Như NNVN số 96 đưa tin, sau khi nhiều định chế tài chính tên tuổi như IFM, WB, ADB...đưa ra một loạt kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2009 của VN thì Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ (CIEM) "phát hành" thêm 3 kịch bản nữa. TS Đinh Văn Ân - Viện trưởng CIEM đã nói gì về các kịch bản "made in Vietnam" này?
Cả 3 kịch bản của CIEM đều có chỉ số GDP dương. CIEM lạc quan quá chăng, thưa ông?
Các tổ chức quốc tế đều dự báo kinh tế khu vực Đông Á sẽ giảm còn 5,3%, Trung Quốc giảm còn 6,5% năm 2009 này. Do XK và tín dụng thương mại bị thắt chặt nên GDP của một số quốc gia ASEAN sẽ giảm còn 4,6%.
Trên cơ sở giả định mức tăng GDP các đối tác thương mại của Việt Nam, giá dầu thô thế giới, tỉ giá hối đoái danh nghĩa giữa VND/USD và mức tăng cung tiền tệ, CIEM đã đưa ra 3 kịch bản "nội", khả năng lạm phát cũng như nhịp độ XK. Những chỉ số dự báo của các tổ chức quốc tế đưa ra đều cao hơn, triển vọng hơn rất nhiều dự báo của CIEM (trừ dự báo GDP tăng 0,3% của Cơ quan Thông tin kinh tế của The Economist- EIU). So với những dự báo "ngoại", chúng tôi có nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận thông tin, số liệu thực chất của nền kinh tế Việt Nam nên độ sát thực không thể thấp được.
Tuy nhiên, diễn biến thực tế có khớp với dự báo hay không còn phải phụ thuộc sự điều hành của Chính phủ, các Bộ ngành, DN và nhiều yếu tố khách quan khác.
CIEM dự báo năm 2009 ngân sách thâm hụt 9,4% và lạm phát cao. Điều này sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế?
Giữa lạm phát, thiểu phát và tăng trưởng rõ ràng lạm phát phi mã không hề tốt cho phát triển. Tuy nhiên trong điều kiện một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam thì lạm phát ở một chừng mực nào đó không hẳn xấu, thậm chí còn kích thích tăng trưởng.
Năm 2008, CIEM cũng đưa ra 3 kịch bản dự báo suy thoái cho nền kinh tế trong nước và có hướng nghiêng về kịch bản bi quan. Thực tế diễn ra hoàn toàn khớp với dự báo. Vậy 3 kịch bản năm nay, ông thiên về kịch bản nào?
Dự báo là công việc hết sức khó khăn bởi các yếu tố dùng làm nguyên liệu cho dự báo thay đổi thường xuyên. Mặc dù vậy, năm nào chúng tôi cũng đưa ra 3 kịch bản, và rất mừng là năm 2008 dự báo của CIEM khá chuẩn.
Với các kịch bản kinh tế năm nay, qua số liệu phản ánh kinh tế 4 tháng đầu năm, qua sự quyết liệt thực hiện các nhóm giải pháp chống suy thoái của Chính phủ, cộng thêm đánh giá sức tiêu thụ nội địa trong nước cho thấy khả năng thanh toán của thị trường còn cao hơn con số thống kê. Vì vậy cá nhân tôi kì vọng kịch bản lạc quan nhiều hơn.
Qua theo dõi các kì khủng hoảng trước, Việt Nam luôn "thoát hiểm" sau các nước. Còn với dự đoán của CIEM lần này dường như chúng ta lại phục hồi sớm?
Cuộc khủng hoảng này khác với các lần trước, hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đều phải xác định và cơ cấu lại, quá trình này đòi hỏi một thời gian khá dài. Hiện các giải pháp họ đang thực hiện chỉ là trước mắt nhằm hạn chế tác động xấu. Kinh tế Mĩ, châu Âu bị khủng hoảng nặng nhất, đến nay vẫn chưa chuyên gia nào xác định được đáy, hiện các giải pháp họ đang thực hiện chỉ là trước mắt nhằm hạn chế tác động xấu nên chắc chắn sẽ còn phải mất rất nhiều thời gian.
Trong khi đó, tác động của khủng hoảng đối với nền kinh tế VN không giống như các nền kinh tế châu Âu, chúng ta chỉ chịu ảnh hưởng chứ không phải trực tiếp “gánh” khủng hoảng. Vì vậy VN hoàn toàn có thể xuất hiện điểm xanh phục hồi trước các nền kinh tế khác.
Xin cảm ơn ông!
NNVN