Kết thúc 6 tháng đầu năm, chuyển sang 6 tháng cuối năm luôn là thời điểm thích hợp để các nhà quản lý cũng như các nhà hoạch định chính sách đưa ra các dự báo, giải pháp cho nền kinh tế trong cả 12 tháng.
Vững vàng đi trên... “dây”
(Ông Nguyễn Xuân Phúc - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ)
"Vừa tăng trưởng mà vừa phải chống lạm phát là một thách thức rất lớn và có thể so sánh như đi trên “dây”, giữ được thăng bằng là việc rất khó mà thực sự trong 6 tháng đầu năm Chính phủ đã làm được. Trong 6 tháng cuối năm cũng vậy.
6 tháng đầu năm, nền kinh tế bị suy giảm nhưng không rơi vào tình trạng khủng hoảng, suy thoái và đang có chiều hướng tăng dần. Những giải pháp của Chính phủ đã có hiệu quả và trong điều hành sẽ tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt để đảm bảo các mục tiêu kinh tế, xã hội mà kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII đã đề ra, đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn.
Thời gian qua, Chính phủ đã có dự báo, đánh giá đúng và sát tình hình, kịp thời có những chuyển hướng linh hoạt để ứng phó với những biến động bất lợi của kinh tế toàn cầu, không để kinh tế đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng, suy thoái, mà đang dần ổn định và tăng trưởng trở lại.
Tính linh hoạt và quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ được thể hiện rõ trong việc từ trọng tâm chống lạm phát chuyển sang chống suy giảm kinh tế. Từ các giải pháp đối phó ngắn hạn đã đề ra và thực thi các giải pháp trung và dài hạn, mà điển hình là yêu cầu chỉ đạo mới đây về tái cơ cấu nền kinh tế thời hậu khủng hoảng kinh tế thế giới".
Xuất khẩu 6 tháng cuối năm chắc chắn cải thiện!
(Ông Bùi Xuân Khu - Thứ trưởng Bộ Công Thương)
"Để đạt kim ngạch xuất khẩu năm 2009 tăng 3%, đạt 64,68 tỷ USD thì 6 tháng cuối năm xuất khẩu cả nước phải đạt trên 37 tỷ USD, tức 1 tháng phải đạt gần 6,2 tỷ USD. Đây là con số rất cao, nếu không có các biện pháp thật quyết liệt thì rất khó đạt được.
Dự báo xuất khẩu thời gian tới sẽ khả quan hơn do giá một số hàng hóa công nghiệp, đặc biệt là dầu thô, đang nhích lên, kim ngạch xuất khẩu sẽ được cải thiện.
Trong quý 1, một số doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng. Vì thế, mặc dù các doanh nghiệp đã rất cố gắng nhưng kết quả của toàn ngành đạt ở mức thấp.
Dù vậy, do tận dụng được gói kích cầu của Chính phủ, nên trong khó khăn nhiều doanh nghiệp trong ngành đã tranh thủ cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tiến độ đầu tư các dự án...
Vì vậy, tháng 5, tháng 6, hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp bắt đầu có dấu hiệu phục hồi như giấy, dệt may, da giày... góp phần vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.
Một tín hiệu khá tích cực đó là kim ngạch một số mặt hàng chủ lực đang có xu hướng tăng qua các tháng. Mặt hàng dệt may do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới trong những tháng đầu năm, nên thị trường tiêu thụ bị thu hẹp.
Sang các tháng 5 và 6, ngành dệt may, da giày đã có dấu hiệu khởi sắc, đặc biệt trong tháng 6, nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu đến hết năm 2009. Kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 4 tỉ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại 6 tháng đầu năm mặc dù chỉ đạt hơn 2 tỉ USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ, nhưng tín hiệu đáng quan tâm là xuất khẩu của ngành da giày sang thị trường Hoa Kỳ tăng khoảng 9% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu các mặt hàng nông sản, khoáng sản đã huy động tối đa về sản lượng. Dự đoán, giá nông sản hiện nay đang có xu hướng tăng trở lại, đặc biệt giá dầu thô tăng cao như hiện nay thì kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm 2009 chắc chắn sẽ được cải thiện vì mặt hàng này tăng sẽ kéo theo giá nhiều mặt hàng khác tăng theo và đây cũng là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam".
Ổn định lãi suất 6 tháng cuối năm
(Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước)
"Trong tháng 7/2009, Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất cơ bản là 7%/năm, cho thấy mục tiêu kiểm soát lãi suất thị trường tiếp tục theo hướng ổn định, dựa trên các cơ sở:
Thứ nhất, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước 6 tháng đầu năm có chuyển biến tích cực (GDP đạt 3,9%; chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,68%; nhập siêu 2,1 tỷ USD).
Thứ hai, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và hộ sản xuất giảm dần khó khăn và tiếp tục phát triển. Theo số liệu gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có 91% số doanh nghiệp duy trì và ổn định sản xuất - kinh doanh, giữ được việc làm.
Thứ ba, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng ổn định, đảm bảo an toàn, cung - cầu vốn không có biến động lớn, vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng đảm bảo khả năng thanh toán, lãi suất USD giảm, tỷ giá không có biến động lớn.
Thứ tư, theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành, kinh tế trong nước và hoạt động sản xuất - kinh doanh trong những tháng cuối năm 2009 có chiều hướng ổn định và thuận lợi hơn.
Trong những tháng cuối năm 2009, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới chậm lại, kinh tế và hoạt động sản xuất-kinh doanh trong nước sẽ giảm bớt khó khăn và thuận lợi hơn so với 6 tháng đầu năm.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành lãi suất cơ bản và kiểm soát lãi suất thị trường theo hướng ổn định thông qua các biện pháp chủ yếu.
