Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm 2010: Tìm lại niềm tin cho chặng đường vượt khó

Đúng như dự báo, kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm 2010 đang cho thấy sự phục hồi tích cực, nhiều chỉ tiêu còn tiến xa hơn nhận định ban đầu. Tăng trưởng có khả năng cao hơn trong thời gian tới dù chặng đường phía trước vẫn gian nan.

 

Tìm lại niềm tin cho chặng đường vượt khó

GDP 2010 SẼ VƯỢT NGƯỠNG 6,5%

Mặc dù chịu tác động bởi nhiều biến động cả trong và ngoài nước nhưng sáu tháng qua, những cân đối vĩ mô của nền kinh tế vẫn giữ được ổn định, hầu hết các ngành, các lĩnh vực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,31%, đóng góp 0,59% vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,50%, đóng góp 2,63%; khu vực dịch vụ tăng 7,05%, đóng góp 2,94%. Tính chung thời gian này, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,16%. Đây là tốc độ khá cao thể hiện sự phục hồi nhanh của nền kinh tế (sáu tháng đầu năm 2009, tốc độ tăng GDP là 3,87%). Tốc độ tăng GDP quý I/2010 là 5,83% so với cùng kỳ năm 2009, ước tính quý II/2010 tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước và bằng 109,8% tốc độ tăng quý đầu cho thấy chúng ta có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn trong sáu tháng cuối năm. Theo ông Đỗ Thức, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong sáu tháng cuối năm, khả năng GDP sẽ tăng 6,8 đến 7,3%. Như vậy, GDP năm 2010 hoàn toàn có thể đạt và vượt con số 6,5%.

Vốn đầu tư toàn xã hội theo giá thực tế thực hiện sáu tháng đầu năm ước đạt 390.100 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2009. Trong số này, vốn khu vực Nhà nước 166.800 tỷ đồng, tăng 17,8%; khu vực ngoài Nhà nước 120.000 tỷ đồng, tăng 9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 103.300 tỷ đồng, tăng 11,8%.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6-2010 tăng 8,69% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,78% so với tháng 12-2009. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 8,75% so với bình quân sáu tháng đầu năm 2009. Đây là sức ép khá lớn cho sáu tháng cuối năm bởi chỉ tiêu mà Quốc hội đưa ra cho cả năm là dưới 8%. Tuy nhiên, mức tăng (CPI) bình quân tháng của quí I là 1,35%, nhưng sang quý II mức tăng bình quân tháng đã giảm xuống còn 0,21%, bằng 15,6% quý I/2010 và bằng một nửa mức tăng bình quân tháng trong quý II/2009. Điều này phản ánh các chính sách bình ổn giá của Chính phủ đã bước đầu phát huy tác dụng.

Số liệu Tổng cục Thống kê công bố hôm 1-7-2010 khẳng định, thâm hụt ngân sách sáu tháng đầu năm là 3,6% (năm 2009 là 4,4%). Theo ông Bùi Bá Cường, Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia - Tổng cục thống kê, Quốc hội đã cho phép chỉ tiêu này ở mức 6,2%. Tuy nhiên, Bộ KHĐT vừa báo cáo Chính phủ khả năng trong vòng 6%.

Tính đến ngày 20-6-2010, cả nước thu hút được 8,4 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, bằng 80,9% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó vốn đăng ký của 438 dự án được cấp phép mới đạt 7,9 tỷ USD, vốn FDI giải ngân đạt 5,4 tỷ USD.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tại thị trường trong nước sáu tháng qua tăng trên 26,7% so với cùng kỳ năm 2009. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ tăng khoảng 16,4%. Hoạt động xuất nhập khẩu cũng có nhiều dấu hiệu khả quan. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 32,13 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2009 và đạt 53% kế hoạch năm. Trong đó, các mặt hàng nông sản (ngoại trừ cà phê) và công nghiệp chế biến có tốc độ tăng trưởng khá cao. Một số mặt hàng có kim ngạch tăng mạnh là hóa chất tăng 248,7%, sắt thép tăng 243,6%, sản phẩm từ cao su tăng 92%, dây điện và cáp điện tăng 86,9%...

Tổng kim ngạch nhập khẩu sáu tháng ước đạt 38,85 tỷ USD, tăng 29,4% so với cùng kỳ. Những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh là bông tăng 140,2%, cao su các loại tăng 77,5%, lúa mì tăng 77%, kim loại thường khác tăng 11,4%... Việc nhập khẩu nhiều mặt hàng nguyên vật liệu tăng mạnh về lượng cho thấy sản xuất, xuất khẩu đang trên đà tăng trưởng. Giá nhập khẩu nhiều mặt hàng tăng mạnh ảnh hưởng không nhỏ đến đầu vào của sản xuất kinh doanh. Điều này cũng “thúc đẩy” tổng nhập siêu sáu tháng đầu năm lên tới 6,7 tỷ USD, bằng 20,9% kim ngạch xuất khẩu (chỉ tiêu đặt ra 20%) và 15% GDP. Dù vậy, so với quý I, tốc độ tăng nhập khẩu Quý II cũng đã chậm lại.

KHÓ KHĂN CHƯA HẾT

Tuy số liệu thống kê cho thấy tình hình kinh tế năm 2010 của nước ta đang rất khả quan nhưng những thách thức cho nửa chặng đường còn lại vẫn rất nặng nề bởi không ít mục tiêu đề ra nhưng chưa đạt được hoặc đạt thấp. Điều này được thể hiện qua các cân đối vĩ mô chưa thực sự vững chắc, hiệu quả đầu tư chưa cao, sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do nguồn điện cung cấp hạn chế; tình hình nắng nóng, khô hạn kéo dài ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp và cuộc sống người dân.

Để thực hiện tốt mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010, các cấp, các ngành cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm như: nâng cao hiệu quả, chất lượng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và của từng doanh nghiệp nói riêng; các doanh nghiệp cần chủ động và có giải pháp hữu hiệu để đối phó với những thách thức có thể xảy ra. Phải thực hiện đánh giá lại hiệu quả các hoạt động đầu tư, đặc biệt đối với đầu tư công để có những điều chỉnh hợp lý; hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp tổng thể nhằm kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý, đồng thời thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng để ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng bền vững.

Bằng bản lĩnh và những kinh nghiệm quý báu trong điều hành kinh tế - xã hội vượt qua giai đoạn khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu vừa qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã đề ra khá toàn diện và đồng bộ những chính sách và những biện pháp, giải pháp nhằm phát huy và nâng cao chất lượng và hiệu quả tăng trưởng kinh tế, đồng thời khắc phục những khó khăn hiện nay.

BNS

ĐỌC THÊM