Hầu hết các doanh nghiệp ngành thép đều có lợi nhuận quý 4 tăng mạnh so với cùng kỳ.
Năm 2020 được xem là năm đặc biệt đối với hầu hết các doanh nghiệp ngành nghề kinh doanh do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Ngành thép cũng là một trong những ngành chịu tác động mạnh nhất khi những tháng đầu năm hàng loạt dự án bị đình trệ, thậm chí ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2020, giá thép bất ngờ tăng mạnh đã khiến cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép khó dự đoán hơn. Do vậy, soi kết quả kinh doanh những doanh nghiệp ngành thép, vẫn còn đó những doanh nghiệp có lợi nhuận giảm sút mạnh so với cùng kỳ. Tuy vậy, những doanh nghiệp kịp thời thích ứng, báo lãi tăng trưởng mạnh cũng không ít.
Không có doanh nghiệp báo lỗ quý 4
Một tín hiệu khả quan là quý 4 vừa qua các doanh nghiệp ngành thép trên sàn không có doanh nghiệp nào báo lỗ ngoại trừ Dana Ý (DNY) chưa công bố kết quả kinh doanh, mặc dù vẫn còn đó nhiều doanh nghiệp vừa vặn thoát lỗ như Quốc tế Phương Anh (PAS) với số lãi trăm triệu đồng.
Nhỉnh hơn tí có Thép tấm lá Thống Nhất (TNS) lãi chưa đến 1,5 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ còn Gang thép Thái Nguyên lãi sau thuế 2,9 tỷ đồng. Tuy vậy, nếu so với lợi nhuận quý 4/2019, Gang Thép Thái Nguyên vẫn được tính là "tăng bằng lần" với tỷ lệ gấp 7 lần cùng kỳ năm 2019.
Nhìn lại quý 4 năm ngoái, không ít các doanh nghiệp báo lỗ lớn như Thép Tiến Lên (TLH) với số lỗ 177 tỷ đồng, như VnSteel (TVN) với số lỗ gần 112 tỷ đồng, như Thép Việt Ý (VIS), Thép Pomina (POM) hay Dana Ý (DNY)... Nhìn chung, quý 4/2019 hầu hết các doanh nghiệp ngành thép báo lỗ.
Một trong những nguyên nhân chính tác động lên kết quả kinh doanh nghành thép quý 4 vừa qua là giá thép đang liên tục tăng, những doanh nghiệp chuẩn bị tốt nguồn hàng tồn kho sẽ được hưởng lợi lớn.
Quán quân tăng trưởng quý 4: Một doanh nghiệp có lợi nhuận gấp 20 lần cùng kỳ
Quý 4 vừa qua, ngoại trừ các doanh nghiệp chuyển biến từ lỗ sang lãi, thì quán quân tăng trưởng lợi nhuận thuộc về doanh nghiệp có lãi sau thuế gấp 20 lần cùng kỳ - là Thép Nam Kim (NKG).
Quý 4 vừa qua Thép Nam Kim báo lãi sau thuế 154 tỷ đồng, nâng tổng lợi nhuận sau thuế cả năm lên 295 tỷ đồng, gấp 6,3 lần lợi nhuận đạt được năm 2019. Thép Nam Kim đang tập trung chiến lược kinh doanh, tiếp cận thị trường Miền Trung, cải thiện dòng tiền và cơ cấu nợ. Lợi nhuận sau thuế quý 4 cũng tăng đột biến so với các quý đầu năm 2020.
Tuy vậy, cái tên đáng được nhắc đến nhất trong các doanh nghiệp ngành thép là Hòa Phát (HPG). Doanh nghiệp này vừa báo lãi kỷ lục 4.660 tỷ đồng trong quý 4, tăng 142% so với cùng kỳ. Đây là một con số gây ngạc nhiên khi năm 2020 là năm khó khăn với các doanh nghiệp ngành thép. Tính chung cả năm 2020 Hòa Phát đạt 91.279 tỷ đồng doanh thu, tăng 41% so với năm 2019 còn lợi nhuận sau thuế đạt 13.506 tỷ đồng, gấp 2,42 lần năm trước đó.
Dù kinh doanh trong nhiều mảng hơn các doanh nghiệp ngành thép khác được thống kê, Hòa Phát cho biết lĩnh vực sản xuất thép đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng. Lần đầu tiên thép Hòa Phát đạt mức 5,8 triệu tấn thép thô, gấp đôi năm 2019. Trong đó, sản lượng phôi thép và thép xây dựng thành phẩm là 5,1 triệu tấn, còn lại là thép cuộn cán nóng với gần 700.000 tấn. Riêng thép xây dựng thành phẩm đạt 3,4 triệu tấn, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Đầu năm 2021, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất chính thức hoạt động đồng bộ cả 2 giai đoạn. Điều này cho phép Tập đoàn đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm trước.