Một là, giữ ổn định lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn và chiết khấu, kết hợp với việc điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ khác để kiểm soát chặt chẽ diễn biến tiền tệ trong nền kinh tế.
Hai là, tiếp tục thanh tra, giám sát việc thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất, thực hiện các tỷ lệ an toàn và pháp luật về quản lý ngoại hối, cho vay lãi suất thỏa thuận để đảm bảo an toàn hoạt động kinh doanh và khả năng thanh toán của ngân hàng thương mại, đồng thời xử lý nghiêm khắc những vi phạm của tổ chức tín dụng.
Ba là, phối hợp với các bộ, ngành khác để thực hiện có hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ, đầu tư và thương mại phù hợp với chủ trương kích cầu của Chính phủ".
Là thảm họa nếu bị “mê hoặc”
(Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam)
"Trong thời gian tới, thế giới sẽ thay đổi rất mạnh, rất nhiều, trong đó có hai xu hướng di chuyển quan trọng.
Thứ nhất là di chuyển công nghệ thấp đến các nước đi sau, các nước kém phát triển. Đây là điểm mà Việt Nam cần phải đặc biệt cảnh giác, nếu không có định hướng rõ thì chúng ta sẽ bị “mê hoặc” bởi giá cả cho không, vì phía sau giá rẻ của công nghệ thấp, gắn liền với nó là nguồn nhân lực chất lượng thấp, sẽ là thảm hoạ lâu dài cho quốc gia và dân tộc.
Một trong những yêu cầu quan trọng của Việt Nam không chỉ trong 6 tháng cuối năm mà trong 10 năm tới là làm sao nền kinh tế Việt Nam không được phép rơi vào cái bẫy thu nhập trung bình.
Một số nền kinh tế Đông Á như Hàn Quốc, Đài Loan đã nỗ lực vượt lên bằng con đường phát triển hướng tới công nghệ cao trên nền tảng không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhờ đó đã không bị rơi vào cái bẫy này. Và một khi không bị rơi vào bẫy thì không gian tiến về phía trước cũng rộng mở.
Chưa có nước nào, kể cả những nước dẫn đầu như Malaysia, Thái Lan có dấu hiệu vượt qua được cái bẫy này một cách rõ ràng. Thoát khỏi cái bẫy thu nhập trung bình là một bài toán phát triển thuộc loại khó giải nhất, vì vậy phải tập trung làm rõ vấn đề này như là một trong những quan điểm chi phối cách tư duy chiến lược của ta trong giai đoạn tới, là yêu cầu tối cao đặt ra cho chiến lược, cho quá trình tái cấu trúc kinh tế.
Thứ hai là luồng di chuyển công nghệ cao. Những nước nghèo, những nước kém phát triển cũng muốn nhập cuộc và cũng có cơ hội nhập cuộc. Đây là một cơ hội rất lớn nhưng điều kiện của cho sự nhập cuộc ấy là gì?
Điều quan trọng là phải đổi mới tư duy, bởi vì trong nhiều trường hợp, ở các nước lạc hậu, những tầng nấc văn hoá, tư duy phát triển theo kiểu truyền thống là sức cản rất lớn.
Tác động khủng hoảng ngắn hạn làm cho nền kinh tế và xã hội gặp nhiều khó khăn, cộng hưởng với những khó khăn to lớn trong hai năm gia nhập WTO mà nền kinh tế còn chưa thoát ra khỏi thì khủng hoảng kinh tế thế giới ập đến.
Tại sao trong 2 năm sau khi gia nhập WTO, chúng ta lại gặp nhiều khó khăn đến vậy, cái cộng hưởng của 2 năm đó là thế nào?
Sau khủng hoảng, ta có thể thoát khỏi khủng hoảng nhưng những điểm yếu của cơ cấu mà mô hình tăng trưởng không hiệu quả để lại còn nguyên, thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Đây là một câu chuyện lớn cần được kiểm điểm, đánh giá một cách nghiêm túc".
GDP có thể còn trên 5%
(Ông Đỗ Thức - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê)
"6 tháng đầu năm, GDP tăng 3,9%. Để cả năm đạt tăng trưởng 5% như Chính phủ đã trình Quốc hội thì 6 tháng còn lại phải tăng 5,9% so với 6 tháng cuối năm trước. Nếu căn cứ vào số liệu chúng tôi nhận được, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp của tháng 4, tháng 5, tháng 6 với tốc độ tăng tháng sau cao hơn tháng trước thì dự báo khả năng GDP cả năm đạt được là 5%, thậm chí còn có thể trên 5% là có cơ sở.
Về CPI, tốc độ tăng năm nay thấp hơn năm trước trừ tháng 2 tăng 1,17% và tháng 3 giảm 1,17% là những tháng trước và sau Tết Nguyên đán tốc độ có khác thường đôi chút, còn lại những tháng khác tăng không cao (dưới 1%). Dự báo những tháng cuối năm CPI vẫn sẽ duy trì tốc độ tăng như tháng 5, tháng 6 vừa rồi.
Do vậy, nếu chúng ta thực hiện tốt các giải pháp Chính phủ đã đặt ra thì mức tăng CPI khoảng 7-8% như Quốc hội đặt ra là có thể đạt được. Tuy nhiên trong dự báo, chúng tôi vẫn để dự phòng một khoản nhất định khi kinh tế bắt đầu hồi phục, gói kích cầu được giải ngân đưa vào sản xuất, lượng tiền đưa vào lưu thông tăng lên có thể làm tăng chỉ số CPI, dù vậy mức lạm phát cuối năm 2009 vẫn chỉ ở mức dưới 2 con số.
Về gói kích cầu, nếu đúng đối tượng, đúng ngành sản xuất thì sẽ không có nguy cơ gây ra lạm phát tiềm ẩn".
VnE