Hiện giá thép trong nước đã giảm về mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020 trong bối cảnh nhu cầu suy yếu, tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Hòa Phát. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp sản xuất thép này được kỳ vọng sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm nay.
Tập đoàn Hòa Phát khó hoàn thành mục tiêu lợi nhuận của năm nay?
Xu hướng giá thép xây dựng trong nước qua các tháng. (Nguồn: MBS Research)
Theo đánh giá mới nhất của MBS Research về triển vọng kinh doanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã cổ phiếu HPG – sàn HoSE), nhu cầu tiêu thụ yếu đã khiến sản lượng bán các mặt hàng thép của Tập đoàn Hòa Phát phục hồi chậm.
Trong tháng 7 vừa qua, sản lượng bán hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC) và phôi thép của tập đoàn sản xuất thép lớn nhất Việt Nam này chỉ đạt 555.000 tấn. Dù con số này tăng 3% so với tháng 6/2023 và tăng 6% so với tháng 7/2022 nhưng vẫn chưa bằng mức sản lượng bán tháng 12/2022.
Giá bán giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ hồi phục chậm khiến kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý 2/2023, tập đoàn này ghi nhận doanh thu 29.800 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng đạt 1.448 tỷ đồng, dù gấp 3,8 lần quý 1/2023 nhưng vẫn giảm 64% so với quý 2/2022.
Kết quả kinh doanh qua các quý của Tập đoàn Hòa Phát. (Nguồn: MBS Research)
Tính chung nửa đầu năm nay, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận doanh thu đạt 56.665 tỷ đồng và lãi ròng đạt 1.830 tỷ đồng, lần lượt giảm 30% và 85% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch đã đề ra, tập đoàn này đã thực hiện 38% mục tiêu doanh thu và 23% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Với dự báo giá thép đã tạo đáy sau 16 lần giảm liên tiếp từ đầu năm đến nay, và dự kiến sẽ duy trì quanh mức 14,3 – 14,5 triệu đồng/tấn trong nửa cuối năm nay, MBS Research dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Hòa Phát năm 2023 đạt lần lượt 117.939 tỷ và 5.594 tỷ đồng, tương ứng giảm 16% và 37% so với năm trước. Nếu theo dự báo này thì Tập đoàn Hòa Phát sẽ không đạt được mục tiêu lợi nhuận trong năm nay.
Kết quả kinh doanh kém tích cực của Tập đoàn Hòa Phát diễn ra trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ thép trong nước nửa đầu năm nay giảm tới 17,5% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 12,4 triệu tấn. Chủ yếu do mức giảm của thép xây dựng (chiếm 60% sản lượng toàn ngành), nhu cầu yếu do hoạt động xây dựng dân dụng khó khăn khiến sản lượng bán hàng thép xây dựng giảm hơn 26% so với cùng kỳ năm 2022; trong khi đó, mức giảm của thép HRC là 14%.
Xem thêm: "PV Trans (PVT): Giá cước tàu tăng cao giúp biên lợi nhuận cao nhất lịch sử" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Kỳ vọng biên lợi nhuận gộp sẽ tiếp tục được cải thiện
Giá than và giá quặng sắt trên thị trường thế giới đã giảm mạnh trong quý 2/2023. (Nguồn: Bloomberg, MBS Research)
Theo MBS Research, điểm sáng đối với hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Hòa Phát trong nửa cuối năm nay là biên lợi nhuận gộp có thể sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ giá than mỡ và quặng sắt giảm.
Cụ thể, nhu cầu sản xuất thép thô tại Trung Quốc suy yếu khiến giá mặt hàng nguyên vật liệu than mỡ và quặng sắt giảm mạnh trong thời gian qua. Trong quý 2/2023, giá than và quặng sắt giảm lần lượt 30% và 20% so với quý 2/2022. Mức giảm chi phí giá vốn này sẽ được phản ánh vào kết quả kinh doanh quý 3/2023 của Tập đoàn Hòa Phát do hiện nay vòng quay nguyên vật liệu của doanh nghiệp này vào khoảng 75 ngày.
Dự báo giá quặng sắt thời gian tới (USD/tấn). (Nguồn: MBS Research)
Dự báo giá than thời gian tới (USD/tấn). (Nguồn: MBS Research)
Dự báo giá nguyên vật liệu sẽ duy trì ở mức thấp trong nửa cuối năm do nhu cầu sản xuất yếu. Giá quặng sắt dự báo ở mức 110 USD/tấn và giá than ở mức 230 USD/tấn, lần lượt giảm 20% và giảm 30% so với nửa cuối năm 2022. Nhờ vậy, dự kiến biên lợi nhuận gộp của Tập đoàn Hòa Phát trong 2 quý cuối năm 2023 sẽ ở mức 12%, cải thiện nhẹ so với mức 11,6% của quý 2/2023.
Hiện Tập đoàn Hòa Phát đã mở lại toàn bộ 7 lò cao vào đầu quý 3. Điều này giúp doanh nghiệp có thể tích trữ hàng tồn kho giá rẻ khi giá nguyên vật liệu đã giảm về mức thấp của năm 2021. Do đó, biên lợi nhuận gộp của tập đoàn này có thể sẽ được cải thiện lên mức 14% trong năm 2024 khi giá thép xây dựng hồi phục trở lại, theo MBS Research.
Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối của VN hiện nay ở mức 95 tỷ USD, cao hơn 6 tỷ so với cuối năm 2022. Dữ trữ ngoại hối dồi dào được đánh giá sẽ giúp tỷ giá USD/VND có thể duy trì quanh mức 23.900 trong nửa cuối năm. Biến động tỷ giá khoảng 3% sẽ giúp Tập đoàn Hòa Phát chỉ còn lỗ tỷ giá khoảng 1.100 tỷ đồng trong năm nay, giảm đến 73% so với cùng kỳ năm 2022, theo MBS Research.
Trong một diễn biến có liên quan, SSI Research vừa cho biết, Tập đoàn Hòa Phát sẽ tạm dừng lò cao số 3 tại Hải Dương trong vòng 3 tháng, bắt đầu từ tháng 9/2023 để bảo dưỡng định kỳ. Lò cao này có công suất 1,2 triệu tấn/năm, chiếm 14% tổng công suất của Tập đoàn Hòa Phát.
Nguồn tin: Tạp chí công thương