Thông tin đến phóng viên các cơ quan báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá: Qua 10 tháng của năm 2017, tình hình kinh tế- xã hội tiếp tục chuyển biến rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực...
Chiều nay (3/11), cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017 diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông báo tóm tắt về nội dung phiên họp
Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017. Ảnh: VGP
Mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông báo tới các phóng viên về nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017 diễn ra cùng ngày.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận các nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong thời gian tới; tình hình kinh tế- xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2017; thảo luận một số vấn đề thể chế, chính sách như đổi mới cơ chế hoạt động với các đại học công lập, nghị định về nông nghiệp hữu cơ, cơ chế chính sách thí điểm phát triển TP Hồ Chí Minh; cắt giảm các loại phí, chi phí cho doanh nghiệp...
Về tình hình kinh tế- xã hội, các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá: Qua 10 tháng của năm 2017, tình hình kinh tế- xã hội tiếp tục chuyển biến rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Nổi bật là, kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đạt kỷ lục mới, xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh… Việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt, trực tiếp chỉ đạo cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết một thông tin hết sức đáng mừng là ngày 31/10 vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo về môi trường kinh doanh toàn cầu (Doing Business 2018), theo đó, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, từ 82 lên 68. Tổ chức xếp hạng Moody’s cũng nâng đánh giá triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam từ ổn định lên tích cực.
Tuy vẫn còn một số tồn tại và khó khăn thách thức nhưng đánh giá chung, tình hình kinh tế- xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm là tích cực, tạo cơ sở vững chắc phấn đấu đạt mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội cả năm. Kết quả này sẽ tạo đà thuận lợi hơn để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu trong các tháng còn lại và mục tiêu phát triển bền vững của năm 2018- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Thông tin về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không được chủ quan, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng. Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tại phiên họp này, Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính tiếp tục đưa ra các giải pháp cắt giảm các loại phí, chi phí cho doanh nghiệp…
Trong phần trả lời câu hỏi của báo chí Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã giải đáp về các vấn đề: cổ phần hóa doanh nghiệp, giải quyết vướng mắc khi thực hiện Nghị định 67, về Dự án thép Thạch Khê…
Giải đáp về lý do dự thảo cơ chế, chính sách thí điểm phát triển TP Hồ Chí Minh Chính phủ chưa trình để Quốc hội thảo luận trong ngày hôm nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Trong phiên họp hôm nay, Chính phủ đã dành thời gian thảo luận về nội dung này.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Nghị quyết này rất cần thiết với TP Hồ Chí Minh- một đầu tàu kinh tế của cả nước, nơi đóng góp 27- 28% GDP, 25-26% vào Ngân sách chung của cả nước. Các cơ chế thí điểm cho Thành phố gồm: Cơ chế quản lý quy hoạch đô thị, quản lý đất đai; cơ chế quản lý về đầu tư; cơ chế quản lý về tài chính- ngân sách Nhà nước; cơ chế ủy quyền, về thu nhập cán bộ công nhân viên chức thuộc quyền quản lý của Thành phố.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, đây là những nội dung rất lớn, cần được thí điểm để tìm ra sự đột phá, đổi mới, hiệu quả cho Thành phố. Chính phủ đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo để trình tại kỳ họp Quốc hội khóa 14 và đây là một nội dung đã được nêu trong chương trình nghị sự của Quốc hội.
Về chủ trương sắp xếp lại một số ngành có nhiệm vụ chức năng tương đồng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 và đề nghị của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết: Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6 đã nêu rõ việc thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ, có nhắc đến các ngành: Giao thông, tài chính, kế hoạch và đầu tư, tôn giáo, dân tộc...
Bộ Nội vụ được Thủ tướng giao thực hiện chương trình hành động của Nghị quyết, đến nay, Bộ Nội vụ căn cứ Nghị quyết, có những nội dung làm ngay, có những nội dung cần nghiên cứu định hướng làm thí điểm, có nội dung chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIII để triển khai trong thời gian tới- Thứ trưởng Triệu Văn Cường nêu rõ.
Thông tin về cơ chế xử lý đối với Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn là dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn, nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, từ cấp cao nhất, đặc biệt là từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tháng 4/2008, dự án được cấp giấy phép đầu tư; tháng 1/2013, Chính phủ Việt Nam đã cấp giấy bảo lãnh của Chính phủ cho dự án. Từ ngày 25/1/2013, dự án chính thức đi vào hoạt động.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong quá trình hội nhập, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó, nhiều nước có mức thuế khác nhau, vì vậy phát sinh vấn đề dự án này được bảo lãnh của Chính phủ nhưng khi so với các dự án khác có thể cao hơn hay thấp hơn. Chính vì vậy, Chính phủ đã giao các bộ ngành tìm phương án hợp lý nhất trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. “Chúng tôi đã hoàn thành phương án, đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ và ngày 27/10/2017, Ban Cán sự Đảng của Bộ Công Thương đã có báo cáo lên Bộ Chính trị. Hiện đang chờ ý kiến Bộ Chính trị quyết đáp về phương án xử lý thế nào”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Nguồn tin: Công luận