Góp phần vào sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát còn có mảng nông nghiệp và bất động sản. quý 4 vừa qua cũng là quý thứ 6 liên tiếp Hòa Phát có tỷ lệ tăng trưởng dương về lợi nhuận so với quý trước đó.
"Hiện tượng" Ống thép Việt Đức
Ống thép Việt Đức VG PIPE (mã chứng khoán VGS) cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý 4/2020 với doanh thu tăng 14%, lên 1.839 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt mức tăng trưởng hơn 65%, lên gần 59 tỷ đồng.
Ống thép Việt Đức cho biết, quý 4 vừa qua sản lượng bán hàng tăng khoảng 20-30% và giá bán bình quân trong kỳ của các mặt hàng đều cao hơn từ 10-15% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, công ty đã cơ cấu tốt lượng hàng tồn kho trước thời điểm tăng giá nên lợi nhuận gộp trong kỳ tăng cao. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các ngân hàng có chính sách giảm lãi tiền vay, dẫn đến chi phí tài chính giảm. Trong quý công ty cũng hoàn nhập dự phòng một số khoản liên quan đến công nợ khó đòi đã thực hiện...là các nhân tố giúp lợi nhuận tăng mạnh.
Tính chung cả năm 2020 doanh thu thuần đạt 6.670 tỷ đồng, giảm 2,4% so với cùng kỳ và vượt 5,9% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 103 tỷ đồng, tăng 36,7% cùng kỳ và thực hiện gấp đôi chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Những doanh nghiệp chuyển từ lỗ quý 3 năm ngoái sang lãi năm nay
Cũng rất nhiều doanh nghiệp đã chuyển mình, từ lỗ quý 3 năm ngoái sang lãi cùng kỳ năm nay. Trong số đó, Pomina là cái tên đáng nhắc đến nhất. Đáng nhắc đến bởi trước đó không lâu, Pomina đã kinh doanh thu lỗ triền miên với 6 quý lỗ liên tiếp trước khi có lãi trở lại vào quý 3 và 4/2020.
Tính riêng quý 4, doanh thu vẫn giảm 16% so với cùng kỳ, đạt 2.561 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí giá vốn giảm mạnh, cùng với khoản thu nhập khác phát sinh hơn 53 tỷ đồng, dẫn tới Pomina lãi sau thuế 144 tỷ đồng – cải thiện nhiều so với số lỗ 48 tỷ đồng ghi nhận trong quý 4/2019.
Cả năm 2020 POM ghi nhận 9.885 tỷ doanh thu, LNST 16 tỷ đồng, "cải tử hoàn sinh" so với mức lỗ ròng lên đến 309 tỷ đồng trong năm 2019.
Có thể nói, biến động tích cực của giá thép thế giới khiến nhiều doanh nghiệp ngành thép có kết quả kinh doanh khả quan quý 4. Không riêng POM, nhiều đơn vị khác cũng ghi nhận con số kinh doanh cải thiện mạnh mẽ. Tổng Công ty Thép Việt Nam (VnSteel – mã chứng khoán TVN) cũng ghi nhận lãi sau thuế gần 236 tỷ đồng trong khi quý 4 năm ngoái lỗ gần 112 tỷ đồng, Thép Việt Ý có lãi gần 20 tỷ đồng so với số lỗ gần 58 tỷ đồng ghi nhận trong quý 4/2019. Ngoài ra, Thép Tiến Lên (TLH) cũng lãi sau thuế 78 tỷ đồng so với số lỗ 177 tỷ đồng cùng kỳ. SMC cũng ghi nhận lãi 154 tỷ đồng – tăng mạnh so với số lỗ 11 tỷ đồng cùng kỳ và cũng là quý lãi lớn nhất so với 3 quý đầu năm.
"Soi" kết quả kinh doanh cả năm
Quý 4 kết quả kinh doanh các doanh nghiệp ngành thép được hỗ trợ mạnh bởi đà tăng của giá sắt thép. Tuy nhiên như vậy cũng không đủ "bù" những khó khăn gặp phải trong 3 quý đầu năm. Do vậy tính chung cả năm 2020 khá nhiều doanh nghiệp kinh doanh giảm sút so với cùng kỳ.
Xét chỉ tiêu doanh thu, chỉ Hòa Phát (HPG) có doanh thu cả năm đạt 90.119 tỷ đồng, tăng 41,6% so với năm trước đó. Các doanh nghiệp còn lại đều có doanh thu giảm sút.
Xét về chỉ tiêu lợi nhuận, những doanh nghiệp "ngược dòng" từ lỗ năm ngoái sang lãi năm nay bao gồm Pomina, Thép Việt Ý, Thép Tiến Lên, Thép tấm lá Thống Nhất.
Những doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng so với năm 2019 bao gồm Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Tổng công ty Thép Việt Nam, SMC, Ống thép Việt Đức VG PIPE và Quốc tế Phương Anh. Trong đó, nói về quán quân tăng trưởng phải kể đến Phương Anh với số lãi sau thuế 5 tỷ đồng, gấp 8 lần cùng kỳ.
Nguồn tin: Cafef