HPG tiếp tục cho thấy quy mô vượt trội của mình khi chiếm tới 31% tổng doanh thu và 56,4% tổng lợi nhuận sau thuế của 16 doanh nghiệp ngành thép.
Trong trong 3 tháng đầu năm 2016, thị trường thép Việt Nam khá khởi sắc. Cùng với xu hướng tăng chung của thị trường nguyên liệu và sản phẩm thép thế giới, thị trường thép trong nước cũng có sự điều chỉnh tăng giá tương ứng.
Cụ thể, trước nghỉ lễ giá thép xây dựng thông dụng phổ biến ở mức từ 8,9 – 9,6 triệu đồng/tấn khu vực phía Bắc, 8,6 – 8,9 triệu đồng/tấn khu vực phía Nam. Sau nghỉ lễ giá có điều chỉnh tăng tại 2 thị trường, hiện tại mức giá phổ biến khu vực phía Bắc là 9,3-10,2 triệu đồng/tấn, khu vực phía Nam ở mức 9,2-9,3 triệu đồng/tấn. (giá giao tại nhà máy, chưa bao gồm chiết khấu, VAT).
Việc giá thép tăng mạnh trong những tháng đầu năm được cho là do giá nguyên liệu sản xuất thép đang nhích hơn, nhu cầu thị trường trong nước tốt, đang là mùa thuận lợi cho hoạt động xây dựng. Bên cạnh đó, tâm lý đầu cơ của các nhà thương mại do tác động bởi Quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.
Với sự đảo chiều tăng mạnh của giá thép trong thời gian qua đã giúp kết quả kinh doanh quý I/2016 của các doanh nghiệp thép niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên khởi sắc hơn.
Cụ thể, thống kê kết quả kinh doanh quý I/2016 của khoảng 16 doanh nghiệp ngành thép đang niêm yết trên hai sàn giao dịch HOSE và HNX, tổng doanh thu thuần đạt hơn 23.148 nghìn tỷ đồng, tăng 12,55% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.808,88 tỷ đồng, gấp 2,55 lần cùng kỳ năm 2014.
Đáng chú ý, hai doanh nghiệp lớn nhất nhì ngành thép hiện nay là CTCP Tập Đoàn Hòa Phát (mã HPG - HOSE) và CTCP Tập Đoàn Hoa Sen (mã HSG - HOSE) vẫn tỏ ra quá vượt trội so với các doanh nghiệp còn lại. Trong quý I/2016, HPG chiếm tới 31% tổng doanh thu của 16 doanh nghiệp ngành thép và 56,4% tổng lợi nhuận sau thuế.
Cụ thể, quý I/2016, doanh thu bán hàng của HPG đạt 7.257 tỷ đồng, tăng 22,5% cùng kỳ năm trước, biên lợi nhuận gộp quý này của HPG đã tăng vọt lên 19,7% trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 17,1%. Các khoản chi phí của HPG quý này đều giảm so với cùng kỳ năm trước, khiến lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý 1/2016 đạt hơn 1.211 tỷ, tăng 64% cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 1.020 tỷ, tăng 56,8% cùng kỳ năm trước, lợi nhuận ròng thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 1.022 tỷ, tăng 57,5% cùng kỳ 2015.
Đứng thứ hai về KQKD ngành thép niêm yết là HSG, chiếm lần lượt 19% và 23% tổng doanh thu và lợi nhuận của 16 doanh nghiệp thép nói trên. Theo kết quả kinh doanh hợp nhất quý II niên độ tài chính 2015-2016 (niên độ tính từ 1/10/2015 đến 30/9/2016), HSG đạt 4.118 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý 2 của niên độ 2015-2016. Lợi nhuận sau thuế của quý II niên độ 2015-2016 gấp 3,6 lần so với quý trước, đạt 418 tỷ đồng.
Về tăng trưởng lợi nhuận quý I/2016, trong số 16 doanh nghiệp Thép nói trên chỉ có 3 doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận âm, còn lại có 13 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận dương, trong đó có 4 doanh nghiệp chuyển từ lỗ quý I/2015 thành lãi quý I/2016 là SMC, POM, VIS và KKC, bên cạnh đó, 7 doanh nghiệp có lợi nhuận gấp nhiều lần so với quý I/2015 là KMT, TLH, VGS, HMC, HSG và NKG.
Đáng chú ý, Công ty cổ phần Kim khí miền Trung (mã KMT) có mức lợi nhuận quý I/2016 đạt 3,28 tỷ đồng, gấp tới 36,8 lần cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là CTCP Tập Đoàn Thép Tiến Lên (mã TLH) với lợi nhuận sau thuế gấp 35,7 lần so với cùng kỳ và đạt hơn 105,7 tỷ đồng, đây cũng là mức lợi nhuận lớn thứ 3 trong số 16 doanh nghiệp nghành thép này.
Mặc dù giá thép được nhiều chuyên gia nhận định phục hồi chưa bền vững, nhưng với kết quả kinh doanh quý I/2016 khả quan như trên sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn lực tài chính để ổn định kinh doanh trong thời gian tiếp theo của năm và với tình hình giá thép như hiện tại, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thép được kỳ vọng ổn định ít nhất cho đến hết quý II trước khi giá thép có những diễn biến mới.
Nguồn tin: NDH