Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ky cóp cho... tỷ giá xơi!

Không chỉ có USD, tỷ giá nhiều mã ngoại tệ khác trên VND tăng mạnh trong năm 2010 khiến không ít DN có nguy cơ "san bằng" lợi nhuận năm do phải trích lập dự phòng rủi ro chênh lệch tỷ giá hối đoái.

Cuối năm 2009, tỷ giá JPY/VND (tính trích lập dự phòng) là 200,7. Với mức tỷ giá này, CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) phải trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá khoản vay JPY dài hạn với Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) lên tới 540,665 tỷ đồng, đẩy chi phí tài chính của Công ty lên mức 703,119 tỷ đồng. Đây là lý do quan trọng khiến lợi nhuận năm 2009 của PPC chỉ còn 892 tỷ đồng.

Năm 2010, khi tỷ giá hiện tại của JPY/VND theo Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 222,3 (tính tỷ giá mua), thì với số dư nợ vay dài hạn tính đến cuối năm 2010 là hơn 30,636 tỷ JPY (do đã chuyển gần 1,857 tỷ JPY sang nợ ngắn hạn), PPC sẽ phải trích lập thêm chênh lệch tỷ giá cho khoản vay dài hạn này hơn 683 tỷ đồng.

Trường hợp tính chênh lệch tỷ giá theo tỷ giá JPY/VND do ngân hàng thương mại công bố (khoảng 247,57), thì mức chênh lệch tỷ giá mà PPC phải trích lập sẽ lớn hơn rất nhiều, trên 1.000 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn trong bối cảnh lợi nhuận trước thuế của công ty này tính cho 9 tháng đầu năm 2010 là 592,761 tỷ đồng.

Rõ ràng, áp lực của khoản vay JPY ngày một lớn với PPC (dù Công ty vẫn thực hiện trả gốc hàng năm), do xu hướng tăng giá của JPY so với USD ngày một lớn. Trong khi đó, VND lại mất giá so với USD.

Tương tự trường hợp của PPC, CTCP Vận tải biển Việt Nam - Vinaship (VNA) cuối năm nay cũng phải chịu một khoản trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá hối đoái xấp xỉ 30 tỷ đồng cho khoản vay ngoại tệ. Theo ông Vương Ngọc Sơn, Kế toán trưởng của Vinaship, tổng khoản vay ngoại tệ của Công ty hiện là 26 triệu USD.

Trong khi đó, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng cuối năm 2009 là 16.749, nay đã tăng lên 18.932. Tuy mức chênh lệch này không làm thay đổi chênh lệch cán cân lời - lỗ và doanh thu cho thuê tàu của Công ty cũng được tính theo USD, nhưng trong ngắn hạn, khoản trích lập dự phòng này cũng khiến thành quả lao động một năm của Vinaship bị giảm đi đáng kể.

CTCP Vận tải Xăng dầu Petrolimex - VIPCO (VIP) cũng phải đối mặt với tình trạng tương tự. Với khoản vay 60 triệu USD, 6 tháng đầu năm 2010 Công ty đã trích lập 10 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá tính vào chi phí tài chính trong kỳ. Nhưng mức biến động tỷ giá lớn vào cuối năm như vừa qua, con số 10 tỷ đồng đã trích lập của VIP "chưa thấm vào đâu".

Dự báo, trong báo cáo tài chính cuối năm 2010 của nhiều DN niêm yết khác cũng sẽ xuất hiện những khoản chi phí tài chính "khổng lồ" do trích lập dự phòng rủi ro chênh lệch tỷ giá hối đoái các khoản vay nợ bằng ngoại tệ. Một số DN có mức nợ ngoại tệ lớn có thể kể đến là Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD), với số vay nợ bằng USD tính đến cuối năm 2009 là 230 triệu USD; Tổng CTCP Vận tải Petro Việt Nam (PVT), với số vay nợ USD cuối năm 2009 theo ước tính của CTCK Sài Gòn là 150 triệu USD; CTCP Xi măng Hà Tiên 1 nợ 91 triệu EUR; CTCP Xi măng Bỉm Sơn nợ 111 triệu EUR; CTCP Xi măng Bút Sơn nợ 70 triệu EUR…

Nếu các con số nợ nêu trên không thay đổi trong kỳ, thì PVD có thể phải trích lập cuối năm khoản chênh lệch tỷ giá xấp xỉ 276 tỷ đồng, PVT khoảng 180 tỷ đồng. Riêng đối với các DN vay bằng EUR, nếu trong những ngày cuối năm, tỷ giá EUR/VND không biến động quá nhiều, thì năm nay, các DN có khả năng hoàn nhập một phần khoản đã trích lập dự phòng năm 2009, do tỷ giá EUR/VND hiện là 24.306, tính theo tỷ giá Ngân hàng Nhà nước công bố (còn tỷ giá này do ngân hàng thương mại công bố là 27.270), trong khi cuối năm 2009, tỷ giá EUR/VND là 27.010.

Công cụ bảo hiểm tỷ giá còn một số điểm hạn chế, đặc biệt là nhiều DN vẫn chưa quan tâm sử dụng, nên những cú hẫng hụt mang tên tỷ giá có thể tiếp tục là nỗi ám ảnh đối với NĐT.

Nguồn: ĐTCK

ĐỌC THÊM