SGTT - Kỳ nghỉ tết dài của các ngân hàng, khiến giá cả ngoại tệ gần như hoàn toàn do các nhà kinh doanh tư nhân chi phối. Cho nên việc USD trên thị trường tự do tăng nhẹ sau tết chưa thể xem là tín hiệu xấu.
Ngay trước kỳ nghỉ tết, thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra thông tư số 03/2010/TT-NHNN ngày 10.2.2010 quy định mức lãi suất tiền gửi tối đa bằng USD của tổ chức kinh tế tại tổ chức tín dụng và quyết định điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng.
Sẽ còn một tỷ giá?
|
Việc điều chỉnh tăng tỷ giá sẽ làm nhiều doanh nghiệp bị tăng chi phí. Ảnh: Hồng Thái |
Theo đó, kể từ ngày 11.2.2010, mức lãi suất tiền gửi tối đa bằng USD của tổ chức kinh tế (trừ tổ chức tín dụng) tại tổ chức tín dụng tối đa là 1,0%/năm. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng áp dụng cho ngày 11.2.2010 là 18.544 đồng/USD (mức cũ 17.941 đồng/USD).
Với quy định trên ngân hàng thương mại có quyền ấn định tỷ giá tối đa 19.100 đồng/USD và đến ngày 12.2 thì tỷ giá của ngân hàng thương mại đạt mức này. Trong khi đó, thị trường tự do, giá USD giảm dần chỉ còn 19.150 đồng/USD, một mức chênh lệch không đáng kể so tỷ giá của ngân hàng thương mại.
Mục đích của việc ban hành thông tư và điều chỉnh tỷ giá, theo NHNN là nhằm cân đối hài hoà cung – cầu ngoại tệ, tăng cường sự lưu thông trên thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát nhập siêu và ổn định kinh tế vĩ mô.
Cuối tuần qua (ngày 19.2), NHNN công bố tỷ giá liên ngân hàng vẫn là 18.544 đồng/USD, trong khi các ngân hàng thương mại vẫn chưa làm việc trở lại và tỷ giá của các ngân hàng thương mại bán ra vẫn là 19.100 đồng/USD tồn tại từ 12.2.
Theo nhận định của một số công ty chứng khoán, các quyết định kể trên của NHNN là tích cực. Nguồn cung USD sẽ tăng, làm cho tiền đồng có giá hơn và khuyến khích việc gửi tiền đồng hơn USD.
Thời gian hiệu lực của chính sách còn quá ngắn, nhưng giá USD thị trường tự do giảm ngay lập tức trước tết chứng tỏ phần nào tâm lý găm giữ USD được giải toả.
Ông Trang Văn Sanh, chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc áp dụng đồng thời hai chính sách kể trên là cần thiết. Vì nếu chỉ tăng tỷ giá mà không hạ lãi suất tiền gửi USD thì người ta vẫn găm giữ USD vì kỳ vọng giá USD sẽ tăng nữa.
Chờ xem
Tuy nhiên, ông Sanh cho rằng, người ta vẫn tiếp tục giữ USD nếu nguy cơ lạm phát tồn tại và kỳ vọng tỷ giá tiếp tục tăng. Tâm lý này là nguy hiểm, vì lúc đó người ta sẽ giữ USD như biện pháp bảo tồn tài sản. Và một nguồn vốn của nền kinh tế thay vì đi vào sản xuất kinh doanh để tạo ra giá trị gia tăng thì lại bị cất giữ. Tỷ giá phải được điều chỉnh từng bước, sao cho tỷ giá chính thức và bên ngoài ngang nhau, thì lúc đó, mới ổn định. Nhà nước sẽ không cần phải dùng biện pháp hành chính như buộc các tập đoàn bán ngoại tệ nữa. Người dân, doanh nghiệp sẽ dùng nguồn USD để sản xuất, kinh doanh xoay vòng, chứ không còn lo giữ USD để bảo toàn vốn nữa.
Nhiều người cho rằng, do các ngân hàng nghỉ tết dài không tham gia thị trường, tỷ giá trên thị trường tự do đã tăng trở lại. Giá USD vào sáng chủ nhật 21.2 tăng nhẹ, mua vào và bán ra trong khoảng 19.350 – 19.460 đồng/USD. Trước tết là 19.150 đồng/USD, đến mùng 3 tết là 19.200 – 19.250 đồng/USD.
Nếu tuần tới, tỷ giá ngân hàng và tỷ giá thị trường tiệm cận nhau, có thể tạm kết luận, chính sách mới đã thành công. “Vấn đề bây giờ là tỷ giá mới đã sát với thực tế chưa? Hay còn phải điều chỉnh nữa? Đây là bài toán khó, vì nếu điều chỉnh không khéo, sẽ làm mặt bằng giá cả thay đổi và lạm phát”, ông Sanh nhận xét.