh giá điện, giá xăng, tăng lương trong bối cảnh lạm phát vẫn tăng cao, lãi suất chưa thể hạ nhiệt đang là thách thức rất lớn đối với nền kinh tế xã hội Việt Nam từ nay đến cuối năm và có thể sang cả đầu năm 2012. 

Xuất phát từ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán (cung tiền mặt ra thị trường M2) trong 6 tháng đầu năm rất thấp. Vì vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia, chính sách điều hành kinh tế vĩ mô (chính sách tiền tệ và tài khóa) trong 6 tháng cuối năm và những năm tới phải hết sức linh hoạt khi việc thực hiện đủ hai chỉ tiêu này sẽ có thể cộng hưởng với quy luật tiêu dùng “nóng” cuối năm dẫn tới CPI có thể tăng mạnh  trong 3 tháng cuối năm. Trong khi CPI 6 tháng đã “cán” mức 13,29%, dư địa chỉ còn 1,71% cho 6 tháng cuối năm nên việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm ở mức 15% sẽ cực kỳ khó thực hiện. Chuỗi số liệu lạm phát trong 15 năm gần đây cho thấy: Mức tăng trung bình của 6 tháng cuối năm thường ở mức trên 3% (trừ năm bất thường 2008 là 1,22%) nên CPI cả năm 2011 sẽ phải tăng trên 16%. Do đó, việc thắt chặt tiền tệ để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát là cần thiết nhưng nếu không có sự phối hợp chính sách linh hoạt, tình trạng lãi suất cao kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội, thậm chí sản xuất đình đốn có thể làm tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. 

Một điều đáng quan tâm để giải quyết đối với kinh tế Việt Nam hiện nay là lạm phát có chiều hướng giảm nhưng lãi suất vẫn tiếp tục căng thẳng do tiền quay lại ngân hang ở mức thấp. Chỉ tiêu Chính phủ đặt ra cho năm 2011 là tổng phương tiện thanh toán tăng 16%, nhưng trong 5 tháng đầu năm, M2 chỉ tăng 1,59%. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước cần triển khai các chính sách linh hoạt theo tiêu chí tốc độ tăng trưởng M2 phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP nhằm duy trì thanh khoản của các ngân hàng thương mại, đồng thời hạ lãi suất tái cấp vốn để phát đi dấu hiệu hạ nhiệt lãi suất cho thị trường trong những tháng tới. Thực hiện chính sách linh hoạt đó, kinh tế Việt Nam sẽ vượt lên, biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội để phát triển, lấy lại đà tăng trưởng cao theo hướng bền vững. Trên cơ sở đó, dự báo của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2011 sẽ ở mức trên 6%./. 

Nguồn tin: Tamnhin.net

ĐỌC THÊM